CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:27

Cảm thương cô giáo nghèo suốt 11 năm nuôi con bệnh tật, khát khao bục giảng

Cuộc đời thống khổ đầy nước mắt

Tới tổ 2, phường Chiềng Sinh – TP. Sơn La, hỏi thăm nhà cô Vũ Thị Hoa không ai là không biết. Bởi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của mẹ con cô đã và đang khiến nhiều người ám ảnh.

Nhìn vào không ai nghĩ cô Hoa vốn là 1 giảng viên.

Cô Hoa sinh năm 1979, quê gốc ở huyện Hưng Hà – tỉnh Thái Bình nhưng đã sớm thoát ly lên đất Sơn La sống đã hơn 13 năm nay, sau khi được nhận công tác tại khoa Giáo dục đại cương, trường Cao đẳng Sơn La.

Chồng cô là Nguyễn Viết Tuấn, đã mất cách đây gần 5 năm vì bệnh ung thư gan. Khi còn sống, chú là dân lao động tự do nên kinh tế của họ chẳng khá giả gì. Nhất là kể từ khi họ có con. Bé Nguyễn Tú Tài sinh ra không được lành lặn như những đứa trẻ khác.

Cô Hoa kể: “Lúc sinh ra thằng bé không khóc được, người thì tím tái, nằm bất động. Ra ngoài chưa lâu, con đã bị sốt cao, chẳng biết bú mớm gì, phải ăn qua 1 ống dẫn. Suốt 7 ngày nằm ở BVĐK tỉnh Sơn La, tôi chẳng có sữa, phải chạy đi xin từng tí sữa cho con, mang về đổ vào ống dẫn để thằng bé được hưởng chút sữa mẹ cho đỡ tội.”

Thương con, vợ chồng cô Hoa quyết đưa Tài tới bệnh viện Nhi TW chữa trị. Nhưng may mắn đã không mỉm cười với họ. Kết quả ở BVĐK tỉnh Sơn La cho thấy Tài bị di chứng của xuất huyết não. Tới BV Nhi TW, em còn được chẩn đoán bị chứng máu khó đông, khuyết hộp sọ. Kết luận là Tài bị bại não thể mềm.

Sau hơn 1 tháng ở BV Nhi TW, họ lại kéo nhau về quê. Cô Hoa kể thời gian ấy đối với 2 vợ chồng ngày cũng như đêm, đêm cũng như ngày. Việc duy nhất có thể nghĩ tới được là bế con và chực chờ cái đồng hồ quay. Thằng bé cứ khóc ròng rã, 2 cô chú phải thay phiên nhau bế rong. Gia đình 2 bên nội ngoại thì chẳng cậy được ai. “Bên nhà tôi các em còn nhỏ, mẹ già yếu, bố lại mất sớm nên không qua đỡ đần được. Còn nhà chồng tôi hơi phức tạp. Bố mẹ anh ly thân, chia 2 người con trai cho 2 bên nuôi nấng. Chồng tôi ở với bố, không lâu sau ông cũng cưới vợ. Sống trong cảnh dì ghẻ con chồng khổ lắm. Được 1 thời gian sau thì mẹ anh mất đột ngột. Cho đến giờ phút ấy 2 anh em ruột thịt cũng biệt tăm nhau.”

Nhưng đó vẫn chưa phải là khó khăn lớn nhất. Mọi gánh nặng kinh tế, mọi thiếu hụt tinh thần chính thức đè nén trên vai cô Hoa kể từ khi chú Tuấn qua đời, sau hơn 7 tháng nằm viện.

Cô Hoa trải lòng: “Tôi cảm giác mình không thể gượng dậy được nữa. Nhiều khi đau khổ, buồn tủi, tôi chẳng có ai để tâm sự. Ngồi nhìn đứa con nằm bất động 1 chỗ, gương mặt không có chút biểu cảm gì, tôi đau lòng lắm! Lúc đó, tôi chỉ ước được nghe nó gọi 1 tiếng "mẹ" thôi cũng đủ rồi.”

“Tôi buộc phải sống như 1 chiến binh”

Có những phút đuối lòng khiến cô Hoa từng 2 lần định quyên sinh cùng con. Nhưng tấm lòng người mẹ đã giúp cô lấy lại được sự thăng bằng. Cô Hoa chia sẻ lúc đó bản thân kịp nghĩ rằng cái chết chẳng giải quyết được gì. Tài được sinh ra nghĩa là con được quyền sống. Cô cũng tự nhận định bản thân là 1 giảng viên tâm lý nên không thể yếu đuối và dễ dàng buông bỏ mọi thứ: “Tôi phải cân bằng được tâm lý thì mới dạy được các em. Trước mắt tôi có biết bao nhiêu học trò, nếu chúng thấy 1 giáo viên tâm lý như tôi làm cái điều dại dột ấy, chúng sẽ ra sao? Nghĩ đến đó tôi lại tự vực mình đứng dậy. Sống trong hoàn cảnh này, tôi chỉ được phép làm 1 chiến binh!”

1 tháng có 30 ngày thì 10 ngày, cô Hoa địu con đi khắp đó đây, từ Sơn La tới tận Hà Tĩnh, đến những trung tâm phục hồi chức năng để các y bác sĩ chữa bệnh cho Tài. Nhưng em vẫn không tiến triển hơn. Hiện tại Tài đã 11 tuổi mà vẫn chưa biết nói, chưa biết đi và không thể tự chủ mọi sinh hoạt. Tất cả đều nhờ đến 1 tay cô làm cả. Đến giờ đêm lại em vẫn phải đóng bỉm để tránh đi bậy trên giường. Đã vậy sức đề kháng của Tài rất kém, cứ hơi trái gió trở trời là em lại ốm.

Bé Tài đã 11 tuổi nhưng không thể tự chủ mọi sinh hoạt của mình.

Tài gặp khó khăn trong việc đi lại và giao tiếp hàng ngày.

Để lo được cho Tài, cô Hoa rất vất vả. Suốt 13 năm qua, cô phải sống trong cảnh thuê nhà trọ. Căn nhà 2 gian nhỏ xíu, gió lùa vào thông thốc.

 “Ngày nắng thì chớ, ngày mưa dột nhiều lắm. Mùa đông thì lạnh thấu xương. Nhà không có bếp nên phải kê tạm ở ngoài trời. Ngoài giờ lên lớp thì địu nhau đi dỡ củi trên nương, mưa gió gì thì che ô đứng chất bếp. Tắm táp cũng đều ở ngoài trời.” Cô Hoa vừa kể vừa gấp cái laptop Asus cũ kĩ lại bảo: “Cả gia tài có mỗi cái máy tính này để đi dạy và cái giường 2 mẹ con đang nằm do thầy hiệu trưởng thương tình tặng lại.”

“Căn bếp” tạm bợ của 2 mẹ con

Theo cô Hoa, Tài mới chỉ được nhận trợ cấp xã hội 2 năm nay. Cộng với đồng lương ít ỏi của cô, 2 mẹ con vẫn chẳng đủ trang trải. Có lúc kẹt tiền quá, cô đã phải bán hoa quả online kiếm thêm. Ngặt nỗi cô đi đâu cũng phải địu Tài theo cùng. Lắm hôm 2 mẹ con dầm mưa đi ship hàng chỉ để lấy được mỗi đơn 5 – 7 nghìn tiền lãi. Mẹ ốm, con ốm, tiền thuốc quá cả tiền bán hàng nên cô quyết định dừng.

Hiện tại, 1 mình cô Hoa phải gánh trên vai món nợ hơn 200 triệu tiền thuốc thang khám chữa bệnh cho chồng, cho con, tiền mua đám đất để sau này Tài không phải chịu cảnh ở thuê...

Cô Hoa tâm sự: “Khi khỏe mạnh không sao, những lúc ốm đau khổ lắm. Ruột thịt lại xa xôi, mà nhờ người ngoài thì ngại phiền. Nhiều khi tôi cảm, vẫn cứ tự đánh cảm lấy cho mình, ở những chỗ có thể với tay tới.”

Kể về 1 lần liều lĩnh, mạo hiểm của mình, cô Hoa không ngừng cười. Nhưng trong nhóm PV chúng tôi, chẳng ai cầm nổi nước mắt: “Tháng 7/2018, tôi phát hiện mình bị khối u ở ngực phải làm phẫu thuật. Lần ấy tôi có đưa con về Hưng Hà gửi bà ngoại, từ 3h sáng 1 mình bắt xe lên bệnh viện K Tân Triều. Không có người thân đi kèm ký các giấy tờ cam kết, tôi phải nhờ 1 người bạn tới làm bảo lãnh hộ.”

“Lần ấy vừa ra khỏi phòng mổ, tôi bị tụt huyết áp, phải nhờ người bên cạnh móc hộ 2 cái kẹo của Tài nhét trong balo ra ăn cho tỉnh. Lúc nghỉ trưa may mắn được 1 bà lão cho mấy quả nho, với còn nửa cái bánh Pía thắp hương cho chồng trước lúc rời Sơn La, sáng mang đi ăn đường còn thừa, tôi qua được bữa trưa. Đầu giờ chiều lại tự mình đi trả tiền băng gạc, thuốc thang…”

Căn nhà trọ ọp ẹp, ủ dột này đã gắn bó với cô Hoa suốt 13 năm qua.

Lửa vẫn mãi cháy trên giảng đường

Để có thời gian đi dạy, có lúc cô Hoa phải thuê sinh viên hoặc hàng xóm qua trông con giúp. Cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng chưa bao giờ cô lên lớp chậm, bỏ giờ, bỏ tiết và không làm trọn trách nhiệm của 1 người giảng viên.

Theo cô Hoa, đi dạy khiến cô có niềm vui, việc truyền lửa cho các sinh viên cũng giúp cô tự làm dày thêm sự mạnh mẽ cho riêng mình. Đối với cô, 2 nguồn động lực sống duy nhất hiện tại chính là Tài và giảng đường.

Chị Hoàng Trinh – 1 sinh viên cũ của cô Hoa kể lại: “Khi chưa biết đến hoàn cảnh của cô, mình không nghĩ là cô khổ đến thế. Tại trên lớp cô tỏ ra rất nghị lực, mạnh mẽ, rất hay cười. Nhưng sau này khi biết mẹ con cô như vậy, mình mới hiểu sau nụ cười ấy là cả 1 nỗi đau chẳng ai thấu hiểu được. Có lẽ để đứng được trên giảng đường, cô đã giành cả tuổi trẻ để học tập và cố gắng rất nhiều.”

Thầy Phạm Xuân Thu – Trưởng khoa Giáo dục đại cương, trường CĐ Sơn La cho biết: “Cô Hoa mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng rất tích cực trong công tác đoàn, lại đặc biệt khiêm tốn. Về chuyên môn, cô Hoa rất có năng lực, từng được bổ nhiệm làm trưởng bộ môn tâm lý, được các em sinh viên nhắc tới với tư cách 1 giảng viên tâm huyết với nghề. Gần đây, khi nhà trường phát động, kêu gọi sự ủng hộ giúp đỡ 2 mẹ con, có rất nhiều sinh viên, cựu sinh viên liên hệ để giúp đỡ, chia sẻ. Điều đó càng chứng tỏ sự uy tín trong công việc và cuộc sống của cô ấy.”

Rời căn nhà số 17 cũ kĩ, chúng tôi không khỏi ám ảnh khi nhớ tới cảnh 1 tay cô Hoa đút cơm cho con, 1 tay chấm và sửa bài kiểm tra cho sinh viên trên cái bàn gấp nhỏ xíu ọp ẹp. Và câu nói mà nhắc đến ai cũng thấy buốt lòng: “Giá như có thể nghe con gọi mẹ 1 lần trước khi nhắm mắt…”

THANH MAI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh