THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 06:22

Cách mạng ở quê nghèo

 

Yêu nước và cách mạng, những từ đó thật đẹp. Vì nó quá đẹp nên tôi luôn phân vân. Nhưng rồi những ngại ngùng ấy theo thời gian cũng được nguôi ngoai. Bởi những câu chuyện về những người bình thường ở quê tôi đối với cách mạng.

Còn nhớ, ngày lên tám, lên mười, đám trẻ bọn tôi sợ bà Khái hơn cả sợ cọp. Đến bây giờ tôi cũng không biết bà tên gì, chỉ biết mọi người trong làng gọi vợ chồng bà là ông Khái, bà Khái. Ông bà làm nghề chèo đò chở khách qua sông Lam. Hình ảnh còn lẩn khuất trong tôi, ông Khái người nhỏ thó, quanh năm mặc áo bà ba màu nâu, bên hông đeo bầu rượu. Say rượu suốt ngày nhưng tiếng sáo réo rắt của ông như có ma lực lay động lòng người. Mỗi lần say là ông lại chửi con, chửi vợ. Có lẽ biết phận của mình, nên ông không dám gây sự với những người khác. Thế là để giã rượu, ông lôi vợ, lôi các con ra thỉ thí. Mỗi lúc ông say, các con mỗi người mỗi ngả nhanh chóng di tản. Không chịu cảnh nói không có người nghe, ông quay ra khà khịa với bà.

Trái ngược với ông, bà Khái có khung người cao to, xương xẩu trông như đàn ông. Những lúc ông Khái  lè nhè, lúc bà né sang nhà hàng xóm, lúc ra bến đò ngồi nhìn sông trôi vô định. Nhưng có lúc không kìm nổi cơn giận, bà mắng lại. Cuộc khẩu chiến của người say với một người  tích tụ những ấm ức, bất bình diễn ra cũng khốc liệt vô cùng. Mỗi lần như thế bọn trẻ chúng tôi lại kéo đến xem. Có lần chúng tôi thấy bà vừa chửi, vừa kéo ông lê lết trên đường từ nhà ra bến sông. Cũng may đường làng tôi toàn cát, nhà ông bà Khái lại dốc xuống sông, việc kéo một người say không khó, đường cát dày nên thân thể ông Khái chẳng thương tích gì. Để ông bên gốc cây cừa, mặt bà ướt đẫm nước mắt lầm lũi ra ngồi vệ đê.

Không phải lúc nào cũng sóng gió, vợ chồng ông bà Khái cũng có những khoảng thời gian bình yên, thơ mộng. Đó là lúc ông ngồi dưới gốc cây dừa thổi sáo, bà đưa nước chè xanh ra cho ông uống, lấy mo cau quạt mát cho ông, thưởng thức tiếng sáo réo rắt, thổn thức mà bà bị hớp hồn từ thuở thiếu thời. Ông là con của người chèo đò ở bến sông này, bà, cô gái nhà nghèo làm nghề gánh nước thuê. Khi nên vợ nên chồng, bà thay ông làm nghề chèo đò chở khách, còn ông làm thuê cho các chủ đò chuyên buôn bán miền ngược. Có lẽ qua những chuyến chở hàng đến những nơi thâm sơn cùng cốc, đã biến ông trở thành tay hay rượu. Gia cảnh của ông bà như thế nên rất ít người trong làng qua lại, các con của ông bà cũng khó lấy vợ, gả chồng.

Theo thời gian, chuyện của ông bà Khái cũng chìm vào dĩ vãng, khi ông bà đã thành người thiên cổ. Các con của ông bà, dẫu cao số cuối cùng cũng tìm được “tổ ấm” cho mình, theo kiểu “nồi méo úp vung méo”. Sau ngày đất nước thống nhất, anh chị em họ dắt díu nhau vào Tây Nguyên lập nghiệp. Chuyện của bà Khái chỉ được xới lên vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, một ông cán bộ cấp cao đi xe Lada màu đen, có người bảo vệ, tìm về bến đò làng tôi, hỏi thăm vợ chồng bà Khái. Cả làng kinh ngạc. Bởi từ trước đến nay xã tôi từ nhà ông Bí thư cho đến ông Chủ tịch chưa ai được đón tiếp một người chức vụ cao và sang trọng như thế. Vậy mà vợ chồng bà Khái,  xưa nay bị coi là dân hạng ba lại có vinh hạnh đó. Qua câu chuyện của ông, dân làng tôi mới vỡ nhẽ.

Trước cách mạng tháng 8/1945, ông là Ủy viên Xứ ủy, trong một lần cơ sở bị lộ, bị giặc Pháp truy đuổi, bắn bị thương vào đùi, không có con đường nào khác, ông nhảy xuống sông, bơi ra trốn ở bãi nổi giữa sông làng tôi. Sáng hôm sau, khi chèo thuyền ra bãi nổi vớt củi rều, bà Khái thấy ông đang nằm lả trong bãi cói. Ông nói với bà: “Tôi là cộng sản, tranh đấu cho người nghèo, bị Pháp đuổi bắt, chị giúp tôi với”. Không ngần ngại, bà đưa ông về nhà lo thuốc thang cơm nước. Biết ông là người của hội kín, đi chợ bà thấy bọn Pháp đang đe dọa nếu ai chứa chấp thằng cộng sản vượt ngục kia, cả nhà sẽ bị tù mọt gông, đồng thời chúng treo thưởng, ai báo tin sẽ được 200 quan, một tài sản cực lớn đối với vợ chồng bà. Sau hơn 2 tháng cơm nước, thuốc thang, sức khỏe của ông khá dần, đi lại được, vào một đêm tối trời, vợ chồng ông Khái chèo đò đưa ông về với tổ chức.

Cách mạng tháng Tám thành công chưa được bao lâu, thực dân Pháp tái chiếm Nam bộ, ông xung vào đoàn quân Nam tiến. Pháp thua lại đến đánh Mỹ, qua 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, ông luôn có mặt ở điểm nóng của các chiến trường. Đất nước thống nhất, ơn nghĩa với người xưa luôn thổn thức trong ông, nhưng lu bu công chuyện, đến giờ ông mới có dịp tìm về thăm ân nhân. Cảnh xưa còn đấy, về quá trễ nên người cũ đã xa, ông ra nghĩa trang làng thắp hương tạ lỗi với vợ chồng bà Khái, rồi mua bó hoa huệ, lẳng lặng ra thả xuống sông, ngồi bên bờ suy tưởng. Trong dòng sông xanh trong kia có nhuốm máu đỏ thời trai trẻ của ông; có lẫn mồ hôi, nước mắt của bao người như vợ chồng bà Khái. Những người vô danh, bình dị, đã cưu mang ông trong những ngày gian khó nhất của cuộc đời hoạt động cách mạng. Không có những con người lam lũ ấy, chắc ông không có ngày hôm nay.

Sau cái ngày ông cán bộ cao cấp xuất hiện, người làng thầm tiếc cho vợ chồng bà Khái. Tiếc, nhưng mọi người như sáng ra, cách mạng, cống hiến cho cách mạng đâu phải cao xa, mà ngay bên cạnh ta. Thêm một lần nữa lịch sử làng tôi phải bổ sung sửa đổi.

Chuyện vợ chồng bà Khái gợi cho tôi nhớ chuyện bà The. Khi tôi học cấp 1, bà The đã già lắm rồi. Bà sống một mình trong căn nhà ngói cổ 3 gian, chồng bà là đảng viên thời 30 - 31. Năm 1941, ông bị Pháp bắt đày vào ngục Kon Tum và mất ở đó. Chồng chết, bà không đi bước nữa, tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau năm 1945, bà làm Hội trưởng Phụ nữ cứu quốc huyện. Hòa bình lập lại năm 1954, bà về làm cán bộ xã. Đi trên đường thấy phân trâu, phân bò, cành tre, hay những cái gai giữa đường, bà cẩn thận dọn sạch. Gặp đứa trẻ nào bà cũng nhắc: “Học giỏi, nghe lời thầy cô, bố mẹ cháu nhé”.  Không phải bọn trẻ chúng tôi, mà nhiều người lớn trong làng cũng cho rằng bà bị man mát, hâm hâm.

Nhưng sự thật, bà đâu có hâm, có mát. Bằng chứng là đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi Nhà nước có chính sách ưu đãi cho những người hoạt động cách mạng trước năm 1945, ông cu Hàu (cháu ruột của bà The), một người sau năm 1945  mới tham gia dân quân, được kết nạp vào Đảng, làm cán bộ hợp tác xã nông nghiệp, rồi làm cán bộ xã, lúc đó cũng đã nghỉ hưu, tất tả làm hồ sơ để “chạy” suất cán bộ lão thành cách mạng. Để có người làm chứng, ông Hàu vội mua cân đường, hộp sữa và cả phong bì đem biếu bà The, hy vọng tình máu mủ ruột rà, cô ruột kính yêu sẽ cho thằng cháu một chữ ký. Đây không chỉ quyền lợi của thằng cháu, mà còn danh giá của dòng họ. Mặc dù tuổi đã ngoài 80, mắt mờ, chân run, chưa nghe hết lời cầu xin của đứa cháu gian dối, bà The đứng phắt dậy vừa ném trả gói quà, vừa chỉ vào mặt ông Hàu nói: “Lão thành cách mạng chi mày, năm 45 đi cướp chính quyền mày trốn chui, trốn lủi. Cách mạng thành công, tao là cô ruột mà vận động đến gãy cả răng, sùi bọt mép mày mới chịu vào dân quân. Tao già rồi không còn làm được gì có lợi cho Đảng, cho dân, thì tao cũng quyết không hại Đảng, hại dân. Mày cút đi. Thằng nào mà chứng cho mày, thằng đó là phản động”.

Ông cu Hàu mặt như bị nhúng chàm, lủi thủi về. Qua cái dáng lầm lũi của ông cu Hàu, tôi lại nhớ đến bộ dạng của ông Đặng khi bị vạch mặt là kẻ buôn bè, cờ bạc chứ chẳng phải Đảng viên năm 30 - 31.

Số là những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ trước, đi đâu ông Đặng cũng khoe, mình là Đảng viên 30-31, từng vào tù, ra tội. Bằng chứng là ông từng ngồi tù với ông Nhu, ông Lịch, ông Bàng,…những Đảng viên 30-31, người đã mất, người công tác trên tỉnh, hoặc ở trung ương. Ông làm cả đơn đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận là Đảng viên 30-31. Cấp có thẩm quyền về xác minh, những đảng viên còn sống cũng công nhận, thời gian bị thực dân Pháp bắt giữ, có thời gian họ ở chung khám với ông Đặng, nhưng họ không biết ông Đặng hoạt động ở đâu, thuộc tổ chức Đảng của địa phương, đơn vị nào thời đó. Những ngày cùng phòng giam, tuy là người làng, người xã, do nguyên tắc bí mật, các ông chỉ chào hỏi xã giao mà thôi. Hỏi về cơ sở cũ, ông Đặng khai báo, ông hoạt động vùng đồng bào dân tộc, cơ sở Đảng giờ không còn ai. Với những chứng cứ như vậy không ai dám công nhận ông là Đảng viên 30-31. Không chịu bỏ cuộc, tranh thủ những ngày nông nhàn, ông Đặng đi lên huyện, lên tỉnh đòi công nhận Đảng viên 30-31. Sự việc chắc sẽ còn kéo dài, nếu như không có chuyện ông Hai Chiến, người  xã bên trở về. Ông Hai Chiến, nguyên cai ngục nhà giam tỉnh thời Pháp thuộc, năm 1954, chạy vào Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, hoàn thành đợt cải tạo, ông về thăm bà con, họ hàng, thăm nơi chôn rau, cắt rốn. Nghe thấu chuyện ông Đặng, ông Hai Chiến cho mọi người biết, ngày đó ông Đặng làm nghề buôn bè, bị chính quyền cũ bắt về tội đánh bạc. Do nhà tù thời đó chật chội nên tù thường phạm đôi khi giam chung với tù chính trị. Từ nguồn tin trên, công an huyện mời ông Hai Chiến, ông Đặng lên đối chất. Nghe những người chứng kiến kể lại, trước mặt ông Hai Chiến, ông Đặng run như cầy sấy, chỉ thiếu lỗ nẻ cho ông chui xuống.

Cách mạng tháng Tám đã có chiều dài, chiều rộng, chiều cao 70 năm, với bao biến động của lịch sử. Mỗi lần về làng, về với nơi yên ấm, bình dị ấy lòng tôi lại nôn nao. Tôi chưa hiểu hết làng. Làng vẫn còn nhiều bí ẩn. Càng nghĩ tôi càng yêu thương, trân trọng  những người dân làng tôi, chân chất, mộc mạc, mà làm nên bao việc phi thường, nhưng dễ bị quên, bị lắng vào dĩ vãng. So với bao người, họ quá thua thiệt. Bâng khuâng, chợt nhớ câu của cụ Nguyễn Du: “Lạ gì bỉ sắc tư phong”, được cái này, mất cái khác. Phải chăng, cuộc đời này không có gì tròn trịa cả, con người cũng như quê hương!. 

Lê Quang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh