THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:36

Cần cẩu giăng kín các cao ốc đang xây... "tử thần" lơ lửng trên đầu

 

Theo quy định, đối với trường hợp vùng hoạt động của cần trục tháp vượt ra khỏi phạm vi công trình, có ảnh hưởng tới giao thông đi lại của nhân dân và công trình lân cận chỉ cho phép hoạt động từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau và phải đảm bảo có đủ hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn kỹ thuật của cần trục tháp mới cho phép hoạt động để hạn chế rủi ro khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên trên thực tế, các cần cẩu này vẫn mặc nhiên hoạt động cả ngày lẫn đêm, không chỉ vậy các cần cẩu này còn vươn ra xa đường trở thành những quả bom lơ lửng trên đầu người dân tham gia giao thông.
 

Hiện trường vụ sập cẩu ngày 5/10, tại công trình trên đường Dương Đình Nghệ (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

 
Mới đây, vào hồi 19 giờ ngày 5/10, tại công trình xây dựng nằm trên đường Dương Đình Nghệ (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) đã xảy ra vụ gãy đổ cần cẩu của Cty Vimeco, khiến công nhân cũng như người đi đường hoảng sợ. Sự việc trên đã dấy lên mối lo ngại về độ an toàn của các cần cẩu khổng lồ tại công trường xây dựng trên địa bàn thủ đô. 
Trước đó không lâu (25/9) cũng đã xảy ra vụ việc nghiêm trọng hơn tại dự án Trường mầm non Vườn Xanh, thuộc Khu đô thị Sudico Sông Đà, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Khi đang thi công thì gần như toàn bộ khu nhà 2 tầng rộng hơn 500m2 dự án này đã bị đổ sập hoàn toàn. Nguyên nhân sau đó được các cơ quan chức năng xác định là do phần chất tải đổ sàn tầng 3 tác động vào kết cấu giàn giáo không phù hợp với khả năng chịu lực dẫn đến sàn tầng 3 và sàn tầng 2 sụp đổ.
 

Hiện trường vụ sập cẩu ghi nhận sáng nay (6/10), tại công trình trên đường Dương Đình Nghệ (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội)

 

Những vụ tai nạn lao động liên quan đến sập giàn giáo thường gây ra thương vong lớn, tuy nhiên chúng thường nằm trong phạm vi công trường xây dựng. Còn đối với những vụ tai nạn lao động liên quan đến sập cần cẩu không chỉ trong công trường mà còn gây thương vong cho người đi đường. Nhất là những năm gần đây, tốc độ xây dựng các công trình cao tầng ngày càng tăng. Đặc điểm chung của những công trình này là sử dụng cần cẩu tháp sử dụng ngày càng nhiều, vì cần cẩu tháp có ưu điểm đáp ứng yêu cầu vận chuyển khối lượng lớn vật liệu, thiết bị với chiều cao và tầm vươn rộng, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công. 
Ở các khu đô thị đông dân cư do điều kiện thi công chật hẹp, các đơn vị thi công thường sử dụng cần cẩu tháp không đúng quy định, cẩu thường vươn qua các công trình lân cận hoặc nằm ngang đường, lơ lửng trên đầu người tham gia giao thông mà không biết rơi lúc nào, thực sự là những hiểm họa khôn lường, mà mỗi khi gặp sự cố thường gây thiệt hại lớn. Ngoài ra, vào mùa mưa thường có gió lớn, lốc và các điều kiện thời tiết bất lợi, ảnh hưởng đến hoạt động của cần cẩu tháp.
Quanh các khu vực đang có mật độ xây dựng nhà cao tầng lớn ở Hà Nội như: Trung Hòa – Nhân Chính, đường Cầu Giấy, Nguyễn Phong Sắc, Dương Đình Nghệ… không khó để có thể nhận thấy sự hoạt động của hệ thống các cần cẩu khổng lồ đang hoạt động vận chuyển vật liệu lên trên cao. Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu hết các cần cầu khổng lồ của các dự án xây dựng này hoạt động sai quy định, gây mất an toàn cho người dân xung quanh.
Trên thực tế, rất nhiều vụ tai nạn lao động liên quan đến sự cố sập cần cẩu, đứt cáp làm chết người đi đường đã xảy ra. Điển hình là vụ đứt cáp cần cẩu phục vụ xây dựng tuyến đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh, trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), làm rơi hàng tấn sắt xuống đường khiến một người chết tại chỗ, 3 người khác bị thương phải đi cấp cứu xảy ra ngày 6/11/2014. Vụ sập thang máy cẩu xảy ra ngày 4/12/2015, tại chung cư ở số 52 Lĩnh Nam (phường Lĩnh Nam - Hoàng Mai - Hà Nội) khiến 3 người tử vong. Rồi vụ sập giàn giáo dự án chung cư cao tầng Eco Green Tower số 1 phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) ngày 13/10/2016, khiến 2 công nhân rơi xuống tầng 1 tử vong, 4 người khác bị thương.
 

Cần cẩu khổng lồ lơ lửng trên không vắt qua đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông tại một công trình xây dựng trên đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy

 

Còn tại Hải Phòng, ngày 18/11/2015, tại công trình xây dựng lô 30A trên đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) đã xảy ra vụ sập cần cẩu tháp, khiến một người đi đường tử vong tại chỗ, người lái cẩu bị thương. Trước đó, tháng 7/2014, tại gói thầu EX10 DA đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, một tháp cẩu cũng đổ sập khiến 2 người chết, 4 người bị thương. Tại Nghệ An, ngày 27/9/2014, cần cẩu thi công công trường thi công xây mới cầu Hoàng Mai (phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) bất ngờ đổ sập đè chết một người đàn ông đang điều khiển xe máy đang lưu thông trên cầu.
Nguyên nhân sự cố do các cần trục tháp gây ra thường quá tải làm đứt cáp, lúc vận hành bị vướng vào chướng ngại vật, má phanh mòn quá mức quy định, mô men phanh quá bé, dây cáp bị mòn hoặc bị đứt, mối nối cáp không bảo đảm, nối cáp không đúng kỹ thuật, khóa cáp mất, cần cẩu quá tải ở tầm với xa nhất làm đứt cáp… mà chung quy lại là do nhà thầu cũng như đơn vị thi công vi phạm an toàn lao động. Việc này không mới và liên tiếp trong thời gian qua, nhiều vụ tai nạn gây thiệt hại về người và của khiến mọi người không thể không đặt câu hỏi, liệu các cơ quan chức năng đã làm tròn trách nhiệm chưa hay có sự bao che, buông lỏng quản lý?.

Theo Cục An toàn Lao động (Bộ LĐ-TB&XH), cần trục tháp và cần trục tự hành phải được chứng nhận hợp quy. Điều kiện hoạt động của các thiết bị này phải được kiểm định kỹ thuật an toàn lao động lần đầu khi đưa vào sử dụng, và định kỳ trong quá trình hoạt động, hiện đang được áp dụng theo Quy chuẩn 29/2016 của Bộ LĐ-TB&XH. Riêng đối với cần trục tháp hiện chưa có Quy chuẩn riêng và đang được áp dụng chung theo Quy chuẩn 07/2012 (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thiết bị nâng của Bộ LĐ-TB&XH).

Liên quan đến vụ việc đổ cần cẩu tối 5/10, tại công trình trên đường Dương Đình Nghệ (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), trao đổi với PV, một cán bộ Thanh tra xây dựng quận cầu giấy cho biết, chủ đầu tư công trình là Cty TNHH Đầu tư xây dựng và XNK Tây Đô, đơn vị thi công là Cty CP Vimeco. Nguyên nhân ban đầu về sự cố do nền đất trơn trượt, khi vận chuyển lồng thép bị vướng vào xi-lô gây gập tay cần trục bánh xích Kobeco FF80, làm hỏng tay cần trục, gây mất an toàn. Cẩu trục tự hành bị sự cố đã được kiểm định. Rất may vụ việc không gây thiệt hại về người. Hiện cơ quan chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính yêu cầu khác phục. Cũng theo vị này, căn cứ Điều 48 Luật Xây dựng về xử lý sự cố công trình, cơ quan chức năng chỉ tạm dừng trong thời gian điều tra, xác minh nguyên nhân sự cố, chứ không đình chỉ công trình.


CHU LƯƠNG - TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh