THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:20

Cách sơ cứu người bị say nắng

 

*Triệu chứng của cảm nắng, say nắng

- Trường hợp nhẹ, người bệnh có cảm giác khó thở, mỏi mệt như sắp ngất, mặt đỏ, da khô và nóng, các mạch máu ở cổ, thái dương đập mạnh, các động tác chậm chạp, thiếu chính xác, có thể sốt 38-39 độ C.

- Trường hợp nặng, ngoài những triệu chứng trên, bệnh nhân bị nhức đầu nhiều, chuột rút, đau bụng, nôn mửa, có thể ngất, mê man, ngừng thở, tim đập nhanh… Có những trường hợp bệnh xuất hiện rất đột ngột, người bệnh đang làm việc ngất đi ngã tại chỗ, co giật, mê man… Nhịp thở yếu, nhanh, mạch yếu, khó bắt hoặc không còn. Đây là những trường hợp rất nặng, nếu không được cấp cứu nhanh chóng và có hiệu quả thì rất dễ tử vong.

Cần trang bị đầy đủ quần áo, mũ, kính khi ra nắng

*Nhanh chóng giảm thân nhiệt cho nạn nhân

Nếu gặp một người say nắng, cần chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ

Sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ cơ thể nhiều lần. Nếu nhiệt độ trên 38,5 độ C cần phải cho người bệnh uống thuốc hạ sốt. Do cơ thể mất khá nhiều nước và điện giải, nên cần cho người bệnh uống nhiều nước lọc, nước điện giải hoặc nước hoa quả.

Trường hợp nạn nhân vẫn không hết sốt sau khi thực hiện các biện pháp trên hoặc bị hôn mê không uống được nước, nôn liên tục và sốt tăng cao kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở hoặc bị co giật, ngất lịm thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý, trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

*Một số bài thuốc dân gian đơn giản trị bệnh say nắng

- Khi người bệnh bị cảm nắng lại sốt cao không có mồ hôi thì sử dụng hương nhu 20g, gừng tươi 6g, nước 500ml, đun sôi trong 15 phút, gạn lấy nước uống nóng, còn bã đắp hai bên thái dương và gan bàn chân,, đắp chăn cho ra mồ hôi; vỏ đậu xanh, sắc lấy nước đặc cho uống rất công hiệu. 

- Nếu cảm nắng bị ngất xỉu: Lấy mè đen (vừng đen, hắc chi ma) rang gần cháy, để nguội tán bột, mỗi lần uống 10 – 12g hòa với nước. 

- Bị trúng nắng nhức đầu, xây xẩm mặt mày: Lấy rau má giã vắt nước cốt cho vài hạt muối rồi uống, còn bã đắp thái dương và gan bàn chân. 

- Trường hợp vừa nôn vừa tiêu chảy: Dùng lá sen tươi giã nát vắt nước cốt cho vài hạt muối rồi uống. 

- Các trường hợp say nắng nhẹ: Bí đao 60g, lá sen 1 tàu, gạo tẻ 80g, nấu thành cháo cho ít đường và ăn khi còn ấm, ngày hai lần. Hoặc dùng bột cúc hoa 15g, gạo tẻ 50g, đường vừa đủ nấu gạo thành cháo, rồi cho bột cúc hoa và đường vào đun sôi thêm một lát, ăn nóng. 

Lưu ý: Một điều quan trọng là phải có các biện pháp dự phòng say nắng, say nóng. Đó là không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức. Uống đầy đủ nước khi trời nóng hoặc lao động nặng. Luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính,… Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt là các công xưởng, hầm lò rất có ý nghĩa trong việc phòng chống say nắng, say nóng.

Duy Anh (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh