THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:15

Cải cách chính sách BHXH: Đảm bảo tiến bộ nhất so với các nước trong khu vực

 

Phát biểu khai mạc Chương trình Giao lưu trực tuyến, Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Ban Báo Nhân Dân điện tử nhấn mạnh, thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, ngày càng phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội để phát triển bền vững đất nước.

Đánh giá những điểm mới về tư duy, nhận thức trong cải cách chính sách BHXH, Vụ trưởng Vụ BHXH Phạm Trường Giang cho rằng, Nghị quyết số 28 là tiến bộ nhất so với các nước trong khu vực và đã tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các Công ước và Khuyến nghị của ILO.

Thứ nhất, cải cách chính sách BHXH hướng đến bao phủ toàn dân được nhìn nhận toàn diện từ yếu tố đầu vào: (1) số người tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi (35% năm 2021; 45% năm 2015; 60% năm 2030) cho đến yếu tố đầu ra thể hiện chất lượng an sinh đó là số người sau độ tuổi hưởng lương hưu được hưởng lương hưu (45%; 55%; 60%).

Thứ hai, cải cách chính sách BHXH không chỉ quan tâm đến lao động khu vực chính thức mà còn chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức. Thí dụ: Mục tiêu đến 2025, trong số 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến

Thứ ba, cải cách chính sách BHXH không chỉ quan tâm đến chính sách mà còn chú trọng cả đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách thông qua việc chú trọng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hướng tới sự hài lòng của người tham gia BHXH đạt 80% năm 2021; 85% năm 2025 và 90% năm 2030.

Thứ tư, lần đầu tiên, chúng ta coi phạm vi BHXH không chỉ bao gồm những quan hệ đóng hưởng trực tiếp vào quỹ BHXH mà còn bao gồm cả những quan hệ đóng hưởng gián tiếp vào ngân sách nhà nước. Theo đó, hệ thống BHXH đa tầng, ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng. Bên cạnh đó, Nhà nước còn có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách. Điều này cho thấy Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đến việc đảm bảo an sinh cho người dân thông qua việc hướng tới không có người cao tuổi nào trong xã hội không có lương hưu hoặc từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ BHXH.

Thứ năm, linh hoạt điều kiện tham gia BHXH để hưởng chế độ. Trước đây, tối thiểu phải 20 năm đóng BHXH, người lao động mới có cơ hội được hưởng lương hưu. Chính quy định thời gian dài dẫn đến rất nhiều lao động khu vực trí thức, nông dân khó có điều kiện để chờ đợi được hưởng lương hưu. Lần này, Trung ương đã đưa ra chủ trương sẽ có lộ trình giảm dần từ 20 năm xuống còn 15 năm, thậm chí tiến tới còn 10 năm để bảo đảm người dân có lương hưu hoặc từ ngân sách hoặc từ BHXH để bảo đảm cuộc sống tuổi già.

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ biên tập Đề án cải cách chính sách BHXH, ông Phạm Trường Giang cũng cho biết, khi xây dựng Đề án cải cách chính sách BHXH, Tổ biên tập Đề án cải cách chính sách BHXH đã nghiên cứu rất nhiều bài học cả thành công và chưa thành công của những nước đã tiến hành cải cách chính sách BHXH và rút ra 10 bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Trong số 10 bài học kinh nghiệm đó, chính sách BHXH cần được thiết kế theo hướng đa tầng, hỗ trợ và bổ sung cho nhau để bảo đảm an sinh cho mọi người dân.

Thời gian vừa qua, chính sách BHXH thiếu sự liên kết với các chính sách khác dẫn đến vẫn còn có khoảng 5 triệu người cao tuổi (hơn 60 và dưới 80 mà không thuộc hộ nghèo; không bị khuyết tật) chưa được hưởng trợ cấp hàng tháng dẫn đến tuổi già gặp rất nhiều khó khăn. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã xác định trợ cấp tuổi già (Việt Nam đang áp dụng với người trên 80 tuổi) là tầng lương hưu xã hội trong hệ thống BHXH đa tầng. Chính vì thế, trong cải cách chính sách BHXH lần này, hệ thống BHXH đa tầng được xác định, cụ thể như sau:

Tầng 1: Trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước cung cấp một khoản bảo đảm về thu nhập cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng; có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; có lộ trình mở rộng bao phủ bằng cách điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng lương hưu xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong từng thời kỳ.

Tầng 2: BHXH cơ bản, bao gồm: BHXH bắt buộc (với các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, thất nghiệp) dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động; BHXH tự nguyện (với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay và từng bước mở rộng sang các chế độ khác) dựa trên đóng góp của người lao động không có quan hệ lao động, có sự hỗ trợ thích đáng từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH; từng bước hình thành văn hóa đóng - hưởng để tự bảo đảm an sinh cho bản thân.

Tầng 3: Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Như vậy, khi thực hiện hệ thống BHXH đa tầng sẽ giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH một cách toàn diện, đầy đủ các chế độ và tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu hoặc từ ngân sách nhà nước, hoặc từ quỹ BHXH, không có người cao tuổi nào bị bỏ rơi lại phía sau.

Đồng quan điểm với Vụ trưởng Vụ BHXH Phạm Trường Giang, TS. Bùi Sỹ Lợi khẳng định, Nghị quyết 28/NQ-TW của Đảng, thể hiện tư tưởng, quan điểm của Đảng và Nhà nước về việc làm sao để người dân khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn đều được bao phủ bởi chính sách an sinh xã hội. Ý nghĩa quan trọng nhất của Nghị quyết 28 chính là ở hệ thống an sinh xã hội đa tầng, mà trong đó, tầng đầu tiên về chính sách hỗ trợ của Nhà nước bảo đảm không có người dân nào rơi xuống dưới sàn an sinh xã hội và trong mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, không để ai rớt lại phía sau.

Thứ hai, BHXH cơ bản (bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện) không chỉ bao phủ trong khu vực có quan hệ lao động, khu vực nhà nước mà cả khu phi chính thức, nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Thứ ba, BHXH cũng quan tâm đến đối tượng hưu trí bổ sung, người nào có điều kiện thì nâng đóng góp trước để nâng mức hưởng thụ khi hết tuổi lao động.

Nghị quyết 28 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với người dân để chúng ta bảo đảm một Nhà nước, một dân tộc phát triển không chỉ mạnh, bền vững mà còn bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

TS. Bùi Sỹ Lợi cũng đánh giá cao công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân hiểu được bản chất của chính sách an sinh xã hội thông qua chương trình giao lưu trực tuyến do báo Nhân dân phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức. “Truyền thông đem lại ý nghĩa hết sức quan trọng để mọi người dân tuân thủ pháp luật. Đây chính là quyền, nghĩa vụ chính đáng của người dân để ai cũng được hưởng chính sách BHXH đầy đủ nhất” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh.

Về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc giao chỉ tiêu là thực hiện theo quy định của pháp luật, nên chính quyền các cấp phải thực hiện để đảm bảo ASXH. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là tính tuân thủ pháp luật, cụ thể là các giải pháp để thực hiện việc này như thế nào... "Qua giám sát tại các địa phương, tôi thấy Chính phủ giao hoặc một số HĐND địa phương giao, nhưng không ai kiểm tra, không ai giám sát, không ai thúc đẩy - đây là vấn đề mà chúng ta phải điểu chỉnh ngay trong giám sát. Vì vậy, phải làm chuyển biến nhận thức của NLĐ, người dân, coi đây là quyền và nghĩa vụ của NLĐ. Song, quan trọng là phải bảo đảm bù đắp hao phí sức lao động khi NLĐ về già, phải làm chuyển biến suy nghĩ NLĐ" - TS. Lợi chia sẻ.

VŨ MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh