Cần nâng cao hiệu quả mỹ thuật sân khấu
- Văn hóa - Giải trí
- 18:49 - 07/05/2015
Trước hết, có thể nhìn vào nghệ thuật xiếc- một trong những loại hình mũi nhọn được đông đảo khán giả- đặc biệt là lớp trẻ và khán giả nhí ưa thích.
Nằm trong ngôi nhà chung của các loại hình nghệ thuật đương đại Việt Nam, thời gian qua, nghệ thuật xiếc đã tạo nên không ít thành quả to lớn, được khán giả yêu mến, với nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế; ngày càng khẳng định giá trị cũng như đã tạo nên một phong cách xiếc Việt Nam khá độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, cố gắng bắt kịp tính hiện đại của các phong cách xiếc khác nhau trên thế giới.
Song, dư luận cho rằng - xiếc Việt Nam đã bắt đầu chững lại về chất lượng nghệ thuật, về các kỹ năng, kỹ xảo biểu diễn; đặc biệt là thiếu sự đầu tư cho bộ môn xiếc thú lớn. Sân khấu xiếc của ta nhiều năm qua (nhất là một vài gánh xiếc tư nhân, đoàn xiếc của địa phương), do hoàn cảnh thiếu thốn hoặc quan niệm đơn giản, nên xem xiếc, khán giả chỉ được nhìn ngắm mãi một tấm thảm nhàm chán và đơn điệu…
Một đoạn trong vở kịch "Nhà có ba chị em gái".
Đã đành, khác với tính chất phục trang nhân vật của các loại hình sân khấu, phục trang nghệ thuật xiếc có đặc điểm khác biệt là nó liên quan đến tiết mục và kỹ thuật biểu diễn. Chẳng lẽ biểu diễn trên dây dọc và đu bay lại mặc áo váy tứ thân dân tộc? Chẳng lẽ tiết mục hài hước về cuộc sống ngày hôm nay, lại khăn đóng áo the cho ra dáng Việt Nam?
Tất cả những suy nghĩ ấy, đã gợi mở cho mỗi hoạ sĩ một ý tưởng kiếm tìm cho mình một phong cách phục trang thật Việt Nam, nhưng lại mang đậm đà ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc đương đại.
Tuy nhiên, với một rạp xiếc hiện đại cỡ quốc tế ở Hà Nội hiện nay, dù Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có nhiều cố gắng đáng kể về mặt nghệ thuật, trong cả hình thức, mỹ thuật, cũng như nội dung các tiết mục, nhưng quả thật, nghệ thuật xiếc Việt Nam đang có rất nhiều công việc phải làm !
Những năm gần đây, nghệ thuật múa cũng bắt đầu thiếu lửa- đó chính là ngọn lửa cháy mãi trong trái tim và tâm hồn người nghệ sĩ- mà thiếu nó, thì mọi kỹ thuật chỉ còn là một thứ máy móc, xơ cứng và khô lạnh.
Chính từ một hiện thực hiển nhiên và có vẻ đáng buồn đó, tất cả những người quan tâm đến nghệ thuật múa đang trăn trở, với những suy nghĩ tâm huyết, để cố gắng cùng nhau tìm ra những hướng đi mới, phù hợp với cuộc sống, tâm hồn người Việt Nam.
Với tư cách là một người làm sân khấu- từ trong “bếp núc” của múa- chúng tôi không khỏi băn khoăn trước những thành công hay thất bại của mỹ thuật múa trong những năm qua- bởi nghệ thuật tạo hình ( bằng đường nét, hình khối, màu sắc, ánh sáng…) và nghệ thuật múa (tạo hình bằng chính cơ thể người nghệ sĩ và màu sắc trang phục)- đã luôn gắn bó máu thịt với nhau, trong mối tương quan cùng tồn tại và phát triển.
Thời gian qua, nhìn lại tổng thể về thiết kế phục trang cho múa ( nhất là các tiết mục múa minh họa), không ít ý kiến cho rằng- khuynh hướng lai căng, phi dân tộc trong kiểu dáng, màu sắc đã xuất hiện một cách khá ồ ạt.
Có người băn khoăn “ thời hoàng kim của múa” đã qua ? Nói đúng hơn - tất cả có vẻ như còn đó - nhưng “nàng tiên múa” đã không còn trẻ trung, cuốn hút, mê say, hấp dẫn nữa. “Nàng tiên múa” đã già cỗi với tất cả sự đơn điệu, nhàm chán và tẻ nhạt.
Cũng có ý kiến cho rằng nghệ thuật múa đang “ hồi xuân”, đang phô diễn tất cả những vẻ đẹp vốn có của nó. Với loại ý kiến này, có người tặc lưỡi- đấy không phải múa, mà là nhảy. Nhảy minh họa cho nhạc nhẹ, cho thể dục nhịp điệu, thời trang và cho cả các cuộc thi hoa hậu, áo tắm nữa... Loại trừ mọi ý kiến cực đoan, chúng ta hãy bình tâm để nhìn lại mình.
Bình tâm để tiếp thu một cách chọn lọc hơn những gì là tinh hoa của dân tộc và nhân loại. Và bình tâm, chính là phải tự nâng mình hơn lên về chất lượng nghệ thuật, trong những tình thế cạnh tranh mới của cơ chế thị trường; để cố gắng cùng nhau tìm ra những hướng đi mới, phù hợp với cuộc sống, tâm hồn người Việt Nam...
Với thiết kế mỹ thuật – một bộ phận không thể tách rời của nghệ thuật sân khấu, trong mối quan hệ tổng hòa đó, chức năng của người họa sĩ là đưa ngôn ngữ trang trí đến với người xem, tạo điều kiện cho người nghệ sĩ biểu diễn, sáng tạo những vai diễn bất tử của mình.
Kể từ ngày thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957) đến nay, đã hình thành một đội ngũ các họa sĩ sân khấu có nghề nghiệp, có bản lĩnh và tài năng, vượt qua không ít khó khăn, thiếu thốn, lạc hậu của sân khấu, bằng các thủ pháp tả thực, ước lệ, cách điệu, tượng trưng, kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và sân khấu hiện đại, đã thiết kế hàng nghìn vở diễn từ tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, múa rối, kịch dân ca, ca múa nhạc, xiếc...
Nhưng rừ ràng, vài ba năm trở lại đây- cũng như các khâu kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, diễn xuất của diễn viên- trang trí sân khấu cũng có vẻ chững lại với sự đơn điệu và lặp lại chính mình. Một đội ngũ quá mỏng (vài ba chục anh em họa sĩ sân khấu trong cả nước ), với điều kiện sân khấu qúa ít ỏi của các nhà hát đã không thể phát huy hết sức sáng tạo của người họa sĩ.
Chúng ta phải chấp nhận một thực tế là, sân khấu của các rạp hát Việt Nam hôm nay quả là cũ kỹ, nghèo nàn, đơn điệu và lạc hậu về mọi phương diện kỹ thuật, từ ánh sáng, âm thanh đến công tác hậu đài, chuyển cảnh, các yêu cầu tối thiểu về thao tác, phối hợp trên sân khấu.
Vì thế, không ít ư kiến trong giới sân khấu, cũng như dư luận xă hội cho rằng- nếu đất nước Việt Nam ta, không được công nghiệp hóa và hiện đại hóa- thì sân khấu nói chung, trong đó có mỹ thuật sân khấu- sẽ ngày càng tụt hậu, khó có thể hòa nhập và bắt kịp những nền sân khấu tiên tiến, hiện đại trên thế giới!