Cần khởi tố vụ án hình sự vụ tai nạn lao động khiến 6 người thương vong tại Hoàng Mai
- Tây Y
- 01:57 - 14/10/2016
Hiện trường vụ tai nạn
Vụ tai nạn xảy ra khoảng 5h sáng nay (13/10), tại công trình xây dựng trên phố Giáp Nhị (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) làm 2 người chết, 4 người bị thương. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, UBND phường ban hành quyết định đình chỉ thi công, chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Được biết, tai nạn xảy ra khi đơn vị thi công vừa hoàn thiện việc đổ bê tông trên tầng 6, một số công nhân đã rời khỏi công trình. Ngoài 6 người thương vong, các công nhân còn lại đều an toàn.
Thông tin ban đầu, 2 nạn nhân tử vong gồm có có một người đàn ông tên Lê Văn Quý (54 tuổi, quê tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội), một người phụ nữ sinh năm 1992, quê ở Hà Nam. Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, công an quận Hoàng Mai đã có mặt tại hiện trường để điều tra nguyên nhân vụ việc.
Việc đổ bê tông tiến hành ban đêm đến gần sáng vì theo quy định, để đảm bảo cho các phương tiện lưu thông qua khu vực công trình và hạn chế ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh, đơn vị thi công thực hiện việc đổ bê tông trong khoảng thời gian từ 22h đến 5h.
Vụ tại nạn khiến 2 người chết 4 người bị thương
Đây là Công trình thuộc dự án Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng Eco Green-Tower. Chủ đầu tư là Liên danh Cty CP Hóa chất và Cty CP Sông Đà 1.01. Nhà thầu thi công xây dựng là Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - Cty TNHH MTV (UDIC). Tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát là Cty CP Đầu tư và Xây dựng Tân Việt.
Theo báo cáo của Liên danh chủ đầu tư ngày 5/10/2016, chủ đầu tư và các bên tham gia thi công xây dựng công trình tuân thủ đầy đủ các quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình. Nhà thầu quản lý dự án, giám sát thi công xây dựng có đủ điều kiện năng lực hành nghề theo quy định. Công tác an toàn lao động, phòng chống cháy nổ luôn được đảm bảo, không để xảy ra mất an toàn trên công trình. Vệ sinh môi trường và an ninh trật tự tại công trình được đảm bảo.
Tuy nhiên, theo một số người dân, việc thi công dự án này gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân vì tiếng ồn, sự rung lắc do xe chở vật liệu đi lại và bụi làm mất vệ sinh môi trường.
Thi công công trình và để xảy ra tai nạn lao động là điều đáng tiếc. Dù rằng trước đó, Luật Vệ sinh, an toàn lao động 2015 đã quy định rất rõ là phải “bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động. Tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động; ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong quá trình lao động,..”.
Đồng thời, Luật Vệ sinh, an toàn lao động 2015 cũng đã quy định quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động. Trong đó, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc; Được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
Cơ quan chức năng đang vào cuộc làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn
Cũng theo đó, người sử dụng lao động có nghĩa vụ xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; Không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động; Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật;….
Và nghiêm cấm gian lận trong các hoạt động kiểm định, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động, giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động, người sử dụng lao động.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý sự cố vụ tai nạn lao động ở phố Giáp Nhị (quận Hoàng Mai) Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh, (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, trước hết phải xác định đây là vụ tai nạn nghiêm trọng trong lĩnh vực an toàn lao động do không thực hiện đầy đủ hoặc thực hiện sai các quy định về an toàn lao động trong xây dựng dẫn tới 2 người chết, 4 người bị thương .
Về trách nhiệm của chủ đầu tư khi để xảy ra tai nạn nghiêm trọng nói trên, Luật sư Thơm cho rằng khó có căn cứ để xác định trách nhiệm chủ đầu tư. Bởi lẽ “Việc đảm bảo an toàn lao động đã được chủ đầu tư thuê đơn vị giám sát phải chịu trách nhiệm giám sát về các biện pháp đảm bảo an toàn khi trong thi công. Do vậy, nếu hậu quả xảy ra thì bên giám sát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả thiệt hại do không làm đúng trách nhiệm của mình”.
Luật sư Thơm cũng chia sẻ thẳng thắn cần khởi tố vụ án hình sự để làm căn cứ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền trong việc đảm bảo an toàn lao động trong thi công các công trình xây dựng. Yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị giám sát,.. phải đảm bảo tuyệt đối theo đúng các qui chuẩn về an toàn lao động trong thi công thì công trình mới được xây dựng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư và đơn vị giám sát thi công cần thiết phải hỗ trợ cho các nạn nhân trong vụ tai nạn lao động.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
2 tháng trước
Tin nên đọc