CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 08:03

Cách phòng các bệnh thường gặp khi chuyển mùa

 

Bệnh hô hấp

ThS BS Hoàng Đình Hữu Hạnh, Trung tâm chăm sóc Hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh cho biết:  Khi thời tiết thay đổi chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa – Đây là thời gian tạo điều kiện cho vi trùng, virus sinh trưởng mạnh, dễ tấn công vào hệ hô hấp của mọi người. Người dân thường sẽ bị cảm sốt, nhức người, ho đàm… hay đối tượng đang có những bệnh mãn tính về hô hấp thì càng dễ bị các bệnh như nhiễm trùng hô hấp trên, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi ở người lớn tuổi.

ThS BS Hoàng Đình Hữu Hạnh

 

Cách phòng tránh các bệnh về Hô hấp trong đầu mùa mưa là có những biện pháp tăng cường hệ miễn dịch như chích ngừa cảm cúm (chích vào tháng 3, tháng 4 để phòng ngừa cảm cúm vào mùa mưa và chích vào tháng 9 hay tháng 10 để phòng ngừa mùa lạnh), chích ngừa viêm phổi, có những khẩu phần ăn phù hợp (vitamin, hoa quả, trái cây, các loại rau xanh, hải sản….). Giữ ấm cơ thể để cơ thể không bị cảm lạnh.  Đối với những loại viêm nặng như viêm phế quản hay viêm phổi thì người bệnh cần phải khám bác sĩ để có chẩn đoán đúng, từ đó sẽ có các loại thuốc phù hợp.

Bệnh ngoài da

  TS BS Lê Thái Vân Thanh, Phòng khám Da liễu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh cho biết:  Dưới tác động của nắng nóng, những chất giúp cho da săn chắc và tươi trẻ như collagen, elastin, acid hyaluronic đều bị phá hủy dẫn đến hiện tượng nhăn nheo da, giảm tiết nhờn, làm da thiếu ẩm... Khi lớp ẩm tự nhiên này bị yếu đi, da dễ bị tấn công tiếp  bởi nắng và những tác hại khác của môi trường. Đồng thời, hệ thống bảo vệ da chống lại vi trùng và chất lạ xâm nhâp bị yếu đi, làm da dễ bị nhiễm trùng hoặc càng hư hại nặng hơn. Vì thế, việc tránh nắng và chống nắng rất cần thiết nhằm giữ gìn cho làn da được khỏe và trẻ lâu hơn.

TS BS Lê Thái Vân Thanh

 

  Để phòng ngừa các bệnh về da liễu nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát mặc loại vải mỏng nhẹ mát, thấm hút mồ hôi, tránh dùng quần áo quá dày, có chất len dạ, ni lông làm cho da dễ bị ngứa... Chú ý khi chúng ta phải làm những công việc ngoài trời hoặc đang dùng thuốc gây tăng sắc tố da thì phải bảo vệ da chống nắng thật hữu hiệu. Còn khi chúng ta thường xuyên làm việc trong môi trường ẩm ướt thì nên thường xuyên thay quần áo… để cho da được khô thoáng. Nếu chẳng may bị xuất hiện bất kỳ tổn thương da khả nghi nào thì nên đến cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị đúng cách.

Bệnh xương khớp

Bệnh thứ ba thường gặp là xương khớp, khi giao mùa thời tiết chuyển lạnh khiến các mạch máu ngoại vi co lại và làm giảm cung cấp máu cho các cơ quan ngoại biên trong đó có da, cơ, khớp gây các triệu chứng như đau mỏi cơ xương khớp, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng.

Theo khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh có  hơn 90 % người bệnh đến khám tại luôn than phiền về bệnh đau khớp, thường gặp ở độ tuổi trung và cao niên. Trong đó triệu chứng đau là hậu quả của quá trình viêm khớp, thoái hóa khớp. Người bệnh luôn cảm thấy đau nhức ở các khớp như ở khớp tay, khớp đầu gối, khớp vai hay khớp háng. Không những đau, các khớp còn bị sưng, khó vận động đặc biệt là sáng sớm trời lạnh. Dĩ nhiên, thoái hóa khớp không phân biệt vùng miền, nhưng thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh nhiều hơn nam giới, những người đã và đang lao động cực nhọc thì càng dễ mắc bệnh lý này.

TS BS Bùi Hồng Thiên Khanh

 

TS BS Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết: Tốt nhất cho mọi người để phòng bệnh này trong mùa mưa đó là bạn nên luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày. Luyện tập được xem như một liều thuốc quý, rất có ích đối với sức khỏe con người và đặc biệt cực kỳ công hiệu trong việc giảm đau nhức. Ngoài ra, bạn cần Thiết kế cho bản thân một chế độ ăn uống hợp lý như thực phẩm giàu vitamin C và E, canxi, uống thật nhiều nước để duy trì độ trơn tru giữa các khớp, 2 ly sữa mỗi ngày và mỗi tuần ăn hai bữa tôm cua để phòng tránh loãng xương, một nguyên nhân thường đi kèm thoái hóa khớp gân đau nhức.

Để phòng chống té ngã ở người lớn tuổi, chúng ta nên làm khô ngay nền ướt, không để người già đi một mình lên xuống cầu thang hay bậc thềm, đối với đối tượng nguy cơ cao nên đi vệ sinh tại giường vào ban đêm hay phải có người nhà đi cùng, cắt ngắn gấu quần dài, chuẩn bị dép đi trong nhà không quá trơn,, đi lại bằng khung hoặc gậy nạng để trợ giúp….là những lời khuyên mà nhân viên y tế cần phải giáo dục cho người dân.

Bên cạnh đó, việc điều trị cho những người bệnh đau nhức khớp này có 2 phương pháp: Thứ nhất là điều trị không dùng thuốc như nghỉ ngơi hợp lý, chườm đá vùng sưng viêm, tập vật lý trị liệu lấy lại chức năng. Thứ hai có thể kết hợp với dùng thuốc nếu đau nhiều như: thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, giảm co cứng cơ. Tuy nhiên dùng thuốc có thể bị tác dụng phụ của thuốc như tăng men gan, đau dạ dày hay chóng mặt lừ đừ…

Pha Lê/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh