CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:00

Cân nhắc đưa 5 triệu hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh

Trình bày Tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, từ những bất cập, khiếm khuyết của Luật, thay đổi của pháp luật có liên quan, thay đổi bối cảnh kinh tế xã hội và yêu cầu cải cách mạnh mẽ nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh của nước ta đã cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi Luật Doanh nghiệp.

Theo đó, bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật Doanh nghiệp không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ; một số nội dung không còn tương thích với một số quy định của luật mới ban hành…

Cân nhắc đưa 5 triệu hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ góp phần cải cách mạnh mẽ, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh

Qua rà soát, đánh giá cho thấy một số thủ tục hành chính để đăng ký doanh nghiệp không còn phù hợp, không còn cần thiết, tạo ra gánh nặng chi phí và làm chậm quá trình gia nhập thị trường; một số quy định của Luật về quản trị doanh nghiệp chưa thực sự tạo thuận lợi cho cổ đông, nhà đầu tư thực hiện quyền của mình, thậm chí tạo thêm rào cản, bị cổ đông lớn và công ty lạm dụng gây tổn hại đến lợi ích của cổ đông khác. Quy định về tổ chức lại doanh nghiệp còn có một số bất cập, hạn chế. Vấn đề về tổ chức quản trị đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước.

Do đó, việc xây dựng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm xây dựng khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4.

Đặc biệt Dự thảo Luật đã bổ sung một chương (Chương VIIa) về hộ kinh doanh, tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của "hộ kinh doanh" là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

"Đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh" – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Có nhất thiết đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp?

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế cho rằng, hộ kinh doanh là một bộ phận cấu thành không nhỏ của nền kinh tế cần được khẳng định về địa vị pháp lý và luật hóa các quyền, nghĩa vụ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển, nâng cao năng lực quản trị, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng với các chủ thể khác khi tham gia thị trường.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường...) nhằm bảo đảm vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh, vừa tạo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch với doanh nghiệp.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc đưa hộ kinh doanh cá thể vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bởi đây là vấn đề lớn, liên quan tới hoạt động của 5 triệu hộ kinh doanh và hàng chục triệu lao động. Bên cạnh đó, ban soạn thảo cũng chưa thể hiện rõ việc đánh giá tác động của dự án luật đối với các hộ kinh doanh nếu được đưa vào luật.

Cân nhắc đưa 5 triệu hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) - Ảnh 2.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng cần đánh giá kỹ tác động việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cần hết sức cân nhắc bởi Luật Doanh nghiệp chủ yếu điều chỉnh doanh nghiệp. Nếu Nghị định của Chính phủ quy định đầy đủ, chi tiết và tổ chức thực hiện tốt thì hộ kinh doanh vẫn phát triển.

"Cần đánh giá tác động kỹ vì chưa thấy yên tâm với việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật" – bà Nga bày tỏ.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi tại sao hộ kinh doanh không muốn thành doanh nghiệp? Ngoài vấn đề thuế phức tạp thì khả năng quản trị, quản lý tài chính, rồi thanh kiểm tra cũng khiến hộ kinh doanh không thích thành doanh nghiệp.

"Hộ kinh doanh ít người, mô hình vừa phải và khai thác lợi thế gia đình để kinh doanh nhỏ lẻ. Giờ đưa vào luật thì phải thực hiện đầy đủ báo cáo, kê khai hàng tháng thì họ không mong muốn. Hàng triệu hộ tồn tại và phát triển thế nào thì phải đánh giá tác động kỹ lưỡng. Theo tôi không vội. " – ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, quản lý hộ kinh doanh có nhiều cách chứ không phải đưa vào luật này để quản lý thuế chặt chẽ hơn. Quan trọng là khoán thuế có sát hay không, bởi có khi một người bán phở có doanh thu hơn một doanh nghiệp khởi nghiệp. Do đó, ông đề nghị có cách quản lý "mềm" hơn để khuyến kích sản xuất kinh doanh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đặt câu hỏi, "liệu đưa hộ kinh doanh vào luật này có giải quyết được mong muốn tạo điều kiện cho hộ kinh doanh hay lại sẽ gây khó khăn, cản trở?", và ủng hộ hướng sửa Nghị định của Chính phủ, bổ sung các quy định khuyến khích, ưu đãi phù hợp với quy định của pháp luật để hộ kinh doanh phát triển.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý đây là vấn đề lớn vì liên quan đến hàng triệu hộ kinh doanh nhưng chưa có đánh giá tác động đầy đủ. Quan điểm là cái nào rõ, chín, đánh giá tác động được thì bổ sung, nếu không thì chỉ sửa những bất cập để tạo điều kiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển doanh nghiệp.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh