Cận cảnh cuộc chiến khốc liệt ở Việt Nam
- Văn hóa - Giải trí
- 18:58 - 09/06/2015
Theo Ban tổ chức triển lãm, trong số 50 bức ảnh được trưng bày, mỗi bức ảnh là một câu chuyện đầy ám ảnh về cuộc chiến khốc liệt ở Việt Nam.
Trong đó có bức ảnh kinh hoàng của Malcolm Browne, chụp cảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11/6/1963 tại một ngã tư trung tâm Sài Gòn để phản đối chính quyền Việt Nam Cộng hòa, hay bức ảnh nổi tiếng về cô bé 9 tuổi Phan Kim Phúc trần truồng bị cháy sém vì bom napalm chạy trên đường cái, được phóng viên Nick Út ghi lại ngày 8/6/1972 gần Trảng Bàng, ngoại ô Sài Gòn.
Đó cũng là bức ảnh của Eddie Adams cho thấy cảnh Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia Việt Nam Cộng hòa, tướng Nguyễn Ngọc Loan, bắn vào đầu chiến sĩ quân giải phóng miền Nam Nguyễn Văn Lém, bí danh Bảy Lốp, bằng súng ngắn ngay trên đường phố Sài Gòn sớm ngày 1/2/1968 (Tết Mậu Thân)…
Bức ảnh “Em bé Napalm” nổi tiếng của Nick Ut.
Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày các bức ảnh nổi tiếng khác của Horst Faas, Henri Huet, Đặng Văn Phước, Giancarlo, Hugh Van Es… là những phóng viên ảnh kỳ cựu của AP. Những tác phẩm ảnh được chọn lọc này ghi lại từng trải nghiệm và bi kịch người dân phải chịu đựng trong chiến tranh.
Trong số đó, bức ảnh “Em bé Napalm” của Nick Út từng được cả thế giới biết đến, ở đó không chỉ có cô bé Phan Kim Phúc, bức ảnh còn là câu chuyện: Trẻ em chạy gào thét kêu cứu dọc con đường gần Trảng Bàng khi bị bỏng nặng trong cuộc tấn công bằng bom napalm, phía sau là lính từ Sư đoàn 25 của Việt Nam Cộng hòa.
Những trẻ em khác (từ trái qua) còn có anh của Phan Kim Phúc là Phan Thanh Tâm- người bị mất một mắt và Phan Thanh Phước, anh em họ Hồ Văn Bốn và Hồ Thị Tung. Bức ảnh này của Nick Út đã giành được giải Pulitzer cho ảnh thời sự năm 1973.
Bức ảnh chụp Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11/06/1963 của Malcolm Browne.
Ông Gary Pruitt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hãng AP cho biết, để đưa tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam lúc bấy giờ, AP đã cử một đội ngũ phóng viên ảnh xuất sắc tới Sài Gòn, những phóng viên ảnh này đã tạo ra một trong những di sản ảnh vĩ đại nhất của thế kỷ 20. AP đã đoạt 6 giải Pulitzer cho việc đưa tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, 4 giải trong số đó cho thể loại ảnh bao gồm cả giải của phóng viên ảnh Nick Út năm 1973.
Cũng theo ông Gary Pruitt, trong suốt lịch sử gần 170 năm, AP luôn giữ một sứ mạng thông tin cho thế giới. Các phóng viên của hãng nỗ lực hàng ngày để đưa tin về các sự kiện diễn ra trên thế giới với sự chính xác và trung thực. Hoạt động đưa tin của AP trong những năm chiến tranh đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sự thật của cuộc chiến tới nhân dân Mỹ.
Triển lãm mở cửa miễn phí cho người xem. Được biết, các cuộc triển lãm ảnh tương tự với những bức ảnh được lấy từ cuốn sách ảnh "Việt Nam: Cận cảnh cuộc chiến” đã được tổ chức tại Phòng tranh Steven Kasher ở New York và trụ sở chính của Báo Guardian ở London. Đây cũng là lần đầu tiên AP vinh dự được chia sẻ với nhân dân Việt Nam những bức ảnh tư liệu quý này.
Cũng trong dịp này, phóng viên ảnh Nick Út sẽ về thăm lại nơi ông đã chụp bức ảnh nổi tiếng ngày 8/6/1972. Nick Út cho biết, ông cũng sẽ ghi lại chuyến thăm qua tài khoản Instagram của AP Images, để kể lại những gì ông nhìn thấy và cảm nhận trong những giây phút chụp bức ảnh đó cũng như góc nhìn của ông 40 năm sau.