Cần chăm sóc F0 ngay từ đầu để giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong
- Y học 360
- 06:29 - 26/11/2021
Giúp các F0 có thể tiếp cận y tế trong thời gian ngắn nhất
Tại họp báo về cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM, chiều ngày 25/11, Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải nêu rõ, theo quan điểm của TP, bất kì ai phát hiện bản thân nhiễm COVID-19 đều được tiếp cận với y tế địa phương hoặc trạm y tế lưu động một cách sớm nhất. Người dân sẽ kịp thời được nhận túi thuốc cũng như sự tư vấn, hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ, nhân viên y tế.
Hiện tại, các quận, huyện và TP Thủ Đức có khoảng 57.000 F0 đang điều trị tại nhà, do vậy TP phải nỗ lực để giúp các F0 trên được tiếp cận với trạm y tế địa phương hoặc trạm y tế lưu động. Để làm được việc này, TP cần khắc phục một số nguyên nhân khiến người nhân khó khăn trong tiếp cận với y tế địa phương như đường dây nóng gặp sự cố, điện thoại không có người nhấc máy,…
Theo ông Phạm Đức Hải, hiện tại, TP đang tăng cường lực lượng cho trạm y tế lưu động và y tế phường, xã, thị trấn. Bên cạnh đó, TP cũng có kế hoạch chỉ đạo Bộ tư lệnh TP phối hợp với Sở Y tế cử thêm lực lượng quân y, dân quân tự vệ nhằm hỗ trợ, tham gia cùng nhân viên tại trạm y tế lưu động, trạm y tế địa phương. Qua đó, giúp các F0 có thể tiếp cận y tế trong thời gian ngắn nhất.
Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải nêu rõ, theo quan điểm của TP, bất kì ai phát hiện bản thân nhiễm COVID-19 đều được tiếp cận với y tế địa phương hoặc trạm y tế lưu động một cách sớm nhất thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho hay, tính đến 18 giờ 00 ngày 24/11/2021, có 461.389 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 460.830 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 559 trường hợp nhập cảnh.
Hiện TP đang điều trị 14.342 bệnh nhân, trong đó có 578 trẻ em dưới 16 tuổi, 357 bệnh nhân nặng đang thở máy, 10 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 24/11 có 1.582 bệnh nhân nhập viện, 1.148 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 273.228), 59 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 17.709).
Về tiêm chủng, tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 24/11/2021 là 7.890.985 mũi 1 và 6.415.954 mũi 2.
Các biện pháp y tế trước tình hình F0 tăng nhẹ
Tại họp báo, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, trước tình hình F0 tăng nhẹ trong thời gian gần đây, Sở đã tham mưu, trình UBND TP chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19; quy chế phối hợp hoạt động trong quản lý F0 tại nhà tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 trên địa bàn TP.
Đặc biệt, trong tuần qua, Sở cũng ban hành hướng dẫn chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà với phiên bản mới. Trong đó, hướng dẫn cụ thể người dân cách ứng phó với các trường hợp F0, phương pháp sử dụng các túi thuốc để điều trị bệnh,…
Sở cũng phối hợp với các đơn vị liên quan để giám sát các trạm y tế, thành lập 8 group Zalo phân theo từng khu vực. Tại đây, các lãnh đạo, chuyên gia sẽ trao đổi thường xuyên về hoạt động chuyên môn cũng như hỗ trợ trong công tác điều chuyển bệnh. Tất cả nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người dân, đặc biệt là F0 đang được cách ly, điều trị tại nhà.
Thời gian vừa qua, Sở Y tế đã thành lập 10 tổ kiểm tra để theo dõi hoạt động y tế của 22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Từ đó, nắm bắt sớm tình hình, tiếp nhận kịp thời những phản ánh của người dân để có phương án hỗ trợ, xử lý kịp thời.
“Qua những phản ánh nhận được từ người dân, chúng tôi đã tăng cường các ca, kíp trực của đường dây nóng. Đồng thời, củng cố đường nóng của tổng đài 1022 bằng sự tham gia của 200 bác sĩ; tái thiết lập hệ thống mạng lưới Thầy thuốc đồng hành để hỗ trợ kịp thời các đối tượng F0 cần điều trị”, đại diện Sở Y tế thông tin.
Trước thực trạng một số bệnh nhân COVID-19 không được hỗ trợ, chữa trị kịp thời, Sở đã có văn bản chấn chỉnh những đơn vị không đáp ứng lời gọi từ người dân, các bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân nhiễm bệnh.
Nhằm đảm bảo lực lượng thu dung và điều trị, Sở Y tế cũng tăng cường điều nhân viên y tế đến những bệnh viện dã chiến 3 tầng, bổ sung nhân lực cho các trạm y tế lưu động tại các khu vực có F0 tăng như huyện Hóc Môn, Bình Chánh. Cùng với đó, phối hợp với Hội Đông y TP để cấp thuốc hỗ trợ điều trị bệnh nhân nhiễm bệnh.
Trả lời câu hỏi về việc các bệnh viện dã chiến hiện nay vừa tiếp nhận, thu dung các bệnh lý thông thường, vừa tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 có dẫn đến quá tải hay không, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, các bệnh viện hiện nay đã nhanh chóng trở lại công năng ban đầu và có thể khám, chữa bệnh các bệnh lý thông thường.
Trường hợp bệnh nhân với bệnh lý thông thường nhưng đến bệnh viện dã chiến vẫn sẽ được tiếp nhận. Sau đó, người bệnh sẽ được chuyển đến bệnh viện có chức năng chữa trị phù hợp gần nhất để hỗ trợ tốt nhất cho người dân. Do đó, các bệnh viện sẽ không bị quá tải.
Hiện nay, theo mô hình mới, TP đã có 3 bệnh viện dã chiến là Bệnh viện dã chiến số 13, 14,16 đã chuyển đổi mô hình hoạt động 3 tầng. Theo đó, ở các bệnh viện này tập trung bố trí số giường bệnh cũng như giường hồi sức theo 3 tầng để hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh từ nhẹ, trung bình đến nặng.
Liên quan đến túi thuốc C, Sở Y tế TP đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế về tình hình sử dụng thuốc Molnupiravir và xin cấp thêm 100.000 liều dự phòng trong trường hợp F0 tăng cao. Hôm nay (25/11), Sở Y tế đã tiếp nhận văn bản của Bộ Y tế về việc cấp 120.000 viên Favipiravir 500mg (thuốc kháng virus cùng loại với Molnupiravir) để hỗ trợ các trường hợp F0, cấp cho trạm y tế, đưa vào phác đồ điều trị khi đã sử dụng hết số thuốc Molnupiravir.
Bà Mai cũng thông tin, với quan niệm sử dụng Đông - Tây y kết hợp, Hội Đông Y TP.HCM đã giới thiệu và tài trợ viên thực phẩm chức năng Kovir để tăng cường sức khỏe cho người đang nhiễm COVID-19.
Chăm sóc F0 ngay từ đầu để giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm, chăm sóc F0 ngay từ ban đầu là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết để có thể giảm tỉ lệ nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong. Theo đó, ngành Y tế TP đã có những hành động cụ thể, gồm:
Thứ nhất, nhằm quản lý chặt chẽ F0 mới phát hiện, chính quyền và y tế địa phương phải quản lý được tất cả F0 trên địa bàn, tiếp cận người bệnh trong vòng 24 giờ để đánh giá tình hình. Qua đó, có hướng dẫn phù hợp và cấp phát thuốc kịp thời.
Thứ hai, tùy theo tình trạng của bệnh nhân, các đơn vị liên quan sẽ đánh giá mức độ, điều kiện chăm sóc, đưa ra phương án theo dõi F0 tại nhà hay bệnh viện.
Thứ ba, khi quản lý F0 tại nhà, đảm bảo kết nối thông tin xuyên suốt, các đường dây nóng của tổ phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động ở các địa phương phương phải hoạt động. Đồng thời, F0 cũng như gia đình phải nắm thông tin liên hệ của y tế địa phương để có sự can thiệp kịp thời.