THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:08

Cách mạng công nghiệp 4.0: Ai chủ động sẽ được lợi

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với công nhân khu công nghiệp các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

 

Đón nhận thời cơ

Tại “Cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với các đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII” tổ chức cuối tháng 9/2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã điểm lại các cuộc CMCN trước đây và khẳng định những cơ hội, thách thức luôn đặt ra trong mỗi cuộc CMCN, “ai chủ động thì sẽ được lợi, ngược lại sẽ bị thua thiệt”.

Trong cuộc CMCN lần thứ nhất với sự xuất hiện của động cơ hơi nước, ai cũng lo lắng rằng thợ dệt sẽ mất việc nhưng đến nay số người làm việc trong ngành này gấp hàng nghìn lần trước đây. Tương tự, với CMCN 4.0 sẽ có những nghề nghiệp bị mất đi, những nghề nghiệp mới hình thành.

Đơn cử như mấy chục năm trước có lẽ không ai nghĩ sẽ có những nghề liên quan đến trí thông minh nhân tạo, robot, thực tế ảo... Tuy nhiên, cùng với cơ hội CMCN 4.0 cũng đã có những cảnh báo về sự phụ thuộc của con người vào máy móc, công nghệ, thậm chí bị trí thông minh nhân tạo khống chế.

Phó Thủ tướng phân tích: “Các cuộc CMCN luôn đem đến cơ hội cùng thách thức rất lớn nhưng cuối cùng thì loài người vẫn đi lên. Thành công sẽ đến với những người chủ động tiếp cận, nắm bắt CMCN và công nghệ”.

 

Công nhân làm việc tại nhà máy Samsung Thái Nguyên.

 

Để tận dụng được những cơ hội từ CMCN 4.0 để tăng năng suất, theo Phó Thủ tướng, quan trọng nhất là phải chuyển dịch cơ cấu lao động.

Theo TS Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, (Bộ KH&CN), nhân lực lao động đã, đang và sẽ tiếp tục bị thay thế bằng tự động hóa, robot và trí thông minh nhân tạo. CMCN 4.0 được dự báo có tiềm năng tác động tiêu cực lớn nhất đến lực lượng lao động ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Theo một báo cáo của ILO công bố tháng 7/2016, Việt Nam có đến 70% lao động trong các ngành nghề sản xuất có nguy cơ cao mất việc dưới tác động của những đột phá về công nghệ của CMCN 4.0. Đặc biệt đối với nguồn nhân lực ngành dệt may, báo cáo cho thấy Việt Nam có đến 86% lao động trong các ngành dệt may và giày dép có nguy cơ cao mất việc khi các công nghệ tự động hóa sản xuất được đưa vào.

Tỉ lệ rất lớn này sẽ chuyển thành con số tuyệt đối rất lớn, vì dệt may và giày dép là các ngành đang tạo việc làm cho nhiều lao động (khoảng gần 2,3 triệu người làm việc trong ngành dệt may; gần 0,98 triệu người làm việc trong ngành giày dép).

Bên cạnh nguy cơ bị mất việc, NLĐ còn có thể không được bảo vệ quyền lợi do có sự thay đổi về bản chất của quan hệ lao động do ứng dụng công nghệ mới; bị phân biệt đối xử bất bình đẳng trong xã hội giữa lao động có kỹ năng cao và lao động có kỹ năng thấp, giữa ông chủ sở hữu máy móc và NLĐ. Đây là điều đáng lo ngại, bởi Việt Nam có tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo hoặc đã qua đào tạo nhưng kỹ năng còn thấp vẫn chiếm đa số.

 

Robot được đưa vào thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân.

 

Trước bối cảnh trên cần nhiều giải pháp, nhưng trong đó CNLĐ cần phải tự nâng tầm của mình để đối phó với cuộc CMCN 4.0. Để nâng tầm của mình, không còn cách nào khác NLĐ phải chủ động học tập, nâng cao tay nghề, bồi dưỡng kỹ năng để luôn trong tâm thế chủ động khi “chờ” cuộc CMCN 4.0 ập đến.

Vượt qua thách thức

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về CMCN 4.0 ở Hà Nội tháng 7/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, CMCN 4.0 đã vào Việt Nam. “Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe các ý kiến và đây là cơ hội tốt để Việt Nam thu hút đầu tư, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo”.Theo giới phân tích, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong các lĩnh vực: Công nghệ gốc, công nghệ nguồn, nhân lực chất lượng cao; chính sách và hạ tầng kỹ thuật số; quyền lực mềm, biên giới mềm, an ninh không gian mạng, tội phạm công nghệ cao, xuyên quốc gia...

Về công nghệ, do trình độ công nghệ của Việt Nam ở mức vừa phải và không đồng đều, nên khi tiếp cận với CMCN 4.0 sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là thuận lợi, vì chúng ta không phải chi phí quá tốn kém để phá hủy cái cũ thay thế cái mới.

Việt Nam đã có các chính sách phát triển kinh tế tri thức, công nghệ cao, mặc dù các chính sách đó có thể chưa trực tiếp liên quan nhiều đến CMCN 4.0. Theo đó, các Đề án “Thanh toán không dùng tiền mặt” của Ngân hàng Nhà nước; “Số hóa” của Bộ Thông tin và Truyền thông; “Đổi mới công nghệ” của Bộ KH&CN... và các chỉ thị của các cấp cao hơn.

Bộ KH&CN cũng đang tiếp tục thúc đẩy Đề án “Sáng tạo khởi nghiệp”, tích cực tạo sân chơi cho hoạt động sáng tạo của doanh nghiệp. Bộ cũng sẽ thực hiện Đề án “Tri thức Việt số hóa” mà Chính phủ đã phê duyệt hồi tháng 5.

Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đang phối hợp với một số bộ, ngành và địa phương để triển khai thí điểm một số mô hình như, với Bắc Ninh để xây dựng thành phố thông minh, với Hà Nam để xây dựng nông nghiệp công nghệ cao…

Trong lĩnh vực sản xuất, xu hướng robot thông minh thay thế con người đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Thể hiện rõ nhất ở các công việc có những thao tác đơn giản khi robot đóng vai trò ngày càng lớn. Trong tương lai, con người có thể còn không được làm những công việc đơn giản khi mà robot làm tốt và chính xác hơn.

Công nghệ năng lượng, vật liệu mới, in 3D sẽ ảnh hưởng lớn đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên, khi thế giới không còn phụ thuộc quá nhiều vào các hoạt động như khai thác, quặng, than, dầu khí... Những lao động thủ công trong các ngành dệt may, lắp ráp, nông nghiệp truyền thống sẽ chịu tác động lớn nhất từ cuộc cách mạng lần này.

Theo dự báo, 20 năm tới, sẽ có từ 70 - 75% những công việc đơn giản, thủ công sẽ bị thay thế, khiến hàng chục triệu lao động truyền thống bị thất nghiệp, đòi hỏi Nhà nước cần có sự chủ động ứng phó và kiểm soát tốt nhất để bảo đảm an ninh cho người dân và chủ quyền của đất nước.

 

Robot sẽ lấy đi nhiều triệu việc làm là có thật.

 

Cơ hội cho các trường nghề

Theo ông Đào Công Hải, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội, cuộc cách mạng này sẽ thúc đẩy đổi mới trong giáo dục nghề nghiệp, tạo cơ hội đối với giáo dục nghề nghiệp như: Phát triển nhiều ngành nghề mới, tạo ra nhiều việc làm mới, phương thức đào tạo mới, phương thức tổ chức và cung cấp lao động thay đổi… Ngoài ra, nó sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin- nâng cao hiệu quả đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Song, giáo dục, đào tạo kỹ năng để tiếp cận CMCN 4.0 là một thách thức với công tác giáo dục nghề nghiệp cho cả lao động có kỹ năng bậc trung.

Trong khi đó, PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, CMCN 4.0 đang làm giãn rộng khoảng cách giữa việc đào tạo của các trường ĐH và cái mà xã hội thực sự cần. Trước thách thức đó, các trường ĐH cần định hướng lại những ngành đào tạo, những lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu để đón trước, bám sát yêu cầu của thị trường không chỉ trong nước mà cả thị trường trong khu vực và trên thế giới.

Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã xác định những lĩnh vực đào tạo cần ưu tiên hướng tới CMCN 4.0 như: CNTT, điều khiển tự động hóa, điện tử - viễn thông, khoa học và kỹ thuật vật liệu, năng lượng sinh học... Đây là những ngành thế mạnh của trường.

 Nhất trí với nhận định trên, PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng, với đặc thù của cuộc CMCN 4.0, cơ cấu ngành nghề sẽ thay đổi rất nhanh. Hầu hết các thiết bị trong thời đại CMCN 4.0 đều là thiết bị đa ngành. Đơn cử điện thoại thông minh đã kết hợp rất nhiều chức năng chứ không chỉ là công cụ để nghe, nói. Để làm ra sản phẩm này cần phải có sự phối hợp rất nhiều ngành nghề.

CAO XUÂN HUYỀN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh