Bảo vệ sức khỏe tim mạch ngày tết
- Sức khỏe
- 21:33 - 24/01/2016
Những ngày trước tết: thời tiết trở lạnh, lại nhiều công việc cần hoàn tất, nhiều khoản tiền bạc cần thanh toán, nhiều tiệc tất niên, tiệc cưới cần tham dự…, khiến cho sức khỏe mỗi người, nhất là sức khỏe tim mạch, gặp nhiều đe dọa.
Đến khi vào tết: vui chơi, tiệc tùng khiến cho mọi sinh hoạt hàng ngày không còn điều độ: chểnh mảng hơn với thuốc men, dễ dãi hơn với ăn uống, lơ là hơn với vận động, mà đây lại là ba yếu tố quan trọng ở người bệnh tim mạch.
Do đó, cần nhắc lại những điều nên quan tâm nhằm đảm bảo sức khỏe tim mạch trong và sau tết, nhất là người tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim.
Trước tiên là thuốc: cần dự trữ thuốc đầy đủ (vì nhà thuốc đóng cửa), mang thuốc theo khi đi chơi hay du lịch và nhớ uống thuốc đều đặn theo toa bác sĩ.
Những ngày tết với các cuộc vui liên tục, bệnh nhân rất dễ bỏ thuốc hoặc quên uống thuốc, đó là do bệnh tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim nhập viện rất nhiều vào các ngày này. Người bệnh nên lắng nghe những biến đổi trong cơ thể mình, người tăng huyết áp đừng quên tự theo dõi trị số huyết áp thường xuyên.
Mâm cỗ ngày tết giàu năng lượng khiến tăng cân, béo phì và nặng hơn sẽ là bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường...
Tiếp theo là ăn, quan trọng vì là ăn tết:
- Với món chiên: nên hạn chế chiên xào và các thực phẩm chế biến sẵn (như khoai tây, mì gói, gà rán…) vì dầu chiên ở nhiệt độ cao sẽ sinh transfat, khiến tăng cholesterol xấu trong máu, gây hại cho tim mạch. Dùng dầu ăn thay vì dùng mỡ động vật. Nên ưu tiên ăn các đồ hấp, đồ luộc.
- Còn món ngọt: bánh mứt, nước ngọt, phổ biến trong ngày tết, cần hạn chế (nhất là khi bệnh tim mạch có đái tháo đường kèm theo). Có thể thay thế bằng các loại bánh quy làm từ ngũ cốc còn nguyên cám.
- Bên cạnh đó là rau quả tươi: ăn trái cây và rau xanh để bổ sung lượng kali thiếu dễ ảnh hưởng tới tăng huyết áp, và rối loạn nhịp tim. Rau quả còn là nguồn vitamin, chất xơ, và là thực phẩm giúp cân đối khẩu phần thức ăn giàu đạm, béo trong những ngày đầu xuân.
Người bình thường có thể dùng 2 - 3 suất trái cây trong ngày (mỗi suất tương đương 1 quả táo, hoặc 3 múi bưởi, hoặc 2 trái mận, hoặc 1 quả cam vừa, hoặc 1 góc dưa hấu…), hoặc đơn giản hơn, là 2 lạng rau, 2 lạng trái cây mỗi ngày. Người đái tháo đường thì không quá 2 suất trái cây mỗi ngày.
- Và các loại hạt: hạt dưa, hạt điều, hạt dẻ, hạt bí, đậu phộng… cung cấp đủ dưỡng chất đường, đạm, béo, vitamin, khoáng chất, chất xơ, tốt cho sức khỏe tim mạch và giảm cân.
- Đặc biệt món mặn: nhất là người tăng huyết áp, suy tim, cần ít muối, không quá 1 muỗng cà phê muối mỗi ngày, trong khi với chế độ ăn hiện tại của chúng ta, đang gấp đôi lượng muối cần. Do vậy, ăn dưa món, kiệu, dưa giá, dưa hành thì nên thay ngâm muối bằng dấm đường. Tôm khô thì nên chọn loại tôm to, ít mặn (khoảng 30 con /100g) và không ăn quá 10 con/ngày. Nên hạn chế các thức ăn chế biến sẵn nhiều muối như: giò chả, patê, lạp xưởng… vốn là lựa chọn tối ưu của nhiều người trong ngày tết nhưng là một sai lầm lớn vì loại thực phẩm này chứa nhiều chất bảo quản, phụ gia, muối, chất béo gây hại, làm tăng nguy cơ bệnh tim và tăng cân. Với các món kho, để không ảnh hưởng khẩu vị vì ăn lạt, chúng ta vẫn ăn các món này giảm nhưng giảm nửa số lượng ăn vào.
Chúng ta quan tâm đến năng lượng: các món ăn truyền thống ngày tết như: bánh chưng, bánh tét, nem, thịt đông, giò, chả, bánh kẹo... đều là những thực phẩm giàu năng lượng.
Đến nhà nào cũng ăn, lúc nào cũng ăn, khiến tăng cân, béo phì và nặng hơn sẽ là bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... Giò thủ có nhiều chất đạm và chất béo bão hòa (gây hại).
Bánh tét, bánh chưng có nếp vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành đường, có đạm động vật( thịt), đạm thực vật(đậu xanh), chất béo, tạo nguồn năng lượng dồi dào( hơn 200kcal/ 100g). Do đó, chỉ nên ăn khoảng 100g bánh tét, bánh chưng kèm rau và trái cây để giảm tốc độ hấp thu đường và chất béo. Ngoài ra, cũng nên tăng phần thủy hải sản thay cho thịt vì ít gây tăng cholesterol. Nồi thịt kho trứng nên kho thêm cá, vì cần giảm thịt và không quá 2 trứng trong tuần, trong khi cá cần hơn 2 lần /tuần; ăn thịt, bỏ da và mỡ. Đồng thời, chọn những món ăn có nhiều rau để tăng chất xơ và giảm năng lượng.
Song song với ăn là uống: người bệnh tim mạch nên hạn chế rượu bia, không nên uống quá 2 lon bia hoặc 1 chai bia 500ml hoặc 1 chung rượu mạnh 50ml mỗi ngày. Tuy nhiên, vài ngụm nhỏ rượu vang lại rất có lợi cho người bệnh tim mạch. Tránh các loại thức uống có ga vì cơ thể có thể hấp thu nhiều đường từ thức uống này. Chúng ta thường nói chung “rượu chè”, do đó ngoài rượu cũng không thể không nói đến chè, những món như: chè hạt sen, trà tim sen, trà xanh, trà đen có tác dụng an thần và nhiều lợi ích khác nữa cho sức khỏe người tăng huyết áp, bệnh tim mạch nói chung. Do xu hướng uống rượu bia, cà phê, nước ngọt... và ăn nhiều hơn bình thường, ta luôn có cảm giác no bụng, không muốn uống nước khiến cơ thể thiếu nước và mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tim mạch, và nhiều cơ quan khác. Vì vậy, nhớ uống ít nhất 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày.
Bên cạnh đó, hút thuốc: nhiều công bố cho thấy thuốc lá được tiêu thụ tăng vọt vào những ngày tết. Hút thuốc lá càng làm tăng nguy cơ tim mạch, tăng đông máu, tăng huyết áp và nhịp tim, thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch tiến triển. Do đó cần giảm thiểu thuốc lá dù lúc đông vui hay chỉ một mình.
Cuối cùng, hoạt động: những ngày tết có thể hoạt động thể lực nhiều hơn những ngày thường do du lịch, thăm viếng, thức khuya, dậy sớm hoặc ngủ nướng, ăn ngủ không điều độ, lại hay dùng chất kích thích như: cà phê, thuốc lá, rượu… khiến cho tình trạng tăng huyết áp, đột quỵ tăng lên. Vui quá hoặc buồn phiền, cãi vã (nhất là các cuộc nhậu) cũng là mối nguy hiểm cho bệnh tim mạch.
Thu xếp nghỉ tối thiểu 30 phút mỗi buổi trưa. Cố gắng duy trì tập thể dục hàng ngày 50 - 60 phút như thường lệ, những ngày trời lạnh nên tập trong nhà để tránh bị cảm. Và làm sao để thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày càng ít càng tốt.