Cần khoảng 7,5 tỷ để khắc phục các cầu dân sinh bị hư hỏng do thiên tai
- Y học 360
- 22:57 - 05/03/2021
Liên quan đến việc một số cây cầu thuộc dự án LRAMP tại khu vực miền Trung bị hư hại do đợt mưa lũ nghiêm trọng bất thường xảy ra trong những tháng cuối năm 2020, đến nay chưa được khắc phục, sửa chữa, vừa qua, đơn vị chủ đầu tư đã có báo cáo và đề xuất khắc phục lên Bộ GTVT.
Cụ thể, theo báo cáo ngày 1/2/2021 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (chủ đầu tư) gửi Bộ GTVT, trong đợt mưa lũ nghiêm trọng và bất thường xảy ra vào những tháng cuối năm 2020 đã làm hư hỏng một số cầu, cống thuộc dự án LRAMP ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Các công trình này đã bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác sử dụng và vẫn đang trong thời gian bảo hành theo quy định.
Tổng số cầu bị hư hại do thiên tai theo kiểm tra, đánh giá của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan là 24 cầu, tại các tỉnh gồm: Quảng Trị (14 cầu), Thừa Thiên Huế (3 cầu), Quảng Nam (3 cầu) và Kon Tum (4 cầu).
Theo đánh giá sơ bộ, các cầu cống bị hư hỏng chủ yếu là sạt lở chân khay, tứ nón đường đầu cầu, không ảnh hưởng tới kết cấu chính. Một số dòng sông, suối thay đổi hình thái dòng chảy làm ảnh hưởng tới sự an toàn, bền vững công trình, cần thiết phải có phương án kiên cố hoá.
Cũng theo TCĐB Việt Nam, hiện nay, một số ít cầu, cống đã được địa phương bố trí nguồn kinh phí sửa chữa, khắc phục; một số hư hỏng do nhà thầu thi công tự khắc phục. Số cầu, cống còn lại bị hư hại lớn chưa được sửa chữa, khắc phục là 20 cái, với nguồn kinh phí dự trù khoảng 7,50 tỷ đồng. Số tiền này không thuộc trách nhiệm của bảo hiểm công trình.
Cụ thể: Quảng Trị có 13 cầu và cần khoảng 2,3 tỷ đồng để khắc phục; Thừa Thiên Huế có 3 cầu, cần khoảng 1,8 tỷ đồng; Quảng Nam cần 2,5 tỷ đồng để khắc phục 1 cây cầu bị hỏng; Kon Tum còn 3 cầu và cần khoảng 0,9 tỷ đồng. Do điều kiện ngân sách của các địa phương còn hạn chế, nên các tỉnh này đã có văn bản đề nghị hỗ trợ công tác khắc phụ bằng nguồn kinh phí của Dự án.
Trong các tỉnh bị thiệt hại, có tỉnh Quảng Nam và Kon Tum còn dư vốn ODA để thực hiện khắc phục. Riêng Thừa Thiên Huế và Quảng Trị không còn đủ kinh phí để khắc phục, sửa chữa.
Do đó, TCĐB Việt Nam đề nghị Bộ GTVT cho tỉnh Quảng Nam và Kon Tum được phép sử dụng vốn ODA còn dư để thực hiện công tác khắc phục; cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị được sử dụng vốn ODA còn lại để ưu tiên sửa chữa các cầu bị hư hỏng có nguy cơ ảnh hưởng đến kết cấu chính công trình. Đồng thời, điều chuyển vốn dư của một số tỉnh không còn nhu cầu để sửa chữa, khắc phục các cầu bị hư hỏng tại Thừa Thiên Huế và Quảng Trị khi được Bô GTVT chấp thuận điều chỉnh dự án LRAMP.
Song song với đó, TCĐB Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Giám đốc Dự án LRAMP (Ngân hàng thế giới - WB) để xin ý kiến sửa chữa, khắc phục các cầu dân sinh bị thiệt hại do thiên tai. Theo đó, TCĐB Việt Nam kiến nghị WB đồng ý việc sử dụng nguồn vốn của dự án LRAMP cho công tác sửa chữa, khắc phục.
Trước đó, như báo Dân Sinh đã phản ánh tình trạng hư hỏng, sụt lún 2 bên đầu cầu Khe Chai (xã Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) do ảnh hưởng của đợt mưa lũ tháng 9, 10/2020, đến nay chưa được khắc phục. Tình trạng này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại an toàn của người dân địa phương, đồng thời có nguy cơ ảnh hưởng đến kết cấu chính công trình. Đây là một trong 3 cây cầu thuộc dự án LRAMP trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do thiên tai như đã nêu trên. Theo đại diện chủ đầu tư và nhà thầu thi công, để khắc phục triệt để hư hỏng tại cầu Khe Chai, bảo đảm tính lâu dài, phải cần nguồn kinh phí lên đến khoảng 1,2 tỷ đồng (vốn đầu tư xây cầu chỉ 2,3 tỷ đồng).
Cầu RLây thời điểm bị lũ cuốn mất đường dẫn và sau khi được khắc phục
Trước đó nữa, cũng do ảnh hưởng của mưa lũ, ngày 3/9/2019, một bên đầu cầu dân sinh RLây tại thôn A La (xã Pa Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cũng bị nước lũ làm xói lở, cuốn trôi, để lộ phần mặt đường bê tông mỏng như bánh đa. Đây cũng là một cây cầu thuộc dự án LRAMP với số vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Cầu được khởi công xây dựng tháng 10/2017, đến tháng 9/2018 thì được bàn giao, đưa vào sử dụng, với 3 nhịp cầu đơn, mỗi nhịp dài 16m.
Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 4, đại diện chủ đầu tư cho biết, sau khi xảy ra sự cố tại cầu RLây, các đơn vị liên quan đã khảo sát, lên phương án sửa chữa, khắc phục nhằm bảo đảm tỉnh an toàn lâu dài cho công trình. Cụ thể, tại phía đầu cầu bị sụt lún, hư hỏng, công trình đã được bổ sung thêm một phần ba nhịp cầu (dài 8m) để nối sâu vào phần nền đất cứng. Tổng kinh phí khắc phục là hơn 600 triệu đồng và việc sửa chữa, bổ sung đã hoàn thành vào ngày 15/1/2021 vừa qua.