THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:05

Cần nhiều giải pháp lấy lại đà tăng trưởng hàng hóa

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Ngày 31/3/2023, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023. Đây là hội nghị thứ 9 diễn ra định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022.

Hội nghị lần này nhằm mục tiêu đánh giá tình hình xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường nước ngoài trong quý I/2023, đồng thời cập nhật các thông tin thị trường xuất khẩu, bàn thảo các giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động ngoại thương của Việt Nam trong thời gian tới.

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và fanpage Facebook của Cục Xúc tiến thương mại, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp từ 63 tỉnh, thành trên cả nước quan tâm tham dự.

Xuất khẩu đối mặt thách thức chung của các thị trường đối tác

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, ba tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, kinh tế Mỹ và EU dự báo tăng trưởng dưới 1% và không loại trừ khả năng suy thoái. Các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển phục hồi khó khăn hơn, tăng trưởng giảm.

Lạm phát vẫn còn ở mức cao tại nhiều quốc gia khiến xu hướng thắt chặt tiền tệ - lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm 2023. Giá năng lượng vẫn có thể biến động do xung đột tại Ukraina và sự phục hồi khá mạnh của nền kinh tế Trung Quốc.

Ở trong nước, do tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu dẫn tới sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Cán cân thương mại được dự báo tiếp tục cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác.

Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát xu hướng tăng ảnh hưởng đến hồi phục và phát triển kinh tế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

2

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước và giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 3/2023 ước tính xuất siêu 0,65 tỷ USD. Tính chung quý I năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD).

Tại Hội nghị đại diện nhiều Thương vụ đã báo cáo cập nhật thông tin thị trường nước sở tại. Về thị trường Hoa Kỳ - Tham tán Thương mại Đỗ Ngọc Hưng cho biết, năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về cơ bản vẫn duy trì động lực tăng trưởng đóng góp quan trọng vào thặng dư thương mại của Việt Nam.

“Với mục tiêu hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, trong thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã triển khai hàng loạt các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với các bên liên quan của Hoa Kỳ; theo dõi chặt chẽ diễn biến các vụ việc để kịp thời cập nhật thông tin, gửi thông báo, báo cáo những vấn đề phát sinh trong chính sách điều hành của Hoa Kỳ”, ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết.

Theo bà Trần Thu Quỳnh- Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada, trong bối cảnh thị trường thế giới tương đối ảm đạm, Canada vẫn là điểm sáng nhờ triển vọng thị trường khá khả quan. Theo số liệu sở tại, xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn vẫn tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm 10 mặt hàng chủ chốt của Việt Nam sang Canada vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao, trừ mặt hàng thuỷ sản giảm 26%, da giày ghi nhận tăng trưởng tới 122% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng nông sản cũng có tốc độ tăng trưởng tốt, ở cả nhóm rau củ quả, gia vị và gạo. Gỗ nội thất cũng có xu hướng phục hồi so với 2022.

Bà Trần Thu Quỳnh cũng cảnh báo một số lĩnh vực mặt hàng có nguy cơ ảnh hưởng lớn trong thời gian tới. Cụ thể, mặt hàng thuỷ sản sẽ bị cạnh tranh mạnh hơn nữa từ các đối thủ cạnh tranh sắp có/ có hiệp định thương mại tự do song phương với Canada: Ecuador, Indonesia, Ấn Độ; mặt hàng dệt may sẽ bị cạnh tranh bởi các đối thủ cạnh tranh vừa được ký gia hạn hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập: Bangladesh, Sri Lanka, Campuchia, El Salvador, Haiti, Ai Cập...;

Đối với thị trường EU, bà Võ Thị Ngọc Diệp – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, EU tập trung thực hiện quy định về hàm lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, điều này sẽ ảnh hưởng tới sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam như gạo, các loại hạt, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý.

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và fanpage Facebook của Cục Xúc tiến thương mại

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và fanpage Facebook của Cục Xúc tiến thương mại

Cạnh tranh hàng hoá sẽ lớn hơn nhiều so với trước

Thị trường Trung Quốc nhận được sự quan tâm của các đại biểu, nhất là doanh nghiệp và địa phương. Ông Nông Đức Lai- Tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc bày tỏ, từ khi mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trở lại có thuận lợi nhưng cũng là thách thức với doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, cạnh tranh hàng hoá sẽ lớn hơn rất nhiều so với thời gian trước; Trung Quốc kiểm soát ngày một chặt chẽ về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Trên cơ sở đó, ông Nông Đức Lai cũng đưa ra nhiều lưu ý: Về vấn đề kiểm soát dịch bệnh, các Bộ, ngành liên quan và địa phương có đường biên giới với Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch bệnh thâm nhập vào trong nước nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.

Tại Hội nghị, các hiệp hội ngành hàng cũng trình bày hiện trạng sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp, điểm chung là bức tranh không mấy khả quan.

Bà Tô Tường Lan – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đánh giá, xuất khẩu thuỷ sản tháng 3 giảm mạnh ở tất cả các thị trường, trong đó thị trường khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giảm 23,5%, Hoa kỳ giảm 55%, EU giảm 30%, thị trường Trung Quốc giảm ít nhất với 11%.

Nguyên nhân được xác định do 3 yếu tố: Lạm phát và khủng hoảng ngân hàng tại Hoa Kỳ đã thắt chặt tín dụng khiến nhà nhập khẩu không đủ kinh phí để nhập khẩu lô hàng lớn. Đối tác cơ cấu lại kho hàng khiến giá nhập khẩu giảm mạnh, thiếu đơn hàng. Cùng với đó là sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số đối thủ đã chiếm thị phần của thuỷ sản Việt Nam.

Tương tự với ngành cà phê, ca cao, ông Nguyễn Xuân Hiệp- Chánh văn phòng Hiệp hội cà phê- ca cao Việt Nam cũng thông tin, xuất khẩu cà phê, ca cao 3 tháng đầu năm 2023 giảm 9,9% về lượng, 1,7% về giá trị. Doanh nghiệp trong nước mua hàng rất khó khăn do người nông dân và doanh nghiệp FDI trữ hàng chờ giá cao mới bán ra. Giá thu mua trong nước cao trong khi giá xuất khẩu không ổn định, thậm chí giảm mạnh.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát tình hình quốc tế và trong nước, dự báo sát tình hình từ cuối năm 2022 và đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài là một trong những hoạt động được Bộ Công Thương chú trọng thực hiện liên tục định kỳ hàng  tháng, đã trở thành diễn đàn kết nối, cập nhật thông tin thị trường nước ngoài hữu ích, đồng thời đưa ra nhiều khuyến nghị về xúc tiến thương mại và phát triển thị trường xuất khẩu thiết thực của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đối với các cơ quan chính phủ, địa phương và doanh nghiệp trong nước.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh