THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:42

Cần có cơ chế đặc thù để TP.HCM phát triển

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi lãnh đạo sở ngành TP.HCM tại buổi làm việc. ẢNH: ĐỘC LẬP

Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,24 tỉ USD, tăng gấp 2 lần so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách ước đạt 173.000 tỉ đồng, đạt xấp xỉ 50% dự toán.

Tuy nhiên, theo ông Liêm, TP đứng trước hàng loạt khó khăn, thách thức trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế do thiếu hụt vốn đầu tư. Đáng lo nhất là thiếu hụt nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách T.Ư cho các dự án (DA) hạ tầng.
Ông Liêm cho biết chỉ riêng nhu cầu vốn giai đoạn 2016 - 2020 của 2 DA trọng điểm của TP: Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên); Cải thiện môi trường nước TP, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 đã lên đến 29.512 tỉ đồng. Tuy đã nhiều lần kiến nghị nhưng mới đây T.Ư bố trí 11.517 tỉ đồng. Cũng theo ông Liêm, hàng chục DA cấp bách chống ngập, giải quyết ùn tắc giao thông... với tổng mức đầu tư gần 50.000 tỉ đồng cũng chưa có nguồn vốn đầy đủ để đầu tư nên áp lực ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường ngày càng căng thẳng.
Giao thông sân bay Tân Sơn Nhất là vấn đề rất lớn
Tham gia buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng mặc dù là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng hạ tầng giao thông TP.HCM chưa tốt, kém xa Hà Nội. TP.HCM chưa có đường vành đai nào được khép kín, chưa kể giao thông cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất đang là vấn đề rất lớn, bởi bị “tắc” từ trên bầu trời đến nhà ga và đường giao thông ra vào sân bay.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP sẽ phối hợp Bộ GTVT rà soát lại quy hoạch giao thông của TP, đặc biệt là các cửa ngõ và tập trung nguồn vốn, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. Theo ông Nhân, TP cần cơ chế đặc thù về tài chính, đầu tư, tổ chức bộ máy... để phát triển và vấn đề này TP đang xây dựng, sẽ trình T.Ư vào tháng 8/2017.
Tại buổi làm việc, thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định thực hiện ý kiến của Thủ tướng, Bộ Quốc phòng ra lệnh dừng tất cả công trình ở sân golf Tân Sơn Nhất để kiểm tra với tinh thần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng. “Dự án này từ năm 2007 đã được 8 bộ và Thủ tướng phê duyệt, cái này (dự án sân golf - PV) là do lịch sử để lại và cần được giải quyết nhưng giải quyết như thế nào cho hợp lý. Quan điểm của Bộ Quốc phòng ưu tiên cho quy hoạch phát triển hàng không dân dụng”, ông Chiêm nói.
Rà soát tổng thể quy hoạch
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương những thành tựu TP.HCM đạt được thời gian qua, chia sẻ những khó khăn, thách thức TP đối mặt. Theo Thủ tướng, TP.HCM đóng góp khoảng 30% tổng ngân sách quốc gia. Sự trở ngại trong việc phát triển của TP.HCM cũng ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng chung của cả nước, vì cứ 1% tăng trưởng của cả nước thì TP.HCM chiếm 0,21%. Do đó, tinh thần chung là cả nước vì sự phát triển của TP.HCM. Cơ bản nhất trí với những đề xuất, kiến nghị của TP.HCM, Thủ tướng yêu cầu TP cần tiếp tục tập trung tạo môi trường đầu tư tốt, chính sách tốt để thu hút giới đầu tư, người tài tham gia xây dựng, phát triển TP; giải quyết có hiệu quả tình trạng khiếu kiện đông người, đảm bảo an toàn PCCC, phòng chống tội phạm; đi tiên phong trong vấn đề khởi nghiệp... Để giải quyết khó khăn về nguồn của TP, Thủ tướng đồng ý cho TP cân đối nguồn thu khoảng 67.000 tỉ đồng từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp từ năm 2017 trở đi vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của TP giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện các DA quan trọng, cấp bách.
Về tầm nhìn, định hướng phát triển TP.HCM, Thủ tướng yêu cầu TP rà soát lại tổng thể quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để báo cáo Chính phủ có những điều chỉnh phù hợp. Về những bất cập trong xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP, Thủ tướng khẳng định chúng ta tôn trọng nhà đầu tư với những giấy phép đầu tư đã cấp trước đây, tạo điều kiện cho nhà đầu tư hoạt động theo đúng quy định, nhưng trong thời gian tới không được tiếp tục mở rộng diện tích chôn lấp, mà phải xử lý bằng những công nghệ hiện đại hơn theo hướng tái chế rác thải.
Liên quan đến dự án sân golf trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và việc mở rộng sân bay này, Thủ tướng khẳng định dù sân bay Long Thành có làm, thì sân bay Tân Sơn Nhất vẫn tồn tại để phục vụ sự phát triển của TP.HCM vì nhu cầu đi lại rất lớn.

 

Chủ trương quân đội không làm kinh tế
Tại buổi làm việc, thượng tướng Lê Chiêm cho biết quỹ đất quốc phòng ở TP.HCM hiện rất lớn, do lịch sử để lại và còn rất nhiều vấn đề liên quan. Hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Quốc phòng đang tổ chức thanh tra toàn bộ đất quốc phòng ở TP.HCM. Chỗ nào cần sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng, chỗ nào không cần sử dụng và theo yêu cầu của TP.HCM sẽ sẵn sàng bàn giao lại để phát triển kinh tế.
“Đây là quan điểm của Thường vụ, Quân ủy T.Ư. Hiện nay Bộ Quốc phòng có chủ trương là quân đội không làm kinh tế nữa mà tập trung cho xây dựng quân đội vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để bảo vệ đất nước, nhân dân. Tất cả các doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thoái vốn. Cái nào của quốc phòng chỉ để phục vụ cho mục đích quốc phòng chứ không có lăn tăn gì hết. Quân đội sẽ không làm kinh tế vì như thế sẽ không thể hiện sức mạnh quân đội”, ông Chiêm khẳng định.

 

Sân golf Tân Sơn Nhất sử dụng đất dự phòng của quốc phòng
Ngày 23.6, thiếu tướng Lâm Quang Đại, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân tiếp xúc cử tri Q.Bình Tân (TP.HCM). Trước bức xúc của cử tri liên quan đến sân golf ở sân bay Tân Sơn Nhất, ông Đại cho biết việc xây dựng sân golf trong sân bay xuất phát từ kinh nghiệm một số nước trong việc tận dụng đất quốc phòng chưa sử dụng ngay. Nghĩa là đất dự phòng của quốc phòng có thể xây sân golf nhưng khi có yêu cầu phục vụ quốc phòng sẽ giải tỏa ngay.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh