THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:44

KOICA và UNFPA:

Cam kết tiếp tục thực hiện mục tiêu “Không còn bạo lực giới và các hành vi có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái”

Lễ ký kết được diễn ra vào ngày 15/7.

Lễ ký kết được diễn ra vào ngày 15/7.

Ngày 15/7, KOICA và UNFPA đã cam kết triển khai các hoạt động thuộc “giai đoạn chuyển tiếp” nhằm đảm bảo tính bền vững của mô hình sáng tạo - Trung tâm Dịch vụ Một cửa, hay thường được biết đến với tên gọi “Ngôi nhà Ánh Dương” tại Việt Nam. Đây là mô hình được xây dựng lần đầu tiên vào tháng 4/2020 trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam” giai đoạn 2017 - 2021 do KOICA tài trợ với tổng kinh phí 2,5 triệu USD.

Tại lễ ký kết, Giám đốc Văn phòng KOICA tại Việt Nam Cho Han Deog và Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara đã ký kết thỏa thuận tài trợ 250.000 USD từ KOICA dành cho UNFPA với mục đích tiếp tục hỗ trợ Ngôi nhà Ánh Dương cũng như đường dây nóng dành cho các nạn nhân của bạo lực, đồng thời tổ chức các hoạt động truyền thông tiếp cận cộng đồng, vận động duy trì và nhân rộng mô hình tại các địa phương khác.

Thỏa thuận tài trợ cho giai đoạn chuyển tiếp sẽ có hiệu lực đến hết tháng 6/2023, trước khi một dự án mới lớn hơn được triển khai theo dự kiến.

UNFPA sẽ phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH cũng như tỉnh Quảng Ninh để triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo liên tục cung cấp các dịch vụ tổng hợp thiết yếu cho nạn nhân của bạo lực giới (BLG).

Phát biểu tại lễ ký kết, Giám đốc Văn phòng KOICA tại Việt Nam Cho Han Deog nhấn mạnh, trong chuyến thăm gần đây đến Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh, ông đã quan sát thấy hiệu quả hoạt động của Ngôi nhà trong việc hỗ trợ và giúp đỡ phụ nữ và trẻ em gái thuộc nhóm yếu thế.

 “KOICA quyết định tiếp tục tài trợ Ngôi nhà Ánh Dương tại tỉnh Quảng Ninh do mô hình này đã đóng góp đáng kể vào nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương tỉnh trong việc chấm dứt bạo lực giới và bạo lực gia đình. Chúng tôi mong muốn mô hình sẽ được nhân rộng tại các địa phương khác. KOICA không khoan nhượng và kiên quyết nói KHÔNG với mọi hình thức bạo lực giới (BLG)” – ông Cho Han Deog cho biết.

Tại lễ ký kết, bà Naomi Kitahara đã gửi lời cảm ơn đặc biệt tới KOICA và ông Cho Han Deog về những hỗ trợ dành cho Ngôi nhà Ánh Dương. Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara khẳng định: “Lễ ký kết thỏa thuận tài trợ ngày hôm nay cho thấy KOICA đã luôn tin tưởng vào khả năng của UNFPA. UNFPA sẽ sử dụng gói tài trợ lần này của KOICA một cách hiệu quả. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác tại Việt Nam để triển khai các hoạt động trong giai đoạn chuyển tiếp trong khuôn khổ dự án “Xây dựng mô hình phòng chống với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam” trên toàn quốc và tại tỉnh Quảng Ninh. Mục tiêu “Không còn bạo lực giới và các hành vi có hại” là một trong ba trụ cột chính trong Kế hoạch Chiến lược mới của UNFPA giai đoạn 2022-2025 và là ưu tiên trong chương trình quốc gia mới của UNFPA Việt Nam giai đoạn 2022-2026. UNFPA sẽ tăng cường các nỗ lực nhằm chấm dứt bạo lực giới và các hành vi có hại tại Việt Nam”.

Hai bên cùng cam kết tiếp tục thực hiện mục tiêu “Không còn bạo lực giới và các hành vi có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

Hai bên cùng cam kết tiếp tục thực hiện mục tiêu “Không còn bạo lực giới và các hành vi có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

Bạo lực giới là một biểu hiện của bất bình đẳng giới đã “ăn sâu bám rễ” tại Việt Nam. Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy gần 2 trong số 3 phụ nữ Việt Nam (62,9%) đã trải qua ít nhất một trong các hình thức bạo lực về thể chất, bạo lực tình dục, bạo lực tâm lý và hoặc bạo lực kinh tế trong cuộc đời. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ vẫn là vấn đề bị dấu kính trong xã hội Việt Nam vì hơn 90% phụ nữ từng bị bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ các dịch vụ công và một nửa trong số họ chưa bao giờ nói với ai khác về điều đó. Và cái giá phải trả là 1,81% GDP của Việt Nam, một con số đáng kể.

Trong “giai đoạn chuyển tiếp”, được triển khai đến hết tháng 6/2023, 8 khóa đào tạo sẽ được tổ chức dành cho cán bộ quản lý và các nhân viên cung cấp dịch vụ tại tỉnh Quảng Ninh cũng như các địa phương dự kiến thành lập thêm Trung tâm Dịch vụ Một cửa.

Hai hội thảo vận động chính sách sẽ được tổ chức dành cho các nhà hoạch định chính sách của tỉnh Quảng Ninh cũng như ở cấp trung ương nhằm vận động phân bổ ngân sách cho việc duy trì và nhân rộng mô hình Trung tâm Dịch vụ Một cửa. Ngoài ra còn có 5 sự kiện truyền thông sáng tạo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về hành vi bạo lực đối phụ nữ và trẻ em gái và phổ biến thông tin về đường dây nóng của Ngôi nhà Ánh Dương.

Mô hình Ngôi nhà Ánh Dương chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2020, cung cấp các dịch vụ đa dạng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, dịch vụ xã hội, nhà tạm lánh, bảo vệ từ công an, dịch vụ pháp lý, tư pháp và chuyển tuyến cho nhiều nạn nhân của bạo lực giới (BLG), không chỉ ở tỉnh Quảng Ninh mà còn tại 20 thành phố và tỉnh thành khác trên khắp cả nước.

Các dịch vụ đường dây nóng hoạt động miễn phí 24/7, trong hơn 2 năm qua đã tiếp nhận hơn 15.300 cuộc gọi trợ giúp. Phần lớn nạn nhân của bạo lực từng gọi đến đường dây nóng là phụ nữ (chiếm 93,6%) và hầu hết nạn nhân của BLG đều ở độ tuổi 16 - 59. Tỷ lệ trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi từng gọi đến đường dây nóng chiếm 10%. Khoảng 20% các cuộc gọi đến từ tỉnh Quảng Ninh và 80% từ các tỉnh khác.

Ngoài ra, gần 500 nhân viên cung cấp dịch vụ thuộc ngành công an, tư pháp, y tế và công tác xã hội cấp tỉnh và cấp cơ sở tại tỉnh Quảng Ninh đã được tập huấn cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân của BLG. Với hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA, Ngôi nhà Ánh Dương đã được nhân rộng tại Thanh Hóa, TP HCM và Đà Nẵng.

 

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh