CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:31

Phó trưởng công an xã có tài phá án bằng... tâm lý

Nắm tâm lý tội phạm là điều then chốt. 

Gần 50 tuổi, nước da bánh mật, Đỗ Văn Phương từ lâu không còn xa lạ với những người dân ở xã miền núi Vĩnh Hưng. Từ anh lính quân y, phục viên về công tác tại trạm y tế xã Dù là một y tá giỏi, có tay nghề cứng, nhưng Phương không bon chen để được vào làm việc trong những bệnh viện lớn hay các bệnh xá, mà lặng lẽ làm một y tá thôn bản. Nhiều người ngỡ ngàng khi xuất hiện anh chàng y tá  nhưng lại tỉ mẫn và cẩn thận hơn cả phụ nữ. Ngày nào cũng vậy, cứ có ca bệnh nào cần, mặc cho mưa gió hay nắng cháy anh đều khoác chiếc túi đựng dụng cụ y tế lên đường.

Trầm tĩnh và tỉ mẩn trong công việc của một y tá. Thế nhưng trong các phong trào ở địa phương anh lại luôn xông xáo, năng nổ một cách vô tư, miễn sao làm thêm được một điều tốt đẹp hơn là được. Vì cái sự năng nổ ấy anh chuyển sang làm công tác ở Đoàn xã. Khi tình hình anh ninh trật tự ở địa bàn xã có nhiều phức tạp, bản thân lại từng là người lính nên anh được điều chuyển sang làm phó công an xã.

Cách phá nhiều vụ án bằng đòn tâm lý của một phó công an xã.

Từ đó dường như những đêm trằn trọc, ngủ không ngon giấc đến với anh nhiều hơn. Phương tâm sự: “Mỗi năm có mấy chục vụ, gây rối, đánh nhau, chém người, trộm cắp…đều có cả. Khi xác định chuyển sang làm công an tôi luôn tâm niệm một điều phải nghiên cứu và nắm bắt tâm lý đối tượng phạm tội trước khi hỏi cung. Như vậy, cuộc lấy cung rất chất lượng, nhanh chóng và hiệu quả. Không có sức mạnh nào bằng đòn tâm lý cả”.

Chị Thu, vợ Phương cũng bộc bạch: “Tiền lương cho phó công an xã chẳng được bao nhiêu, nhưng đêm nào cũng thấy anh ngủ không ngon giấc. Một tên trộm manh động cũng làm anh suy nghĩ mãi để giải quyết sao cho thấu đáo. Bởi đôi khi chưa chắc sự nạt nộ và cứng rắn đã khiến đối tượng nể phục bằng cách đi sâu vào tâm lý của họ.Thế nên khi đưa đối tượng nào vào đồn công an, anh cũng suy xét về hoàn cảnh và con đường phạm tội của họ. Nhiều cuộc hỏi cung của Phương đôi khi giống như một cuộc tâm sự”.

Nguyễn Văn T, một đối tượng từng nhiều lần phạm tội trộm cắp và gây rối giãi bầy: “Tôi hối lỗi và nhận ra những việc làm xấu của mình cũng chính nhờ những lời hỏi cung mềm dẻo và đầy tâm lý của anh Phương.Ban đầu không bao giờ nghĩ rằng lại có những người công an mềm mỏng đến thế. Mềm mỏng nhưng không nhân nhượng và biết nhấn mạnh vào điểm yếu của những người phạm tội như chúng tôi, sau cuộc lấy cung tôi từ bỏ hết những việc làm xấu”.

  Quan trọng nhất là đúng người đúng tội.

Nhiều pha xử lí vụ việc của Đỗ Văn Phương khiến cho nhiều người ở vùng nông thôn phải thán phục. Tận mắt chứng kiến anh xử lí một vụ việc gây rối trật tự và hành hung lẫn nhau dịp Tết Quý Tỵ (2013) mới thấy sự khôn khéo của anh. Trong vụ đó, một đối tượng có tiền sử bệnh tâm thần đi gây rối, khi bị phản kháng lại đã giả vờ nằm chết.

Cách phá nhiều vụ án bằng đòn tâm lý của một phó công an xã.Ông Đỗ Văn Phương đang nói về cách phá án bằng đòn tâm lý.

 Đỗ Văn Phương xuất hiện và nảy ra sáng kiến gọi xe cấp cứu đưa vào nhà xác. Đối tượng giả chết lập tức ngồi dậy ngay. Đó chỉ là một trong nhiều vụ điển hình mà anh đã xử lí. Đỗ Văn Phương tâm sự: “Công việc của công an xã thực ra cũng rất phức tạp và cực nhọc chứ không hề đơn giản như nhiều người nghĩ. Vùng nông thôn, nếu một sự việc xử lí không khéo sẽ gây náo loạn ngay, vì họ có tính cục bộ họ hàng với nhau. Đụng một người có khi cả họ người ta kéo ra là hỏng chuyện. Hơn nữa, môi trường ở nông thôn thường xuyên giáp mặt nhau nên để tránh bị ghét bỏ hay thù hằn cá nhân cũng là điều khiến tôi phải cân nhắc”.

Có một thời gian dài, khi trưởng công an xã đi học, Đỗ Văn Phương nắm quyền trưởng công an xã, mọi việc anh đều giải quyết một cách trôi chảy. Chị Thao, một người dân địa phương thán phục: “Dường như Phương đã mang tất cả sự cẩn trọng của một thầy thuốc để áp dụng vào với ngành công an. Anh xử lí việc gì cũng cẩn thận từ đầu đến cuối khiến cho cả đối tượng phạm tội và người bị nạn đều thõa mãn không có thắc mắc hay khiếu kiện gì cả”. Cũng nhờ sự “lợi hại” của đòn tâm lí mà nhiều mắt xích quan trọng trong các vụ án được Phương khai thác một cách gọn gàng

Giãi bầy về điều này, Phương cho hay: “Cả đời tôi dường như không thích giành giật điều gì với ai. Được bố trí công việc nào thì làm hết mình với công việc. Không hoàn thành tốt nhiệm vụ là tự thấy ăn cơm không ngon nữa. Tôi nghĩ đã là công an, xử lí sai gây thiệt thòi một chút nào đó cho đối tượng cũng để lại vô vàn day dứt, bởi anh là người cầm cân nẩy mực. Cái quan trọng nhất đối với một người công an là xử lí đúng người, đúng tội”.

Nhiều vụ án hình sự, trộm cắp lớn, không nằm trong thẩm quyền xử lí của công an xã, Đỗ Văn Phương đều cùng với đồng nghiệp của mình lập hồ sơ kỹ càng gửi lên cấp trên. Đồng thời liên tục phối hợp để tìm ra chân tướng cuối cùng của sự việc. Nhiều tội phạm được Phương giáo huấn và định hướng tâm lí đã khai ra rất nhiều đồng đảng khác liên quan đến vụ việc. Đặc biệt, dùng vũ lực trong quá trình lấy cung là điều Đỗ Văn Phương hầu như không áp dụng.

Ngoài những kiến thức học được từ những ngày trong quân ngũ thì hầu hết các biện pháp nghiệp vụ của ngành công an đều do Đỗ Văn Phương tự học và rèn luyện là chính. Anh bảo: “Cái gì cũng phải xuất phát từ thực tế, đi sâu, đi sát với thực tế thì mới thuyết phục được. Nhiều biện pháp xử lí tội pháp tôi tự đọc được trong các tài liệu ngành nhưng ít khi áp dụng một cách cứng nhắc mà áp dụng trong sự sâu chuỗi với diễn biến từ thực tế. Đây là một cách làm rất hay”.

 Lặng lẽ đi qua những thị phi.  

 Là một công an cấp xã nhưng với cách làm sáng tạo, tận tụy và cẩn trọng của mình, Đỗ Văn Phương đã được Giám đốc công an tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen. Với anh điều đó vừa như một sự khích lệ, vừa như một lời nhắc nhở phải làm tốt hơn phận sự và công việc của mình. Có nhiều vụ việc, để sáng tỏ vấn đề, Phương phải nhập vai để tìm ra chân tơ kẽ tóc. Vẻ trầm ngâm, Phương kể: “Vụ án càng khó càng phải nghiên cứu kỹ.Có những vụ, nhiều đối tượng nhìn mình với ánh mắt ban đầu rất căm tức. Nếu không mềm dẻo xảy ra xung đột ngay. Mình phải thử đặt vị trí mình vào hoàn cảnh của họ, để hiểu vì sao họ phạm tội, từ đó vạch ra các phương án giải quyết. Bằng khen hay các phần thưởng đối với tôi là niềm vui. Nhưng đi liền với niềm vui đó là trách nhiệm”.

Suốt những ngày tạm thời nắm quyền trưởng công an xã, dường như Đỗ Văn Phương không để xảy ra sai sót đáng tiếc nào trong hàng chục vụ án phức tạp mà anh trực tiếp xử lí. Sinh trưởng trong một gia đình có nhiều Đảng viên,lại được bố là nhà giáo nghỉ hưu luôn động viên, nên tư tưởng cống hiến của anh càng kiên định hơn.

Ở đâu trong xã có sự việc là anh xuất hiện ngay, không quản đêm tối. Lăn xả là thế nhưng cuộc sống cũng lắm thị phi, thấy anh miệt mài đi suốt đêm xử lí vụ việc, nhiều người độc miệng đồn anh lăn sả đến để kiếm chác nọ kia. Ban đầu cũng thoáng buồn nhưng rồi Phương nghĩ mình cứ ngay thẳng và làm việc rõ ràng là được. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy ánh mắt anh trầm buồn khi bộc bạch: “Nghe những thị phi đó, ban đầu tôi cũng buồn lắm. Mọi công việc gia đình đôi khi phải gác lại, đêm tối sức khỏe yếu cũng đi mà người ta còn nói vậy”.

Tâm tư vậy, nhưng hàng ngày anh vẫn miệt mài với nhiệm vụ của một người phó công an xã. Nhiều người dân thán phục anh, họ ước muốn công an nào cũng tận tâm và xử lí sự việc thấu tình đạt lí như anh. 

Hà Đông Hưng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh