THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:59

Cần phải tính toán để không vì kinh tế mà để lại hậu quả khó lường...

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa cho biết, đối với miền Trung, những tháng cuối năm bão kèm mưa lớn hay tập trung từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế do đặc điểm của địa hình, ở đây có dãy Trường Sơn giáp Lào và nhiều Đèo lớn như: Đèo Ngang, Đèo Hải Vân đã tạo ra vùng bão và lũ rất lớn và đây là quy luật của tự nhiên. Hàng năm, các lực lượng vũ trang như quân đội, công an, dân quân tự vệ và nhân dân… đều có phương án luyện tập và luôn luôn có lực lượng thường trực ứng cứu, song có những việc bất khả kháng.

Cần phải tính toán để không vì kinh tế mà để lại hậu quả khó lường... - Ảnh 1.

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa.

Đối với Thủy điện Rào Trăng 3, chủ đầu tư cũng đã có tính toán nhiều nội dung, trong đó phải có vấn đề kinh tế và làm sao để an toàn. Song vừa qua bất ngờ có mưa lớn nhiều ngày ở cả Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Hiện tượng sạt lở và lũ quét này cũng không ngờ tới. Ví dụ như vị trí trạm 67 có vùng đất rộng trên 5.000 m2, cách xa núi khoảng 300-400m, hoặc vị trí đóng quân của đoàn 337 dù đã ở đây ổn định 30-40 năm rồi nhưng cũng không thể lường được tai họa thiên nhiên.

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng, mặc dù đã có kế hoạch, có phương án nhưng có những việc bất khả kháng xảy ra. Bản thân ông dù từng nhiều năm công tác ở quân khu 4 cũng không ngờ.

Theo ông Nghĩa, các cấp ủy chính quyền rất quan tâm, khi có lũ lụt đã họp suốt ngày đêm, lực lượng vũ trang mặc dù trước hiểm nguy nhưng đã đi trong đêm, đi dưới bão lũ… và đã để lại những niềm tiếc thương. Nhưng vì đây là nhiệm vụ nên lực lượng vũ trang đã rất xung phong, không những quân đội mà cả lực lượng công an. Thượng nguồn sông Bồ ở vị trí thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 là một nơi rất nguy hiểm nhưng các lực lượng vũ trang vẫn dùng cano đến cứu hộ, xác định xả thân và thực tế là một số đồng chí đã hy sinh.

Miền Trung là vùng đất vô cùng khắc nghiệt, quan điểm của Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa là "Chúng ta cần phải tính toán. Một là phải có những chiến lược cao hơn nữa, đánh giá thật tốt các nguyên nhân về rừng. Thứ hai, cần những phương tiện hiện đại nhằm phát hiện sớm lũ để cảnh bảo cho người dân trong rừng, nếu không cứu được thì phải thả lương thực thực phẩm. Thứ ba, phải đánh giá được tình hình thời tiết".

Cũng theo Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, cần phát hiện sớm để đề phòng, ngăn ngừa thảm họa thiên tai. Với thủy điện, cần có những đánh giá lại để làm sao đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh nhưng vẫn đảm bảo được tính bền vững của thiên nhiên, bền vững của môi trường, làm sao hài hòa, không vì mục đích kinh tế mà để lại những hậu quả khó lường. Cần phải có chiến lược của các nhà khoa học cùng với kinh nghiệm thực tế vùng để có chiến lược lâu dài.

VÂN KHÁNH -MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh