Cấm hay không cấm, tôi vẫn chụp ảnh khoả thân
- Văn hóa - Giải trí
- 20:53 - 22/04/2016
Nhằm phổ biến rõ hơn về Thông tư 01 hướng dẫn thực hiện Nghị định 15 (thay thế Nghị định 79) về quản lý biểu diễn nghệ thuật), sáng 20/4, Bộ VHTT&DL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Dù nhiều ý kiến của người mẫu, nhiếp ảnh gia và cả các nhạc sĩ về những điểm bất cập trong thông tư này nhưng thông tư vẫn được đưa ra làm chuẩn để các đơn vị thực hiện.
Có nghĩa là, quy định về việc chụp ảnh, ghi hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông kể cả trên trang cá nhân vẫn sẽ bị cấm. Nếu có muốn đăng, nó phải là bức ảnh nghệ thuật. Thế nhưng, lâu nay, lằn ranh giữa ảnh nghệ thuật và phi nghệ thuật, ảnh khiêu dâm lại vô cùng mong manh. Mong manh tới độ nhiều bức ảnh phải lập cả một hội đồng xem xét, tranh cãi cuối cùng, phe cho là nghệ thuật vẫn giữ quan điểm và phe cho là khiêu dâm cũng quyết không thay đổi ý kiến.
Các bức ảnh nude chủ yếu vẫn chỉ được các nghệ sĩ đăng lên trang cá nhân.
Thế nên, khi cuộc họp kết thúc, thông tư 01 này được cơ quan chức năng quyết không sửa và thêm bớt gì thì với các nghệ sĩ nhiếp ảnh, họ cũng không còn quan tâm và cho rằng, thông tư chẳng khác gì ‘đá ném ao bèo’, có hay không cũng không còn quan trọng với họ.
Tôi cáu hộ anh em đồng nghiệp
Nhiếp ảnh gia Dũng Art chia sẻ cá nhân anh thì không có gì thay đổi cả, có thông tư hay không không quan trọng, anh nhìn phụ nữ khác, không hẳn nude mới là đẹp nhưng anh bức xúc hộ bạn bè đồng nghiệp của anh.
“Tôi thấy thông tư hướng dẫn này xâm phạm quyền riêng tư của người ta, cả quyền cô người mẫu và cả quyền người chụp, thậm chí cả người xem luôn. Người ta có quyền chụp như vậy, quyền đó ở mức như thế nào để người ta giữ danh tiếng của người ta, cá nhân người ta. Tôi cáu hội anh em đồng nghiệp”, nhiếp ảnh gia Dũng Art chia sẻ.
Chia sẻ về việc sau khi thông tư này có hiệu lực bắt đầu từ 15/5, các nhiếp ảnh gia phải làm thế nào khi mà các kênh để truyền tải ảnh nude tới người yêu mến nó bị ‘cắt đứt’, nhiếp ảnh gia Dũng Art cho rằng, trước khi đăng lên trang cá nhân hay trang mạng, anh chắc phải nhìn trước nhìn sau, mà cả trước khi chụp cũng cần phải làm bước kiểm tra xem cô này có danh hiệu gì chưa, cô đã dấn thân và có tên tuổi trong showbiz chưa...
“Rồi lọc đi lọc lại, những thứ mình thích thì lại chẳng công bố được nữa, nghệ thuật từ đó cất vào trong ngăn kéo và không bao giờ ra ngoài được nữa, cái đẹp không được thể hiện ra ngoài. Mà tôi nói thật, lâu nay, kể cả không phải là người đẹp có tiếng thì người đẹp vô danh lâu nay cũng vậy thôi. Ảnh chụp rồi cũng có được phổ biến đâu. Tôi cũng đã từng nói rồi, ảnh nude lâu nay vẫn ở trong bóng tối, giờ có tối thêm tí cũng chả sao”, nhiếp ảnh gia Dũng Art chia sẻ.
Cũng theo nhiếp ảnh gia Dũng Art, tốt nhất là nên bỏ quy định cấm này đi, bởi lâu nay ảnh nude đã bị bó hẹp lắm rồi, không được bày triển lãm, có thêm cái đó cũng chả có ý nghĩa gì, hiện nay ảnh nude dù là nghệ thuật cũng đang dấm dúi. “Cứ nói là ảnh nude nghệ thuật thì sẽ được cấp phép triển lãm nhưng tôi làm trong nghề tôi biết, nó muôn đời không được ra ánh sáng, bằng cách này hay cách khác luôn bị ngăn cản. Tôi thì biết vậy nên không bao giờ mảng tác phẩm đi xin phép, toàn đưa truyền tay bạn bè xem. Vậy thôi. Cho nên thông tư này, chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả”.
Thông tư như đá ném ao bèo
Đồng tình với quan điểm của Dũng Art, nhiếp ảnh gia Thái Phiên cho rằng, nói tới chụp ảnh khoả thân thì có khoả thân nghệ thuật và khoả thân phi nghệ thuật. Nếu đã là khoả thân phi nghệ thuật thì bất cứ ai cũng cấm chứ không riêng người mẫu, người đẹp. Còn khi khoả thân nghệ thuật thì tại sao lại cấm. “Vấn đề ở đây là nhà quản lý văn hoá chưa phân biệt được khoả thân nghệ thuật hay là phi nghệ thuật. Quyền thích chụp ảnh là quyền cá nhân”.
Dưới góc độ là người chụp ảnh khoả thân, nghệ sĩ Thái Phiên cho rằng, nếu anh chụp một cô hoa hậu, chụp cái lưng mà không chụp cái mặt thì liệu có được không, không ảnh hưởng gì tới nhân thân của cô ấy thì có được không? Điều này cần được làm rõ ràng. “Chừng nào, cơ quan quản lý chưa đưa ra được ranh giới thật rõ ràng thì dù có cấm hay không cấm, ảnh khoả thân nghệ thuật cũng vẫn như dòng sông ngầm đã chảy nhiều năm nay, kể từ khi có cái máy ảnh người ta đã chụp ảnh nude và cho tới giờ vẫn vậy thôi”.
Nhiếp ảnh gia Thái Phiên cho rằng, dù văn bản đã ra rồi nhưng nó như viên đá cuội ném vào lòng biển khơi, nó chỉ gợn sóng một chút thôi rồi cũng im lìm, nằm đó mà thôi. “Cấm hay không cấm, tôi vẫn tiếp tục sáng tác. Nghệ thuật không phụ thuộc vào không gian thời gian, địa lý”, nghệ sĩ Thái Phiên bày tỏ.