CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:47

Cấm nhập khẩu máy móc trên 10 năm tuổi: Nên hay không?

 

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp lại đang phản ứng mạnh mẽ vì cho rằng quy định này chưa hợp lý.

Nguy cơ chặn dòng vốn FDI?

So với Thông tư 20, quy định trong Thông tư 23 đã kéo dài thêm thời gian tuổi thiết bị được nhập thêm năm năm, bỏ điều kiện về tỷ lệ chất lượng còn lại của thiết bị và bổ sung sự phù hợp với các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), quy định của Thông tư 23 đang gây khó khăn cho họ.

Ông Trần Tiến Phát, Giám đốc điều hành Công ty Datalogic Việt Nam, doanh nghiệp chuyên sản xuất máy quét mã vạch tại Khu công nghệ cao TPHồ Chí Minh (SHTP), cho biết hiện nhà máy của công ty có hai dây chuyền lắp ráp tự động linh kiện điện tử của Đức sản xuất cách đây gần 20 năm nhưng vẫn hoạt động tốt. Dây chuyền này cũng cần phải duy tu bảo dưỡng sau một thời gian hoạt động, đòi hỏi phải nhập khẩu những thiết bị tương thích có thể được sản xuất cùng thời điểm. Do vậy, nếu không được nhập thiết bị đã qua sử dụng, công ty buộc phải nhập khẩu dây chuyền mới mà số vốn cho mỗi dây chuyền lên đến khoảng 2 triệu đô la Mỹ. “Chúng tôi không dại gì nhập thiết bị hoạt động kém dẫn đến thua lỗ để cơ quan nhà nước phải can thiệp, kiểm soát”, ông Phát nói và cho biết thêm hiện nay cứ khoảng ba tháng công ty còn mời trung tâm kiểm định của Nhà nước đến kiểm tra việc ô nhiễm khí thải cũng như tiếng ồn tại nhà máy...

Cũng theo ông Phát, ngoài việc sản xuất và phân phối sản phẩm, Datalogic Việt Nam còn được công ty mẹ giao cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo trì sản phẩm. Do đó, công ty phải nhập dây chuyền, thiết bị cũ, đôi khi phải trên 10 năm sử dụng, nhưng tương thích với sản phẩm đã làm ra trước đây.

Nếu quy định cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ đã qua sử dụng có tuổi đời trên 10 năm có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư công nghệ mới. 

Bà Lê Bích Loan, Phó ban quản lý SHTP, cho biết nếu quy định về thời gian tuổi thiết bị nhập khẩu của Thông tư 23 được áp dụng thì nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại SHTP sẽ gặp vướng mắc. Dẫn lời các doanh nghiệp, bà Loan cho biết các loại dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất sản phẩm công nghệ cao thường xuyên được sửa chữa, nâng cấp và chi phí rất cao. Do đó, khi doanh nghiệp nhập dây chuyền, máy móc thiết bị đã qua sử dụng thì việc xác định thời gian sẽ gặp khó khăn vì máy móc gồm nhiều bộ phận liên kết, mỗi bộ phận lại có thời gian sử dụng khác nhau.

Tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHồ Chí Minh và doanh nghiệp FDI mới đây, cả Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham Vietnam) và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JBAH) đều cho rằng Thông tư 23 đang khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài phải thay đổi chiến lược hoặc thậm chí không tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành AmCham Vietnam tại TPHồ Chí Minh, cho rằng thiết bị sản xuất và máy móc cho chất bán dẫn, ô tô... có thể sử dụng được 20 năm hoặc nhiều hơn do thường xuyên bảo trì. Theo ông, Thông tư 23 còn vi phạm Hiệp định Rào cản kỹ thuật tới thương mại (TBT) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) do thiết lập sự hạn chế một cách tùy tiện và không dựa trên khoa học về nhập khẩu. “Cơ quan quản lý cần sử dụng chiến lược “quản lý rủi ro” để giải quyết vấn đề cụ thể hơn là cấm việc nhập khẩu tất cả các máy móc có tuổi đời lớn hơn 10 năm”, ông Cochran nói.

Cùng quan điểm, ông Motohisa Nakagawa, đại diện của JBAH, cảnh báo nhiều nhà đầu tư Nhật có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam với ý định sử dụng công nghệ đã qua sử dụng sẽ dè chừng về vấn đề này. Trước đó, đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng cho rằng việc đưa ra quy định nói trên vô hình trung sẽ tạo rào cản trong việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Doanh nghiệp trong nước sẽ khó khăn

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty Cơ khí Duy Khanh, kiêm Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TPHồ Chí Minh, cho rằng, một sản phẩm cơ khí làm ra phải qua nhiều công đoạn sản xuất và sử dụng những máy móc, thiết bị khác nhau. Có những máy đã sản xuất 30-40 năm vẫn hoạt động tốt. Vậy tại sao phải đưa ra quy định giới hạn thiết bị nhập khẩu đã qua sử dụng không quá 10 năm?

Ông Tống khẳng định, nhiều máy móc, thiết bị (máy cái) đã qua sử dụng, có tuổi đời trên 20 năm, được sản xuất từ nước tiên tiến như Nhật, châu Âu vẫn vận hành hiệu quả về tiết giảm chi phí (vật liệu, năng lượng), ổn định về chất lượng sản phẩm và thời gian sản xuất. Nếu so sánh với việc đầu tư máy móc, thiết bị của các quốc gia lân cận Việt Nam, tuy mới sản xuất, có giá bán có thể bằng hoặc thấp hơn nhưng lại kém về độ bền, tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu nhiều hơn và chi phí duy tu, bảo dưỡng cũng cao hơn. Do đó, ông Tống cho rằng nếu quy định này có hiệu lực thì doanh nghiệp ngành cơ khí TPHồ Chí Minh sẽ khó phát triển vì phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, không có nhiều vốn để đầu tư công nghệ mới. Ông bức xúc: “Phải làm sao để ngành cơ khí phát triển, đừng tạo thêm rào cản nữa”.

Tương tự, theo ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, quy định niên hạn 10 năm đối với tất cả máy móc, thiết bị thuộc các ngành khác nhau là không hợp lý. Một số loại máy móc, thiết bị liên quan đến công nghệ thông tin, điện tử thì niên hạn 10 năm là quá lạc hậu, trong khi những loại máy móc cơ khí được chế tạo ở trình độ cao thì thời gian trên lại quá ngắn. Chẳng hạn ngành in, những loại thiết bị sắp chữ, dàn trang, ghi bản điện tử hoặc máy in kỹ thuật số thì chỉ sau 5-7 năm các cơ sở in đã muốn thanh lý nhưng cũng chẳng ai mua. Trong khi đó, những loại máy in truyền thống như in offset, in ống đồng, in flexo hoặc máy gia công thành phẩm thì 20 năm hoặc hơn nữa dùng vẫn rất tốt nếu do Đức, Nhật, Mỹ... sản xuất. Ngược lại, những máy cùng chủng loại nhưng do Trung Quốc sản xuất thì không mấy doanh nghiệp muốn mua.

Mỗi ngành, lĩnh vực có những đặc thù riêng trong khi Thông tư 23 quy định chung cho tất cả các ngành. Do đó, cả ông Dòng và ông Tống đều cho rằng tùy theo lĩnh vực mà áp dụng thời gian máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, đừng quá cứng nhắc sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Thực ra, Thông tư 23 cũng có “đường mở” cho doanh nghiệp là trong trường hợp đặc biệt, thiết bị đã qua sử dụng có tuổi đời quá 10 năm nhưng cần thiết phải nhập khẩu để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh thì căn cứ vào hồ sơ và kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các bộ, ngành xem xét, quyết định. Và đối với thiết bị đã qua sử dụng thuộc các dự án đầu tư, nếu trong hồ sơ dự án có danh mục thiết bị đã qua sử dụng và được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì không phải áp dụng quy định nói trên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng đây là một dạng cơ chế xin - cho, rất dễ phát sinh tiêu cực.

Ngoài ra, Thông tư 23 cũng quy định doanh nghiệp phải có bản chính giấy xác nhận của nhà sản xuất về năm sản xuất và tiêu chuẩn sản xuất của thiết bị hay bản chính Chứng thư giám định của một tổ chức giám định... Đây cũng là một sự lãng phí về thời gian và tiền bạc cũng như gây khó cho doanh nghiệp.

Theo Thesaigontimes

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh