THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:55

Cấm nhà báo chụp ảnh hiện trường vụ án?

Tiến sĩ - luật sư NGUYỄN TRỌNG HẢI, Văn phòng Luật sư Trọng Hải và Cộng sự - Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An:

Thiếu căn cứ!

Căn cứ để ra quyết định xử phạt hành chính là hành vi đó phải là hành vitrái pháp luật, vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước. Mặt khác, cơ quan ra quyết định xử phạt phải chứng minh được lỗi của người vi phạm. Trong vụ việc xử phạt nhà báo Quang Thế, Công an quận Tây Hồ viện dẫn lỗi vi phạm “vào khu vực cấm, nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép” và “chụp ảnh tại khu vực cấm” là thiếu căn cứ.

Lực lượng công an bảo vệ hiện trường trong một vụ việc xảy ra tại TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo quy định tại Quyết định 160/2004/QĐ-TTg ngày 6/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc xác định khu vực cấm, địa điểm cấm: “Các khu vực, địa điểm được xác định là khu vực cấm phải cắm biển “khu vực cấm” ,“địa điểm cấm…”. Như vậy, nhà báo Quang Thế đang tác nghiệp trên cầu Nhật Tân mà Công an quận Tây Hồ xác định là vi phạm khu vực cấm trong khi không có biển cấm là thiếu căn cứ. Bên cạnh đó, về thủ tục xử phạt, phải dựa vào biên bản vi phạm hành chính, nếu không viện dẫn được biên bản vi phạm mà ra quyết định xử phạt là đuối lý.

Cơ quan chức năng cần tôn trọng, bảo vệ các quyền về báo chí đã được Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ghi nhận, được thể chế hóa trong Luật Báo chí, bảo đảm tính minh bạch và tính hiệu lực cao của pháp luật. Từ đó, người vi phạm mới “tâm phục, khẩu phục”. Nếu phát hiện sai thì phải sửa. Như vậy thì quyết định của các cơ quan có thẩm quyền mới thực sự có giá trị pháp lý, giá trị nhân văn trong cuộc sống.

Luật sư PHẠM HOÀI NAM, Hãng luật Bến Nghé Sài Gòn:

Nhận định sai

Việc Công an quận Tây Hồ kết luận nhà báo Quang Thế có hành vi vi phạmvào khu vực cấm, nơi tiến hành hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước là sai, vì căn cứ Quyết định 160/2004 của Thủ tướng Chính phủ thì cầu Nhật Tân không thuộc danh mục khu vực cấm và bí mật nhà nước,hiện trường vụ án cũng không phải là bí mật nhà nước ngoại trừ các vụ án liên quan tới an ninh quốc gia. Mặt khác, theo quy định tại điều 9 Luật Báo chí 2016 quy định, các trường hợp cấm phóng viên, nhà báo tác nghiệpcũng không quy định cấm việc chụp ảnh và đưa tin về vụ án.

Luật sư TRẦN THỊ ÁNH, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương - Đoàn Luật sư TP HCM:

Không thể là “bí mật nhà nước”

Theo tôi, việc Công an quận Tây Hồ xử phạt nhà báo Quang Thế là hết sức vô lý. Bởi lẽ, đối với hành vi vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước và chụp ảnh nơi khu vực cấm, theo Quyết định số 160/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì phải có cắm biển “khu vực cấm, địa điểm cấm”. Hiện trường tại cầu Nhật Tân không thể là “bí mật nhà nước” và “khu vực cấm”. Đối với hành vi có lời nói lăng mạngười thi hành công vụ và lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức cá nhân thì cơ quan chức năng phải chứng minh được hành vi này. Đối với việc đậu xe trên cầu là để phục vụ tác nghiệp không thuộc trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Vì vậy, không thể xử phạt về hành vi “Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông”.

Cũng cần nói thêm là các hành vi mà Công an quận Tây Hồ xử phạt nhà báo Quang Thế như đã nêu trên nếu không có lập biên bản là trái với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Luật sư TRẦN ĐÌNH DŨNG, Trung tâm Tư vấn pháp luật TP Hồ Chí Minh – Trung ương Hội Luật gia Việt Nam:

Quá nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật

Công an quận Tây Hồ đã áp dụng quy định tại điểm đ khoản 1 điều 18 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ để xử phạt nhà báo Quang Thế. Theo đó, hành vi của nhà báo này được xác định “vào khu vực cấm, địa điểm cấm, nơi bảo quản, lưu giữ, nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép”, thuộc điều khoản về “Vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước”. Cần lưu ý khi áp dụng điều khoản này là phải xem xét địa điểm nơi nhà báo xâm phạm có phải bí mật nhà nước hay không?. Bí mật nhà nước theo qui định tại Pháp lệnh Về bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000 là phải được Thủ tướng Chính phủ hoặc bộ trưởng ban hành danh mục bí mật nhà nước. Đối với khu vực, địa điểm bí mật nhà nước thì Nghị định 33/2002/NĐ-CP ngày 28-3- 2002 của Chính phủ hướng dẫn rất rõ (điều 13) về khu vực, địa điểm thuộc phạm vi bí mật nhà nước như sau: “Những khu vực, địa điểm được xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải đánh số, đặt bí số, bí danh, ký hiệu mật hoặc cắm biển cấm và thực hiện đầy đủ chế độ quản lý, bảo mật theo quy định của nghị định này”. Như vậy, những địa điểm, khu vực không có biển cắm, bí số như hiện trường vụ việc không thể thuộc bí mật nhà nước. Hay nói cách khác, không thể dùng điều 18 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP để xử phạt người xâm phạm hiện trường vụ việc chưa khởi tố thành vụ án. Như vậy, rõ ràng việc áp dụng điều khoản luật nói trên để xử phạt hành chính nhà báo Quang Thế là quá nhầm lẫn.

Hiện trường không có biển thông báo cấm chụp ảnh

Sáng 23-9, nhà báo Quang Thế đến khu vực cầu Nhật Tân (Hà Nội) tìm hiểu vụ việc một tài xế taxi tử vong bên dưới chân cầu. Khi đến nơi, nhà báo Quang Thế không thấy có biển thông báo cấm chụp ảnh, ghi hình, lực lượng chức năng cũng không căng dây bảo vệ hiện trường. Rất nhiều người dân hiếu kỳ đứng trên cầu tìm hiểu, dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh vụ việc. Khi nhà báo Quang Thế đưa máy ảnh ra chụp thì một chiến sĩ công an nói không được chụp. Nhà báo Quang Thế trình giấy tờ liên quan chứng minh mình đang đi tác nghiệp. Sau đó, anh đi ra cách xa hiện trường khoảng 30 m và chụp ảnh thì bị một nhóm người, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Đông Anh mặc thường phục lao vào cản trở và hành hung.

BTC.

Luật sư TRẦN BÁ HỌC, Đoàn Luật sư TP HCM:

Khi nào được xem là bí mật?

Bí mật của nhà nước là những tin tức về vụ việc, tài liệu, địa điểm, vật, lời nói có nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ hoặc các lĩnh vực khác mà nhà nước chưa công bố hoặc không công bố. Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan có thông tin được xem là bí mật khác nhau và những thông tin bí mật đó phải được Thủ tướng Chính phủ công bố bằng danh mục và thường được xác định với 3 độ mật khác nhau, gồm: tuyệt mật, tối mật và mật.

Hiện nay, theo quy định tại điều 2 Quyết định số 13/2010/QĐ-TTg ngày 12-2-2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về Danh mục bí mật nhà nước, thì “Hoạt động nghiệp vụ của các đơn vị nghiệp vụ thuộc lực lượng Công an Nhân dân là bí mật thuộc độ tối mật”. Hoạt động bảo vệ hiện trường, khám nghiệm hiện trường chính là hoạt động nghiệp vụ, thuộc Danh mục bí mật nhà nước.

Điều 7 Luật Báo chí quy định: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”.

Hiện trường vụ án sẽ được xác định ranh giới bằng cách rào chắn, giăng dây hoặc canh giữ để tránh người không có nhiệm vụ xâm nhập. Nếu lực lượng công an chấp thuận thì phóng viên có thể vào bên trong hiện trường để tác nghiệp.

Nếu nhà báo Quang Thế xâm nhập vào bên trong hiện trường vụ án đã được bảo vệ và không được sự cho phép của lực lượng công an thì mới xem là trái quy định. Ngược lại, các phóng viên có quyền đứng bên ngoài rào chắn bảo vệ hiện trường để chụp ảnh, tác nghiệp, lấy tư liệu. Điều này luật không cấm.

Báo chí có quyền tác nghiệp và cung cấp thông tin theo các nguồn mình thu thập được và chịu trách nhiệm về nội dung này.

Đức Ngọc - Lương Duy - Công Tuấn/ nld.com.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh