CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:10

Cải thiện và nâng lên một bước đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chỉ đạo và chủ trì hội thảo. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tham luận "Về định hướng trong Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025".

Cải thiện và nâng lên một bước đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chỉ đạo và chủ trì hội thảo

Phát biểu khai mạc tai hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị quan trọng này. "Đây là sự chủ động phối hợp của Hội đồng Dân tộc với Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và tỉnh Đắk Lắk để triển khai Nghị quyết số 88 của Quốc hội và Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".

"Để đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên và Tây duyên hải miền Trung phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, hôm nay, chúng ta có Hội nghị quan trọng này là rất cần, rất kịp thời triển khai Nghị quyết của Quốc hội, cũng là trực tiếp triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Đảng về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và Tây duyên hải miền Trung"-Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Cải thiện và nâng lên một bước đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tham luận "Về định hướng trong Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025".

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã phát biểu tham luận "Về định hướng trong Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025". Bộ trưởng đánh giá cao thành tựu của Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn 2,75% cuối năm 2020, bình quân giảm 1,43%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1-1,5%/năm.

Đối với 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên: Tỷ lệ giảm nghèo ở đã giảm từ 17,4% (đầu kỳ năm 2015) xuống còn dưới 7% (cuối kỳ năm 2020), bình quân giảm 2,16%/năm, giảm cao hơn bình quân chung của cả nước (từ 1-1,5%). Đối với 8 tỉnh khu vực duyên hải miền Trung: Tỷ lệ giảm nghèo ở đã giảm từ 11,93% (đầu kỳ năm 2015) xuống còn dưới 4% (cuối kỳ năm 2020), bình quân giảm 1,59%/năm, giảm cao hơn bình quân chung của cả nước (từ 1-1,5%). Riêng tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã giảm từ 18,6% đầu năm 2016 xuống còn dưới 5% cuối năm 2020, bình quân giảm gần 3%/năm đạt mục tiêu đề ra. Một số tỉnh như Quảng Ngãi, Bình Định có tỷ lệ giảm nghèo bình quân cao hơn, khoảng 4%/năm ở các xã đặc biệt khó khăn.

Cải thiện và nâng lên một bước đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc - Ảnh 3.

Tặng quà cho 15 tỉnh Duyên Hải Miền Trung và Tây Nguyên

Bộ trưởng cho biết, đến nay, cả nước có 124/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt tỷ lệ 42,5% (vượt 12,5% so với chỉ tiêu đề ra là 30%), có 32 huyện nghèo 30A thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (đạt chỉ tiêu đề ra là 50%). Khu vực duyên hải miền Trung có 28/64 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (chiếm 22,6%); huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Thu nhập bình quân của người nghèo tăng hơn 2 lần giai đoạn 2016 - 2020. Người nghèo có khả năng lao động được hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với nhu cầu. Đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, nâng lên rõ rệt.

"Thủ tướng Chính phủ đã phát động Phong trào thi đua: "Cả nước chung tay vì người nghèo – Không ai bị bỏ lại phía sau". Các cấp, các ngành, người dân và đặc biệt là người nghèo đã nỗ lực, thi đua; phong trào thoát nghèo đã được nhiều người nghèo thực hiện trên phạm vi cả nước, nhiều tấm gương, điển hình lan tỏa tích cực trong cộng đồng như: 468 hộ đăng ký thoát nghèo tại huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng; 49 hộ dân ở huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum; có 2.490 hộ đăng ký thoát nghèo ở tỉnh Quảng Nam"-Bộ trưởng chia sẻ.

Cải thiện và nâng lên một bước đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tặng quà cho người có công và bảo trợ xã hội tại Buôn Cư Mblim, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Về nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới, để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong bối cảnh mới, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025Nghị quyết đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bao trùm đến năm 2030. Đối với tỉnh khu vực Tây nguyên, Bộ trưởng đề nghị tập trung tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp xanh, sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm đầu ra sản phẩm nông nghiệp của người dân. Đối với các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung, Bộ trưởng đề nghị tập trung phát triển các hoạt động sản xuất, tạo việc làm, sinh kế tại chỗ nhằm phát huy lợi thế của địa phương (sử dụng kiến thức bản địa, sản phẩm bản địa, sản phẩm có tiềm năng phát triển) và sinh kế từ việc làm phi nông nghiệp có tiền lương, làm thuê; góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Khơi dậy văn hóa vươn lên, văn hóa làm giàu, khát vọng làm giàu, khát vọng sáng tạo trong xã hội. Người dân có tinh thần tự lực, tự cường, chủ động vươn lên "thoát nghèo", xây dựng cuộc sống "ấm no, hạnh phúc".

Cải thiện và nâng lên một bước đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tặng quà cho người có công và bảo trợ xã hội tại Buôn Cư Mblim, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc Hội Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, qua các ý kiến phát biểu và trao đổi trong Hội thảo, các đại biểu đều khẳng định việc Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể và Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 là một quyết định mang tầm vóc và ý nghĩa lịch sử trong lĩnh vực công tác dân tộc, là bước đột phá trong thể chế hóa Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 "Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước".

"Hội thảo thống nhất đánh giá cao thành tựu to lớn đạt được trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong những năm qua, tạo nên sự thay đổi to lớn về diện mạo của vùng nông thôn miền núi; cải thiện và nâng lên một bước đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đồng thời Hội thảo cũng thống nhất chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những khó khăn thách thức đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước nói chung và địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung nói riêng"- Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc Hội Hà Ngọc Chiến kết luận.

Cải thiện và nâng lên một bước đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc - Ảnh 6.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tặng quà cho người có công và bảo trợ xã hội tại Buôn Cư Mblim, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã trao tặng cho 15 tỉnh duyên hải miền Trung và Tây nguyên mỗi tỉnh 400 triệu đồng từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương và Quỹ Bảo trợ trẻ em để các địa phương chăm lo tết cổ truyền Tân Sửu 2021 cho đối tượng chính sách và bảo trợ xã hội. Cũng trong chuyến công tác tại Đắk Lăk, Bộ trưởng cũng đã đến thăm và tặng quà cho người có công và bảo trợ xã hội tại Buôn Cư Mblim, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk nhân dịp đón tết nguyên đán Tân Sửu 2021.

NGỌC MINH- LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh