THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 11:37

Campuchia tuyên bố đã loại bỏ COVID-19​, số ca sốt tại Triều Tiên tiếp tục giảm

Đến sáng 8/6, thế giới có trên 536,23 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,32 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19, ghi nhận trên 86,66 triệu ca mắc và gần 1,034 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 26.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 7/6, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,18 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 667.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên triệu 31,19 người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Sydney đã khảo sát hơn 1.000 người dân ở Australia về trải nghiệm của họ với sức khỏe tâm thần trong đại dịch COVID-19. Kết quả của cuộc khảo sát này sẽ được sử dụng để giới chức "xứ sở chuột túi" hoạch định các chính sách trong tương lai.

Được công bố trên tạp chí PLOS ONE vào ngày 7/6, nghiên cứu được tiến hành với 1.037 người Australia trong độ tuổi từ 18 - 89 trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 6/2021, trong đó đánh giá những trải nghiệm sức khỏe tâm thần của chính họ và mức độ tương tác với các nguồn hỗ trợ về sức khỏe tâm thần.

Ngày 7/6, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã phải rút ngắn chuyến thăm Pakistan, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du một số nước, sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Bà Baerbock đã có kết quả xét nghiệm dương tính ngay sau khi hội đàm với người đồng cấp Pakistan Bilawal Bhutto Zardari, thảo luận về hợp tác song phương và những thách thức trong khu vực, trong đó có cả tình hình ở Afghanistan. Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Baerbock đã đến Islamabad, bắt đầu chuyến thăm 2 ngày tới Pakistan.

Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, bà Baerbock buộc phải hủy cả chuyến thăm Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ mà theo dự kiến bà sẽ gặp các nhà lãnh đạo hai nước này để thảo luận những vấn đề cùng quan tâm.

Tổ chức phi lợi nhuận Elem vừa công bố báo cáo cho thấy, tình trạng bạo lực và rối loạn tâm lý ở trẻ vị thành niên tại Israel trong năm 2021 đã tăng mạnh so với năm 2020 và đặc biệt là năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Dịch COVID-19 đã dẫn tới tình trạng bạo lực và rối loạn tâm lý ở trẻ vị thành niên tại Israel. (Ảnh: AP)

Dịch COVID-19 đã dẫn tới tình trạng bạo lực và rối loạn tâm lý ở trẻ vị thành niên tại Israel. (Ảnh: AP)

 

Bolivia đã bước vào làn sóng dịch COVID-19 thứ 5. Bộ Y tế Bolivia thông báo, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này vào tuần vừa qua (từ ngày 29/5 - 4/6) đã ở mức 1.609 người, tăng 24% so với tuần trước đó và đánh dấu tuần thứ 4 liên tiếp số trường hợp nhiễm bệnh gia tăng.

Kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 3/2020, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận hơn 910.500 trường hợp mắc bệnh, trong đó có trên 21.900 ca tử vong.

Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 61.730 ca sốt mới, đưa tổng số người bị sốt lên 4,19 triệu trường hợp. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca sốt mới ở Triều Tiên ở dưới mức 70.000 ca/ngày, đồng thời duy trì ở mức dưới 100.000 ca/ngày trong ngày thứ 8 liên tiếp, giảm đáng kể sau khi đạt đỉnh hơn 392.920 ca vào ngày 15/5 vừa qua.

Theo số liệu từ Trung tâm Ngăn ngừa dịch bệnh khẩn cấp quốc gia Triều Tiên, hơn 4,08 triệu người đã hồi phục sau khi bị sốt, trong khi vẫn còn ít nhất 115.240 người đang được điều trị.

Ngày 12/5, Triều Tiên thông báo trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 ở nước này liên quan đến dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron. Theo KCNA, số ca sốt theo ngày ở Triều Tiên đã giảm khoảng 6% kể từ ngày 15/5 vừa qua, nhờ kết quả của chiến dịch chống dịch được thực hiện ở nước này. Triều Tiên cũng đang đẩy mạnh sản xuất nhiều chất khử trùng và các loại vật tư y tế khác nhau.

Từ ngày 10/6, tất cả các du khách nước ngoài nhập cảnh Nhật Bản đều phải đeo khẩu trang và có bảo hiểm để chi trả các chi phí chăm sóc sức khỏe trong trường hợp họ mắc COVID-19.

Nhật Bản sẽ mở cửa biên giới đón du khách từ ngày 10/6. (Ảnh: AP)

Nhật Bản sẽ mở cửa biên giới đón du khách từ ngày 10/6. (Ảnh: AP)

 

Ngày 7/6, Bộ Y tế Campuchia thông báo, quốc gia Đông Nam Á này đã loại bỏ COVID-19 sau khi bệnh nhân cuối cùng mắc căn bệnh này đã bình phục. Theo tuyên bố của Bộ Y tế Campuchia, nước này đã không còn ghi nhận ca mắc mới COVID-19 nào trong 31 ngày liên tiếp. Kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 1/2020 đến nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 136.262 ca mắc, trong đó có 133.206 bệnh nhân đã bình phục và 3.056 ca tử vong.

Với tỷ lệ tiêm chủng cao, kể từ tháng 11/2021, Campuchia đã khôi phục tất cả các hoạt động kinh tế xã hội và mở cửa trở lại biên giới cho những du khách được tiêm phòng đủ liều cơ bản mà không cần cách ly. Ông Kin Phea, người đứng đầu Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia, đã đánh giá cao vai trò của vaccine trong bảo vệ mạng sống của người dân, ổn định hệ thống y tế và đóng góp vào công cuộc khôi phục nền kinh tế.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh