Thủ tướng:
Cần nghiên cứu, xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ trên mọi lĩnh vực
- Dược liệu
- 16:29 - 15/10/2022
Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã giải đáp các đề xuất, kiến nghị của các đại biểu về 3 nhóm chủ đề: (1) Phụ nữ với phát triển kinh tế; (2) Phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới; (3) Phụ nữ và thế hệ tương lai.
Phát biểu mở đầu đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất đến các mẹ Việt Nam anh hùng, các bà, các chị và tất cả phụ nữ Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh: Phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ luôn có vai trò đặc biệt và đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, tỏa sáng phẩm chất anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới công tác bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe hỗ trợ phụ nữ, tạo việc làm và khởi nghiệp, Việt Nam đang tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ khẳng định vị trí, đóng góp cho gia đình và xã hội.
"Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, công bằng và cởi mở, phụ nữ cả nước cần nói rõ tâm tư, vướng mắc về những vấn đề còn băn khoăn, trăn trở. Vấn đề ở thẩm quyền nào thì cố gắng xử lý, giải quyết chứ không phải nêu ra rồi để đó, đặc biệt là những tồn tại kéo dài thời gian qua, không để ai bị bỏ lại phía sau" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề xuất đưa ung thư vú, ung thư cổ tử cung vào danh mục Bảo hiểm Y tế
Tại cuộc đối thoại, chị Trần Thị Huyền Thương - Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên - đã đặt vấn đề, các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ có mối liên quan với chức năng sinh sản, duy trì nòi giống của người phụ nữ. Khả năng chi trả điều trị của các gia đình và phụ nữ mắc ung thư còn gặp rất nhiều khó khăn. Nếu được khám, tầm soát sớm, có thể sẽ giúp quá trình điều trị cũng như giảm thiểu các chi phí cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, các chi phí sàng lọc sớm một số bệnh ung thư liên quan đến phụ nữ (như ung thư vú, ung thư cổ tử cung...) hiện không thuộc phạm vi chi trả của BHYT.
Đề nghị Chính phủ đưa chi phí tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ vào danh mục chi trả của Bảo hiểm y tế, góp phần đảm bảo mục tiêu về công tác y tế dự phòng.
Về vấn đề này, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã rất quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe của nhân dân và có nhiều ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em gái. Nghị quyết 104/NQ-CP cũng đã bổ sung phạm chi bổ sung chương trình tiêm chủng mở rộng, thực hiện tiêm vaccine phòng ung thư cổ tử cung miễn phí cho chị em gái, thể hiện sự quan tâm lớn của chính phủ.
Hiện nay, với BHYT, phụ nữ được chi trả một số danh mục khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, thai sản và nuôi con. Cụ thể như: Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật, thủ thuật… trong điều trị ung thư. Luật BHYT sửa đổi cũng đang nghiên cứu, sửa đổi để mở rộng phạm vi, quyền lợi cho phụ nữ hơn nữa.
Liên quan đến việc vấn đề y tế dự phòng cho phụ nữ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về BHYT, thực hiện các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó, có mục tiêu tăng cường sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ như ung thư vú, ung thư tử cung.
Đưa ra giải pháp phù hợp khuyến khích lao động phi chính thức tham gia BHXH
Chị Vi Thị Hợi, Hội viên phụ nữ xã Tả Phời, tỉnh Lào Cai nêu vấn đề và đtự câu hỏi trực tuyến: "Ở Việt Nam, hiện có đến trên 60% lực lượng lao động trong độ tuổi vẫn chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, chủ yếu là nông dân và người lao động trong khu vực phi chính thức–những người có thu nhập thấp, đồng nghĩa với việc họ chưa được hưởng các chế độ thai sản của Nhà nước. Xin Thủ tướng cho biết, Chính phủ có giải pháp cụ thể nào để tăng số lượng người lao động được hưởng chế độ thai sản, trong đó có lao động nữ".
Trả lời câu hỏi này Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết số người tham gia BHXH hàng năm ngày càng tăng lên. Để mở rộng diện bao phủ BHXH Nghị quyết 28 của BCH TW Đảng đưa ra mục tiêu đến 2025 phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Đưa ra 3 giải pháp để tăng số lượng người lao động được hưởng chế độ thai sản, Thứ trưởng cho biết: Thứ nhất, rà soát, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc với các hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người điều hành các hợp tác xã và người lao động làm việc trong chế độ linh hoạt.
Thứ hai, phải mở rộng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, tạo điều kiện thuận lợi chuyển đổi từ bảo hiểm xã hội tự nguyện sang bắt buộc hướng tới chính sách phủ bảo hiểm xã hội cho toàn thể người lao động có việc làm, có tiền lương.
Thứ ba, cần nghiên cứu thiết kế các gói bảo hiểm ngắn hạn, linh hoạt với các mức đóng, phương thức giao dịch phù hợp cho nhóm lao động phi chính thức. Đồng thời, tăng cường liên kết hỗ trợ chính sách bảo hiểm xã hội với các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện, trên cơ sở có nhiều đối tượng tham gia lựa chọn và thụ hưởng.
Hiện nay, Bộ LĐTB&XH đã nghiên cứu và đề xuất giải pháp bổ sung chế độ bảo hiểm trợ cấp thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Điều này được thể hiện trong Dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Bộ LĐTB&XH đang tích cực làm việc với các bộ, ngành để xây dựng dự thảo luật sửa đổi này.
Về vấn đề này Thủ tướng nhấn mạnh, BHXH là một trong các trụ cột rất quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, Về vấn đề BHXH với lao động phi chính thức, Thủ tướng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu đưa ra các giải pháp phù hợp để khuyến khích người lao động phi chính thức tham gia BHXH, bao phủ được mọi đối tượng người lao động.
Tại đầu cầu tỉnh Hậu Giang, chị Trần Thị Tuyết Thương đặt câu hỏi về việc giải quyết các vấn đề của phụ nữ di cư trở về địa phương, nhất là các vấn đề liên quan đến pháp lý của phụ nữ, trẻ em theo mẹ di cư trở về từ nước ngoài; tạo điều kiện để họ tiếp cận đầy đủ, dễ dàng chính sách hỗ trợ và tái hòa nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, việc phụ nữ di cư trở về Việt Nam và trẻ em theo mẹ di cư trở về từ nước ngoài phát sinh rất nhiều trong thời gian qua. Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo với các địa phương rà soát và đánh giá các vấn đề liên quan đến hộ tịch, quốc tịch của trẻ em theo mẹ di cư trở về từ nước ngoài.
Qua khảo sát của các bộ, ngành, địa phương, đa phần trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam đều đã được khai sinh, xác định quốc tịch. Còn một nhóm nhỏ là con của công dân Việt Nam lấy chồng nước ngoài trở về nước, hiện giờ vẫn chưa xác định được quốc tịch và chưa đăng ký khai sinh vì cả mẹ và con đều không có giấy tờ tuỳ thân.
Nghiên cứu, xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ
Phát biểu kết luận, Thủ tướng cho biết qua cuộc đối thoại, bản thân ông học hỏi được nhiều điều từ phát biểu của các đại biểu; có thêm nhiều thông tin cho quá trình chỉ đạo, điều hành; đồng thời có cơ hội để chia sẻ một số nội dung.
Cơ bản thống nhất với các ý kiến phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung, trước hết là về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế. "Khi nói đến phụ nữ người ta hay gọi là "phái yếu" bởi sự tinh tế, dịu dàng, nhẹ nhàng và hiền hậu… Nhưng ẩn sâu trong sự yếu đuối đó, tôi muốn nhấn mạnh "sức mạnh mềm, sức mạnh của sự kiên cường, bền bỉ, dẻo dai, khả năng chống chịu và vượt qua khó khăn của phụ nữ", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, an sinh xã hội và bình đẳng giới là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt là bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đã ban hành nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ.
Các chính sách về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ thời gian qua góp phần tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ; tạo môi trường để phụ nữ khẳng định mình; công tác phụ nữ và bình đẳng giới có chuyển biến tích cực; phụ nữ ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, chúng ta cũng còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Định kiến giới và những rào cản về văn hóa, chính sách vẫn đang ảnh hưởng đến sự phát triển của phụ nữ. Nhận thức và thực hiện về bình đẳng giới ở một số nơi còn hạn chế. Cơ chế phối hợp giữa tổ chức Hội và chính quyền địa phương có lúc, có nơi còn chưa phát huy hiệu quả, nguồn lực thực hiện các chương trình để phát triển phụ nữ còn bất cập…
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cần tiếp tục nhận thức đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới; tiếp tục quán triệt một số quan điểm về công tác phụ nữ theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo đó, phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Xác định công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình; của bản thân chị em phụ nữ.
Cần chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người vợ, người bà, người thầy đầu tiên của con người. Đồng thời, xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ.
Với các nội dung đối thoại, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến, rà soát lại toàn bộ chính sách về bình đẳng giới, chính sách đối với phụ nữ để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Phạm vi chính sách nào thuộc thẩm quyền, Chính phủ sẽ giải quyết; nếu vượt thẩm quyền, Chính phủ sẽ đề xuất với các cơ quan chức năng liên quan.
Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó, có chính sách về lao động, đào tạo, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ, trường học…
Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tăng cường các giải pháp để đảm bảo các chỉ tiêu, mục tiêu về công tác cán bộ nữ; cơ chế đặc thù cho cán bộ ở các thành phố lớn, nhất là những nơi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; xây dựng chính sách mở rộng kết nối giữa hệ thống các doanh nghiệp dẫn đầu với các doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về bảo hiểm y tế, thực hiện các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó, có mục tiêu tăng cường sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu OCOP Việt Nam; phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ các thủ tục để công nhận và ghi danh áo dài Việt Nam vào danh mục văn hoá phi vật thể quốc gia.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố nghiên cứu, báo cáo chủ trương về máy tính cho cán bộ Hội cấp cơ sở, đảm bảo phương tiện, điều kiện làm việc trong bối cảnh thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc này cần triển khai phù hợp điều kiện, hoàn cảnh đất nước và từng nơi nhưng có ưu tiên cho phụ nữ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình giáo dục làm cha mẹ; rà soát, đảm bảo đủ chỗ học an toàn cho trẻ mầm non; chú trọng đưa vào chương trình dạy các kỹ năng sinh tồn và tạo môi trường an toàn cho trẻ em.
Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm tăng cơ hội tiếp cận khoa học, ứng dụng công nghệ và kỹ năng số, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số.
Các bộ, ngành, địa phương quan tâm, đảm bảo cho các cấp Hội phụ nữ tham gia quản lý Nhà nước; tạo điều kiện để Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển vững mạnh, toàn diện, hướng về cơ sở; có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội trong triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.
Thủ tướng đề nghị Hội tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có các Chỉ thị số: 05, 06, 21 của Ban Bí thư về công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, công tác giảm nghèo bền vững, công tác phụ nữ trong tình hình mới. Vận động phụ nữ tham gia tích cực, thành công phong trào thi đua "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" và các phong trào, chương trình liên quan.
Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với phụ nữ, đồng thời, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đối thoại với phụ nữ để giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề theo tinh thần phân cấp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách, tình thế, vừa giải quyết các vấn đề chiến lược, lâu dài.