Cần có chế tài xử lý những doanh nghiệp cố tình mua công nghệ lạc hậu
- Tây Y
- 20:17 - 03/06/2017
Tại phiên thảo luận tại Hội trường, đa số ý kiến đánh giá dự án Luật đã được sửa đổi, chỉnh lý theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao công nghệ, cải thiện trình độ công nghệ quốc gia; ưu tiên, khuyến khích phát triển các công nghệ, tạo ra sản phẩm quốc gia, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, hạn chế công nghệ lạc hậu nhập khẩu vào Việt Nam gây ô nhiễm môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của Quốc gia.
Đại biểu Lê Quân (Hà Nội) nhận định cùng với Luật Khoa học công nghệ, dự án Luật Quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được Quốc hội cho ý kiến, dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) có ý nghĩa đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; tháo gỡ khó khăn cho việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường, các đơn vị nghiên cứu. So với các dự thảo trước, dự thảo lần này của Luật có sự chuyển biến tích cực, bổ sung nhiều nội dung, đặc biệt liên quan đến khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nước gắn với phát triển các tổ chức khoa học công nghệ, phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, với quan điểm nên đơn giản hóa các thủ tục để tránh lãng phí, tránh chi phí cho doanh nghiệp, đại biểu cho rằng, cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi)
Đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) đề nghị dự án Luật cần bổ sung quy định ưu tiên chuyển giao công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm bảo đảm Nhà nước có chính sách ưu tiên với các công nghệ sản xuất giống cây trồng chịu hạn, chịu mặn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban thường vụ QH nhận thấy hoạt động chuyển giao công nghệ là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó. Tuy nhiên, nhiều ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu; chúng ta vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2-3 thế hệ, ít đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật. Do đó, rất cần có các giải pháp thẩm định, kiểm soát luồng công nghệ nhập khẩu vào nước ta để ngăn chặn công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đồng thời không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và yêu cầu của cải cách hành chính.
Theo đó, đối với việc kiểm soát có hiệu quả công nghệ của các dự án đầu tư, luật quy định dự án đầu tư sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao và dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường có sử dụng công nghệ là những dự án phải thẩm định công nghệ hoặc có ý kiến về công nghệ.Ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về công nghệ là nội dung bắt buộc trong báo cáo thẩm định dự án đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư.
Đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) đề nghị dự án Luật cần bổ sung quy định ưu tiên chuyển giao công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu
Nhiều đại biểu đề xuất dự án Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn tiêu chí công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao, để có chính sách quản lý phù hợp làm cơ sở cho việc kiểm soát công nghệ được chuyển giao; tạo điều kiện cho công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ mới được chuyển giao vào Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) kiến nghị Ban soạn thảo cần cụ thể hóa khái niệm công nghệ lạc hậu trong dự án Luật.
Còn Đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) đề nghị, trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư nhất định phải thẩm định nhằm hạn chế chuyển giao công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ông Thông cho rằng, công nghệ cấm chuyển giao không cần thẩm định mà nên tập trung thẩm định các công nghệ bị hạn chế chuyển giao. Do đó Bộ KH-CN nên ban hành danh mục các nhóm công nghệ bị hạn chế để có thể dễ áp dụng và giám sát.
Theo đại biểu Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang), với mục tiêu ngăn chặn kịp thời công nghệ lạc hậu tràn về Việt Nam, dự án Luật quy định rõ về việc quy định cấm về chuyển giao công nghệ là cần thiết. Tuy nhiên, dự án Luật quy định chưa rõ, chưa nghiêm. "Cần có chế tài xử lý những doanh nghiệp cố tình mua những công nghệ đã lạc hậu; nâng cao trách nhiệm của cơ quan thẩm định công nghệ trước khi chuyển vào Việt Nam. Thực tế có những công nghệ được doanh nghiệp mua với giá rất rẻ nhưng trên hóa đơn, giá lại rất cao vừa để che mắt cơ quan quản lý, vừa trốn thuế" - đại biểu Châu Quỳnh Giao nói.