THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:14

Đại biểu Quốc hội đề nghị giám sát các dự án có nguy cơ thất thoát

 

Kiên quyết rút khỏi Chương trình xây dựng luật các dự án chưa bảo đảm chất lượng 

Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết nguyên tắc điều chỉnh Chương trình năm 2017 và lập Chương trình năm 2018 là ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án, dự thảo để triển khai thực hiện văn kiện Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của các Hội nghị Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm thực hiện Hiến pháp, các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. 
Từ năm 2018, tại mỗi kỳ họp Quốc hội, không phân công quá 3 dự án cho 1 cơ quan soạn thảo hoặc 1 cơ quan thẩm tra phụ trách. Đặc biêt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiên quyết rút khỏi Chương trình hoặc yêu cầu lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị đối với các dự án chưa bảo đảm chất lượng hoặc không gửi hồ sơ đúng hạn luật định. 

 Trên cơ sở đó, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 sau khi điều chỉnh là: Tại kỳ họp thứ 3, trình Quốc hội thông qua 13 luật, 3 nghị quyết; cho ý kiến về 5 dự án luật; tại kỳ họp thứ 4, trình Quốc hội thông qua 6 luật; cho ý kiến về 11 dự án luật. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 gồm 2 4 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội. 

 

Thảo luận tại tổ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018


Thảo luận tại tổ, đa số các ý kiến đều đồng tình với dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Các đại biểu đều đánh giá thời gian qua, các cơ quan, tổ chức đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng luật, pháp lệnh, góp phần nâng cao chất lượng cũng như bảo đảm tiến độ chuẩn bị các dự án. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong việc lập, triển khai thực hiện Chương trình. Đó là Chương trình vẫn phải điều chỉnh nhiều; chất lượng chuẩn bị của một số dự án còn hạn chế; tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết thi hành luật vẫn chưa được khắc phục triệt để... Để khắc phục tình trạng này,  đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) đề nghị, quy trình xây dựng luật cần thay đổi, cần phải duyệt nội dung , đề cương trước rồi mới tiến hành xây dựng luật để tránh lãng phí thời gian, tránh quan điểm cá nhân của bộ, ngành xây dựng dự thảo luật. 

Đề nghị giám sát các dự án có nguy cơ thất thoát

Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; giám sát chuyên đề. 

Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung cụ thể gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội; việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

 

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018


Thảo luận tại tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, 2 trong 4 nội dung là giám sát cổ phần hóa và giám sát trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài, đã thực hiện giám sát rồi. Vì thế, theo ông Phùng Quốc Hiển, nên cân nhắc giám sát ở tầm rộng hơn. Ông đề nghị tập trung vào lĩnh vực rất quan trọng là giám sát việc sử dụng vốn ODA. Bởi việc sử dụng vốn ODA đã bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém trong quản lý. 

Về giám sát cổ phần hóa DNNN, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, như thế cũng chỉ gói gọn trong một nhánh, trong khi đó đã thực hiện giám sát ở khóa XII rồi. Theo ông Hiển, phải mở rộng hơn và nên chăng cần giám sát việc đổi mới hoạt động của DNNN, trong đó có cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có cả doanh nghiệp cổ phần, như vậy sẽ giúp cho hoạt động đổi mới DNNN. Ngoài ra, theo ông Hiển cũng có thể giám sát việc thực hiện chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. 

Đề cập đến việc giám sát các dự án đầu tư công, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phước  lưu ý hiện đã công bố 12 dự án thua lỗ lớn, nhưng chưa biết thực chất còn bao nhiêu dự án xảy ra thua lỗ. Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị đối với các dự án BOT hay sử dụng vốn ODA, có những vấn đề nổi cộm, nếu tiến hành giám sát sẽ có lợi cho dân nhiều hơn. Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng cho rằng, giám sát các dự án có nguy cơ thất thoát, thua lỗ là một trong những nội dung mà dư luận hết sức quan tâm. Ông đề nghị bổ sung thêm nội dung giám sát này vào chương trình.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh