CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:07

Căn cứ xếp lương khi trúng tuyển công chức

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Cường hỏi như sau:

Thời điểm ông Nguyễn Quốc Cường được tuyển dụng vào công chức (tháng 9/2009), việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước thực hiện theo quy định tại Nghị định số 117/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ và Nghị định số 09/2007/NĐ-CP ngày 15/1/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2003/NĐ-CP.

Khoản 1, Điều 18 Nghị định số 117/2003/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 6, Điều 1 Nghị định số 09/2007/NĐ-CP) quy định, trong thời gian tập sự, người tập sự  ở các ngạch công chức loại C được hưởng  85% bậc lương khởi điểm (bậc 1) của ngạch tuyển dụng. Các trường hợp còn lại khi được tuyển dụng vào công chức thì không phải tập sự và cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức căn cứ vào diễn biến tiền lương và mức lương đang hưởng ở cơ quan cũ để xếp lương theo quy định và hướng dẫn của Nhà nước.

Theo đó, cơ quan quản lý công chức thực hiện xếp ngạch, bậc lương cho người được tuyển dụng vào công chức theo hướng dẫn tại Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 của Bộ Nội vụ về việc chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp được chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và công ty Nhà nước vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

Vận dụng hướng dẫn tại Điểm a, Khoản 9, Mục III Thông tư nêu trên, căn cứ vào hệ số lương ngạch viên chức đang hưởng tại thời điểm chuyển công tác (gọi tắt là hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ) để chuyển xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch công chức được bổ nhiệm.

Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch công chức mới được bổ nhiệm được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch công chức mới được bổ nhiệm so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch công chức; nếu nhỏ hơn chênh lệch giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Quốc Cường khi được tuyển dụng vào công chức ông đang là viên chức kế toán tại một đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện, hưởng bậc lương bậc 5/12, hệ số 2,66; viên chức loại B, ngạch trung cấp và tham gia đóng BHXH từ năm 2000.

Tháng 9/2009, ông Cường thi tuyển và trúng tuyển công chức Văn phòng HĐND và UBND huyện, ngạch chuyên viên tổng hợp, trình độ đại học; được xếp lương bậc 1/9, ngạch chuyên viên, hệ số 2,34.

Nếu sự việc đúng như ông Cường trình bày, đối chiếu quy định của pháp luật thời điểm ông Cường được tuyển dụng vào công chức (tháng 9/2009) nêu tại Khoản 1, Điều 18 Nghị định 117/2003/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 09/2007/NĐ-CP) và vận dụng cách chuyển xếp lương tại Điểm a, Khoản 9, Mục III Thông tư số 79/2005/TT-BNV thì trường hợp của ông Cường  được chuyển xếp vào hệ số lương cao hơn gần nhất ở ngạch công chức được bổ nhiệm là hệ số 2,67 (bậc 2/9) ngạch chuyên viên; thời gian xét nâng bậc lương lần sau tính từ ngày xếp hệ số lương 2,66 ở ngạch viên chức cũ mới đúng.   

Theo luật sư, việc xếp lương đối với ông Cường khi được tuyển dụng vào công chức chưa phù hợp quy định. Tuy nhiên, vào thời điểm được xếp lương ông Cường không có ý kiến gì, đến nay sự việc đã hơn 7 năm, thời hiệu khiếu nại đã hết.

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh