THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:52

Cảm xúc khi đọc 'Hai nửa mùa thu'

 

Ngày cuối cùng của năm đã dần hết. "Em ra rất vội" và có lẽ tôi giống em? Giống, nhưng lại khác vì em ra là thực. Còn tôi chỉ hóa thân vào thơ và vội để viết, vội vì chỉ sợ ai viết mất, vội vì sợ không viết kịp sẽ quên. Cảm xúc ùa về! bài thơ 'Hai nửa mùa thu' của Nguyễn Thanh Bình đã để lại trong tôi vô vàn nỗi nhớ về hai nửa ấy để rồi gộp thành một tình yêu tuyệt đẹp theo mùa và chắc sẽ còn mãi với thời gian.

Mùa thu, mùa luôn là cảm hứng cho thơ ca, một chiếc lá vàng rơi cũng đẹp và xao động lạ thường. Đọc thơ anh, mặc dù đang mùa thu se se lạnh, cái lạnh se lòng. Nhưng từng từ, từng câu thấm vào hồn người và có một sức lan tỏa ấm ấp lạ thường. Vâng! có lẽ chỉ có thơ ca mới làm nên điều kỳ diệu đó.

"Gói một nửa mùa thu Sài Gòn
Em mang ra đây tặng cho Hà Nội 
Em ra rất vội"
Tác giả dùng "gói", một động từ có hình ảnh vội chăng? hay thầm kín, chặt chẽ, sâu thẳm. Thế mới biết tình yêu làm được điều tưởng như không thể để "Gói một nửa mùa thu Sài Gòn " mang " tặng cho Hà Nội" . Sao lại gói có một nửa? dụ ý? để người đọc tò mò không thể không đọc tiếp vì tính hiếu kỳ tìm hiểu. "Em ra rất vội" vội vì nỗi nhớ, sự khát khao cháy bỏng và muốn giữ vẹn nguyên nửa mùa thu ấy thật tròn trịa để trao tặng cho Hà Nội.

"Thu Hà Nội ngỡ ngàng chẳng được báo trước để đón em.
Hà Nội chong đèn
Soi dấu chân em từng ngã đường,góc phố
Những ánh điện lung linh nhìn em bỡ ngỡ
Như ánh mắt lần đầu mình khe khẽ chạm vào nhau..
Đêm Hà Nội rất sâu
Sâu như ánh mắt em dìm ánh mắt anh vào xa xăm rồi thao thức"
Những câu thơ trên đưa người đọc cảm nhận hai nửa ấy đã gặp nhau. Thu Hà Nội mặc dù không vội nhưng ngỡ ngàng lắm, bất ngờ lắm không được báo trước để đón em. Nhưng chính cái ngỡ ngàng ấy đã làm nên sự bất ngờ òa đến và ngập tràn trong cảm xúc vô bờ.
Đêm! Hà Nội chong đèn soi từng dấu chân em, từng ngả đường, góc phố. Thế mới biết nỗi nhớ, niềm thương in dấu từng chi tiết em qua. "Ánh điện lung linh nhìn em bỡ ngỡ" . Tác giả mượn hình ảnh để tả "Như ánh mắt lần đầu mình khe khẽ chạm vào nhau" Rồi, rất sâu! "Sâu như ánh mắt em dìm ánh mắt anh vào xa xăm rồi thao thức". Hai câu cuối trong khổ thơ trên đã đẩy lên cao trào, sâu lắm, nồng nàn lắm, đến mức dìm vào xa xăm để rồi thổn thức. Ôi! tình yêu! ngôn từ, lời thơ đâu có cần hoa mỹ mà thiết tha quá. Có lẽ ánh mắt xa xăm và thao thức đó đan xen nỗi buồn vì một cuộc chia tay sắp tới.

"Đêm Hà Nội òa khóc
Thương Sài Gòn em không chợp mắt mấy đêm liền
Thu Hà Nội rất hiền 
Hàng Cơm nguội rượt đuổi nhau chạy dọc đường Yên Phụ
Chưa bắt được nhau nên suốt mùa không ngủ
Sợ tàn Thu nên sắc lá ngả vàng.."
Tất cả đau đáu một nỗi niềm vì chưa thể ở bên nhau mãi mãi. Định mệnh chăng? số phận chăng? Có lẽ là vậy! nên tình yêu mãi là tình yêu và ngôn từ không thể diễn tả hết được.

"Anh sẽ gói một nửa thu Hà Nội làm hành trang
Để em mang về Sài gòn gộp hai nửa mùa thu thành một
Em đừng sợ
Nếu nửa thu Hà Nội anh đường đột
Cứ ôm chặt nửa kia và quấn xiết không rời.."
Khổ thơ cuối cùng của bài là tất cả tình yêu của một nửa Hà Nội gửi lại để trao tặng cho một nửa Sài Gòn, lại :"gói" cho trọn, nhưng đặc biệt hơn cho Sài Gòn làm hành trang theo suốt cuộc hành trình của cuộc đời. Em sẽ gộp hai nửa mùa thu ấy thành một. Đây là đỉnh cao của bút pháp tác giả dùng. Tròn vẹn quá!
"Em đừng sợ" tôi thích nhất câu này, vì không chỉ đơn một lời nhắn nhủ, động viên và có thể hơn thế nữa như một lá bùa hộ mệnh, một lời hứa. Cẩn trọng hơn, sợ mình đường đột nên cần một sự cảm thông, nhưng là lời nhắn nhủ rất khéo "Cứ ôm chặt nửa kia và quấn xiết không rời" Có cần một sự hy sinh của một nửa Sài Gòn? Vâng! có lẽ em bao giờ cũng vẫn thế và mãi là người phụ nữ Việt Nam thủy chung như nhất.

Thú thật đọc bài thơ này tôi đã rơi lệ, không phải thơ tình bi lụy để khóc mà vì bài thơ lột tả được tâm trạng của đôi lứa yêu nhau trong sự cách xa về không gian nhưng tình yêu ấy thật đẹp, thật cảm động. Họ gặp nhau mang hai nửa ấy ở hai mảnh đất thiêng liêng, hai phương trời khác biệt gộp thành một. Tình yêu đôi lứa được lồng vào tình yêu Quê hương Đất nước. Đẹp và tự hào.

Là một độc giả không hề bỏ sót một bài thơ nào của Nguyễn Thanh Bình, anh có rất nhiều bài thơ hay. Thơ anh lúc thì tha thiết mềm mại, lúc lại bùng nổ dữ dội. Có những bài anh dùng những ngôn từ trần tục, ngôn từ đó có lẽ nhiều người thích, nhiều người muốn dùng nhưng có thể họ không hoặc chưa dám mở kho ngôn từ đó.

Ngày cuối cùng của năm, tôi có vài suy nghĩ về bài thơ "Hai nửa mùa thu" của anh, chắc chắn không thể nói hết được ý của anh muốn gửi gắm trong bài thơ, hoặc có thể có cảm nghĩ biết đâu còn sai lệch mong anh lượng thứ. Với những dòng chữ viết vội này tôi hi vọng anh đón nhận như là một món quà của độc giả đầy bất ngờ thú vị gửi tặng anh cũng như nhạc sỹ Nguyễn Cửu Dũng đã phổ nhạc bài thơ này tặng anh vậy. Chúc anh có nhiều sáng tác thơ hay.

 

HAI NỬA MÙA THU

Gói một nửa mùa thu Sài Gòn
Em mang ra đây tặng cho Hà Nội 
Em ra rất vội
Thu Hà Nội ngỡ ngàng chẳng được báo trước để đón em.

Hà Nội chong đèn
Soi dấu chân em từng ngã đường, góc phố
Những ánh điện lung linh nhìn em bỡ ngỡ
Như ánh mắt lần đầu mình khe khẽ chạm vào nhau..

Đêm Hà Nội rất sâu
Sâu như ánh mắt em dìm ánh mắt anh vào xa xăm rồi thao thức
Đêm Hà Nội òa khóc
Thương Sài Gòn em không chợp mắt mấy đêm liền

Thu Hà Nội rất hiền 
Hàng cơm nguội rượt đuổi nhau chạy dọc đường Yên Phụ
Chưa bắt được nhau nên suốt mùa không ngủ
Sợ tàn thu nên sắc lá ngả vàng..

Anh sẽ gói một nửa thu Hà Nội làm hành trang
Để em mang về Sài Gòn gộp hai nửa mùa thu thành một
Em đừng sợ
Nếu nửa thu Hà Nội anh đường đột
Cứ ôm chặt nửa kia và quấn xiết không rời..

Hạnh Ly

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh