THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:19

Cải cách, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân

 

Thiết kế xây dựng BHXH đa tầng

Báo cáo trước các thành viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến cuối năm 2017, cả nước có 13,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Trong đó, có khoảng 230.000 doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động. Tuy nhiên, phía cơ quan thuế lại đưa ra con số cả nước có tới 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Từ 2 con số trên cho thấy vẫn còn trên 300.000 DN chưa tham gia BHXH bắt buộc và Bộ LĐ-TB&XH tính toán có khoảng 3 triệu người chưa tham gia BHXH bắt buộc. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin và cho rằng số người tham gia BHXH hiện nay tương đương với số lượng người nhận BHXH một lần, tức là số vào tương đương với số ra.

Từ những bất cập trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng đề án cải cách BHXH trình Trung ương xem xét, quyết định.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày Đề án cải cách BHXH trước Quốc hội


“Đề án cải cách BHXH đã được thai nghén suốt hai năm qua, đến nay, Đề án đã cơ bản hoàn tất với 2 phương án đặt ra: phương án thứ nhất là có thể cải cách về BHXH, phương án thứ hai là sẽ tiếp tục điều chỉnh bổ sung một số vấn đề về BHXH. Tuy nhiên, tinh thần chung là sẽ tập trung mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết và nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu trên thì có mấy vấn đề cần quan tâm:

Thứ nhất là thiết kế xây dựng BHXH đa tầng với 3 tầng chủ yếu: Tầng thứ nhất là tầng an sinh, tức là nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để họ hưởng lương hưu, tầng thứ 2 là BHXH bắt buộc và tầng thứ 3 là bảo hiểm bảo hiểm tự nguyện, người lao động đóng cao hưởng cao.

Thứ hai là sẽ xem xét điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm. “Thực tế hiện nay chúng ta đang quy định 20 năm, có những người đã tham gia 10, 15 năm rồi nhưng không có khả năng theo được thì sẽ rất thiệt thòi. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang tính toán theo lộ trình, trước mắt có thể giảm xuống 15 năm, sau khi áp dụng, một thời gian, chúng ta sẽ xem xét tiếp để tính toán có thể giảm xuống 10 năm. Đương nhiên, anh đóng ít thì phải hưởng ít” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ ba là tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách cũng như tính linh hoạt trong thiện chính sách BHXH.
Thứ tư là cải cách trong thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện nhằm củng cố niềm tin cho người tham gia BHXH.
Thứ năm là đẩy nhanh quá trình dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức để gia tăng số người tham gia BHXH. Theo Bộ trưởng, hiện nay 66% đang nằm ở khu vực phi chính thức mà không giải được bài toán này thì tỷ lệ đặt ra là 50% người lao động tham gia BHXH rất khó thực hiện. "Đến thời điểm này, trên thế giới không có nước nào mà chính sách BHXH lại thông thoáng như Việt Nam. Đó là đóng ít nhưng hưởng nhiều, đóng thời gian ngắn nhưng lại hưởng dài, ngoài hưởng phần mình đóng lại còn hưởng thêm phần do doanh nghiệp đóng và phần nhà nước hỗ trợ. Rồi người lao động đóng BHXH rồi xin rút một lần, đến một thời gian sau có việc mới lại đóng và lại xin rút một lần..." - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Riêng về quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư còn lớn, nội dung chi hiện mới nặng về xử lý hậu quả sau khi thất nghiệp tức là hỗ trợ chi trả trợ cấp chứ chưa chú trọng giải pháp có tính phòng ngừa như hỗ trợ tránh sa thải, duy trì việc làm, tăng cường thu nhập cho người lao động cũng như hỗ trợ họ tìm việc làm. Theo Bộ trưởng, thời gian tới sẽ phải tập trung hơn đến những giải pháp mang tính phòng ngừa.

 

Các đại biểu tham dự phiên họp

 

Điều chỉnh tuổi hưu: Cần có lộ trình để tránh gây sốc

Vấn đề điều chỉnh tuổi hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần phải có lộ trình để không gây sốc cho xã hội. "Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi đề xuất lộ trình thực hiện để không gây sốc đối với người lao động" - Bộ trưởng khẳng định và cho biết, đề án trình hai phương án:

Phương án một: nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, nhưng lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng. 

Phương án hai: nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 nhưng độ tuổi nghỉ hưu của nam được nâng lên 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.

Về vấn đề điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ theo Luật BHXH, Bộ trưởng cho biết, tinh thần là không sửa luật, sẽ tính toán phương án cấp bù để phụ nữ đỡ thiệt thòi và Bộ sẽ trình Chính phủ trong tháng 5 tới.

“Với các phương án trình Trung ương, nếu được đồng ý, phải sửa đổi hệ thống pháp luật hiện hành. Hy vọng với tư duy đổi mới trong thực hiện chính sách BHXH thì độ bao phủ của chính sách này sẽ rộng hơn” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Chưa đặt vấn đề sửa đổi Luật BHXH vào thời điểm hiện nay

Tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, đại diện một số bộ, ngành cũng đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật BHXH năm 2014. Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng không nên đặt vấn đề sửa đổi Luật trong thời điểm hiện nay, nhất là khi Trung ương đang nghiên cứu và dự kiến ban hành nghị quyết có liên quan đến vấn đề này.

Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện Luật, đặc biệt là đối với công tác phát triển đối tượng, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động… và công tác chỉ đạo, điều hành ở các địa phương.

Chính phủ bảo đảm thực hiện đúng phương án đã cam kết về lộ trình chuyển kinh phí từ ngân sách nhà nước hàng năm vào quỹ BHXH để đóng BHXH cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1.1.1995 theo đúng quy định của Luật BHXH và hoàn thành vào năm 2020 theo Nghị quyết số 1083 của UBTVQH. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nghiêm túc thực hiện đầy đủ các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về tình hình quản lý, sử dụng quỹ BHXH và xử lý thu hồi nợ quá hạn đối với các khoản cho vay đầu tư từ kết dư quỹ; khẩn trương ban hành nghị định hướng dẫn việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; sớm ban hành quy định về xử lý tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT tồn đọng kéo dài không còn khả năng trả nợ của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn để kịp thời giải quyết chế độ cho người lao động; nghiên cứu phương án xử lý, điều chỉnh mức tiền lương hưu cho nhóm lao động nữ chịu tác động giảm tỷ lệ hưởng lương hưu do thay đổi công thức tính lương hưu từ ngày 1/1/2018…

 

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh