Cần có chính sách phù hợp, cơ chế quản lý trong dài hạn vấn đề lương hưu cho người cao tuổi
- Bài thuốc hay
- 22:38 - 12/12/2016
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan phát biểu tạ hội thảo
Trong Phiên khai mạc diễn ra sáng 12/12, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan; Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; Giám đốc ILO tại Việt Nam Chang-Hee Lee đồng chủ trì.
Theo dự báo trong 10 năm tới, trên toàn số giới, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ vượt quá 1 tỷ người. Đáng chú ý, già hóa dân số diễn ra rất nhanh ở ngay cả các quốc gia đang trong thời kỳ dân số vàng hoặc có mật độ dân số trẻ cao, bao gồm cả Việt Nam. Sự sụt giảm của tỷ lệ sinh, tỷ lệ chết và tuổi thọ ngày càng tăng đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự ước đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 18,3% dân số và đến năm 2050, khi tổng dân số là 110 triệu người, Việt Nam trở thành quốc gia “siêu già” với hơn 32 triệu người cao tuổi (31% tổng dân số), điều này đồng nghĩa với việc cứ ba nhân lực trong độ tuổi lao động sẽ có một người cao tuổi.
Trong khi đó, tỷ lệ người cao tuổi ở nhóm 60-69 tuổi đang tăng chậm; ngược lại, tỷ lệ người cao tuổi ở nhóm 70-79 tuổi và từ 80 trở lên có xu hướng tăng nhanh hơn. Do xu hướng già hóa dân số và một số thay đổi xã hội nên số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu ngày càng sụt giảm. Năm 1996, có 217 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu; con số này giảm xuống còn 34 người vào năm 2000, 19 người vào năm 2004, 14 người vào năm 2011 và đến năm 2012 chỉ còn 9,3 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, trên thực tế, hơn 1/3 số người cao tuổi vẫn đang phải làm việc, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức với thu nhập vừa thấp, vừa không ổn định. 90% người cao tuổi không có tiết kiệm cho tuổi già; độ bao phủ lương hưu, trợ cấp xã hội mới đạt 37,4%, tương đương với hơn 4,15 triệu người. Theo số liệu của Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, hiện còn khoảng 40% người cao tuổi chưa có thẻ BHYT, các chế độ đối với người cao tuổi từ 85 tuổi trở lên chưa được thực hiện đầy đủ.
Như vậy, với một hệ thống an sinh xã hội còn mỏng, diện bao phủ hẹp, việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi còn rất nhiều khó khăn, trong khi đó, chúng ta đang thiếu nguồn lực, kinh nghiệm, chiến lược. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần có những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống an sinh xã hội đảm bảo đời sống của người cao tuổi trong những năm tới. Theo TS. Bùi Sỹ Lợi: “Nếu không điều chỉnh chính sách, Việt Nam sẽ gặp những cú sốc lớn trong tương lai”.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, chúng ta cần nhanh chóng có chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cũng như cần đưa ra các cơ chế quản lý nhằm chủ động đối phó với những thách thức của hệ thống hưu trí trong dài hạn. Trong tình hình đó, Thứ trưởng đánh giá khóa tập huấn này là hoạt động rất tích cực và là cơ hội tốt để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia về lương hưu trong khu vực có thể được tiếp cận với phương pháp mới trong việc xây dựng, thực hiện, cải cách và quản lý thực sự có hiệu quả chương trình lương hưu, nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến an sinh xã hội và lương hưu, cụ thể Khuyến nghị số 202 của ILO về sàn an sinh xã hội, đồng thời giúp họ hiểu thêm về tác động kinh tế và tài chính của hệ thống lương hưu.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu đến việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để thích ứng với già hóa dân số, cũng như đảm bảo toàn dụng được năng lực, trình độ chuyên môn của lớp người đã bắt đầu bước sang tuổi 60 của nam và trên 55 đối với nữ. Việc tăng tuổi làm việc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Đáp ứng nguồn nhân lực xã hội đặt ra; kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn phải tạo cơ hội cho lớp trẻ có việc làm và cống hiến. Tuy nhiên, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu thì phải làm sao để đóng góp vào quỹ an sinh xã hội, quỹ BHXH vững vàng, ổn định. Tới đây, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ phải tính đến cả vấn đề giới giữa lao động nam và nữ, có tính chất ngành nghề./.