THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:41

Cải cách chính sách BHXH: Đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân

Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Trường Giang nhấn mạnh, cải cách chính sách BHXH đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân

 

Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại

 * PV: Nghị quyết số 28-NQ/TW ban hành ngày 23/5/2018 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH được nhiều chuyên gia đánh giá là có rất nhiều điểm mới về tư duy nhận thức trong cải cách chính sách BHXH. Ông có thể cho biết những điểm lớn này?

 - Vụ trưởng Vụ BHXH Phạm Trường Giang: Không chỉ các chuyên gia trong nước, ngay các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đánh giá các nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) được Trung ương thông qua tại Nghị quyết số 28-NQ/TW là tiến bộ nhất so với các nước trong khu vực và đã tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các Công ước và Khuyến nghị của ILO.

Những điểm mới về tư duy nhận thức trong cải cách chính sách BHXH thể hiện toàn diện trong quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nội dung cải cách, các nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể: Thứ nhất, Cải cách chính sách BHXH hướng đến bao phủ toàn dân được nhìn nhận toàn diện từ yếu tố đầu vào: số người tham gia BHXH so với lực lượng LĐ trong độ tuổi (35% năm 2021; 45% năm 2015; 60% năm 2030) cho đến yếu tố đầu ra thể hiện chất lượng an sinh đó là số người sau độ tuổi hưởng lương hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội (tương ứng là 45%; 55%; 60%).

Thứ hai, Cải cách chính sách BHXH không chỉ quan tâm đến LĐ khu vực chính thức mà còn chú trọng đến LĐ là nông dân, LĐ khu vực phi chính thức. Thứ ba, Cải cách chính sách BHXH không chỉ quan tâm đến chính sách mà còn chú trọng cả đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách thông qua việc chú trọng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hướng tới sự hài lòng của người tham gia BHXH đạt 80% năm 2021; 85% năm 2025 và 90% năm 2030. Thứ tư, Lần đầu tiên, chúng ta coi phạm vi BHXH không chỉ bao gồm những quan hệ đóng hưởng trực tiếp vào quỹ BHXH mà còn bao gồm cả những quan hệ đóng hưởng gián tiếp vào ngân sách nhà nước. Theo đó, hệ thống BHXH đa tầng với tầng trợ cấp hưu trí xã hội, ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng. Bên cạnh đó, nhà nước còn có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách. Điều này cho thấy Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đến việc đảm bảo an sinh cho người dân thông qua việc hướng tới không có người cao tuổi nào trong xã hội không có lương hưu hoặc từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ BHXH. Thứ năm, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội không chỉ chú trọng đến việc chi trả trợ cấp khi xảy ra rủi ro trong quá trình lao động mà còn chú trọng đến khâu chủ động phòng ngừa thông qua cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp để bảo hiểm thất nghiệp thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động.

*Về việc xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Khi xây dựng Đề án cải cách chính sách BHXH, Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghiên cứu rất nhiều bài học cả thành công và chưa thành công của những nước đã tiến hành cải cách chính sách BHXH và đã rút ra 10 bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Trong số 10 bài học kinh nghiệm đó: Chính sách BHXH cần được thiết kế theo hướng đa tầng, hỗ trợ và bổ sung cho nhau để bảo đảm an sinh cho mọi người dân.

Thời gian vừa qua, chính sách BHXH thiếu sự liên kết với các chính sách khác dẫn đến vẫn còn có khoảng 5 triệu người cao tuổi (trên 60 và dưới 80 tuổi mà không thuộc hộ nghèo; không bị khuyết tật) chưa được hưởng trợ cấp hàng tháng dẫn đến tuổi già gặp rất nhiều khó khăn. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã xác định trợ cấp tuổi già (Việt Nam đang áp dụng với người trên 80 tuổi) là tầng lương hưu xã hội (trợ cấp hưu trí xã hội) trong hệ thống BHXH đa tầng. Chính vì thế, trong cải cách chính sách BHXH lần này, hệ thống BHXH đa tầng được xác định:

Tầng 1: Trợ cấp hưu trí xã hội

Tầng 2: BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện gồm: BHXH bắt buộc (với các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, thất nghiệp) dựa trên đóng góp của NLĐ và người sử dụng LĐ. BHXH tự nguyện (với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay và từng bước mở rộng sang các chế độ khác) dựa trên đóng góp của NLĐ không có quan hệ LĐ, có sự hỗ trợ thích đáng từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, LĐ khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH; từng bước hình thành văn hóa đóng - hưởng để tự bảo đảm an sinh cho bản thân.

Tầng 3: Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng LĐ và NLĐ có thêm lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Như vậy, khi thực hiện hệ thống BHXH đa tầng sẽ giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH một cách toàn diện, đầy đủ các chế độ và tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu hoặc từ ngân sách nhà nước, hoặc từ quỹ BHXH, không có người cao tuổi nào bị bỏ rơi lại phía sau.

Mở rộng thêm nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

* Nghị quyết số 28-NQ/TW đề nghị rà soát, mở rộng thêm nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Vậy số đối tượng tham gia là bao nhiêu và quy định này liệu có khả thi trong thực tế, thưa ông?

- Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, căn cứ quy định đóng Bảo hiểm xã hội dựa trên Hợp đồng LĐ đó là tiền lương, do đó có một nhóm LĐ như chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, LĐ linh hoạt, không được hưởng tiền lương, tiền công không thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo thống kê năm 2018, chủ hộ kinh doanh cá thể có khoảng ba triệu hộ có đăng ký kinh doanh, nếu chúng ta đưa nhóm này vào đối tượng đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ gia tăng độ bao phủ của Bảo hiểm xã hội.

Đặc biệt đây là nhóm đối tượng có khả năng và có nhu cầu rất lớn tham gia đóng BHXH bắt buộc. Trong thời gian vừa qua khi triển khai đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc, cơ quan BHXH đã nhận được rất nhiều yêu cầu tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc của nhóm đối tượng này.

* Bộ LĐ-TB&XH đã và đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ông có thể cho biết rõ hơn?

- Ngay sau khi Nghị quyết số 28-NQ/TW ban hành ngày 23/5/2018, thực hiện sự phân công của Trung ương, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã quán triệt nội dung cải cách chính sách BHXH tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc.

Trong năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư và các bộ, ngành, địa phương tổ chức 10 hội nghị quán triệt về các nội dung cải cách, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 28-NQ/TW.

 

Ảnh minh họa

 

Thực hiện Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ đã ban hành chương trình hành động triển khai Nghị quyết 28-NQ/TW với 26 nhiệm vụ, đề án. Trong đó, nhiệm vụ thứ nhất là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức với bốn nhiệm vụ. Chính phủ giao cho Bộ LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền phổ biến chính sách BHXH thời gian tới. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng rất trăn trở về việc sau 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, mới có hơn 200 nghìn người tham gia. Đây là một chính sách rất nhân văn nhưng nguồn nhân lực của cả ngành LĐ, thương binh và xã hội và ngành BHXH đều hạn chế. Do đó, vào tháng 8/2018, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam và các địa phương triển khai. Chỉ trong ba thángđã triển khai được 1.000 hội nghị đối thoại trong toàn quốc đến tận xã, phường, thị trấn, tổ dân phố... và kết quả ngay lập tức đã phát triển tăng mới được gần 30 nghìn người tham gia. Đây là thành tựu thực sự ấn tượng, khẳng định hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng. Xin nhấn mạnh công tác tuyên truyền cực kỳ quan trọng cần phải được tăng cường trên cơ sở đổi mới cả về nội dung và hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng để đạt được hiệu quả cao nhất, đặc biệt là đối với BHXH tự nguyện.

Thứ hai, Chính phủ giao cho các bộ ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống pháp luậtviệc làm, BHXH, bao gồm 8 nhiệm vụ. Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH chủ trì nghiên cứu, đánh giá sau một năm thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ tham gia BHXH tự nguyện. Chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tham gia BHXH tự nguyện được thực hiện từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, sau 01 năm thực hiện chính sách hỗ trợ, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện phát triển tăng thêm không nhiều. Bây giờ, chúng ta cũng cần đánh giá toàn diện việc hỗ trợ đã phù hợp với đối tượng hay chưa, mức hỗ trợ thế nào và phương thức hỗ trợ đã phù hợp với nhóm đối tượng chưa. Trên cơ sở đó, Bộ phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ đề xuất các giải pháp trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả hơn nữa trong việc gia tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội.

Nhóm giải pháp thứ ba là, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH có sáu nhiệm vụ, Trong đó, một trong những nội dung là Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đề án về phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và quản trị tổ chức bộ máy thực hiện để nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý nhà nước về BHXH trong thời gian tới. Nhóm nội dung thứ tư là nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó, nhiệm vụ rất lớn là giao cho ngành BHXH chủ trì đề án nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương khóa XII Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nhóm giải pháp thứ năm là hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH. Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành  đàm phán, ký kết các hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội; xây dựng kế hoạch phê chuẩn một số công ước và khuyến nghị của Tổ chức lao động quốc tế về bảo hiểm xã hội.

Như vậy, có thể thấy ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 28-NQ/TW, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, khẩn trương chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để triển khai một cách đồng bộ, toàn diện các nội dung của Nghị quyết. Việc Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 về giao chỉ tiêu phát triển BHXH cho địa phương có thể được coi là hoạt động đầu tiên thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết 28-NQ/TW.

 Thể chế hóa các nội dung cải cách bảo hiểm xã hội là nhiệm vụ rất quan trọng, rất cần sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, các cấp, sự đồng thuận của nhân dân để thực hiện thắng lợi, hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương..

THANH HUYỀN (Thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh