Cách hóa chân hương ngày Tết cho đúng
- Y học 360
- 23:03 - 13/02/2015
Mỗi dịp năm hết Tết đến, các gia đình thường tiến hành lau dọn ban thờ. Đây là việc cần được làm cẩn thận, tỉ mỉ.
Thông thường có 2 thời điểm nên lau dọn và tiến hành hóa chân hương, đó là trước lễ cúng Táo quân chầu trời hoặc nhân tiện Táo quân vắng nhà thì tranh thủ dọn dẹp bàn thờ để đón năm mới và đón Táo quân trở về (thường vào 23 và 30 tháng Chạp)
Gia chủ cần lưu ý tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng và chuẩn bị hoa quả đặt lên trước khi dọn ban thờ và đồ thờ cúng. Sau đó thắp hương để thông báo cho tổ tiên và thần linh biết rằng gia chủ chuẩn bị dọn dẹp ban thờ, mời tổ tiên và thần linh tạm lánh đi nơi khác một thời gian để con cháu lau dọn.
Chổi quét hoặc khăn lau bàn thờ thường được dùng riêng, và rất hạn chế sự chung đụng. Nước lau bàn thờ trước tiên là nước sạch. Sau đó dùng rượu trắng với gừng (hoặc nước vang – nước ngũ vị hương) để lau sạch bàn thờ.
Về nguyên tắc chúng ta chỉ nên di chuyển bình hoa, chén nước, đỉnh đồng, đèn,... còn bát nhang, bài vị đã định vị thì không nên xê dịch. Khi lau bát nhang, bài vị phải lấy tay giữ không cho xoay rồi lấy khăn sạch, ẩm, phun rượu pha gừng giã nhỏ, nước hoa, ngũ vị hương... lau cho sạch.
Sau khi dọn bát hương có thể tỉa bớt chân hương nhưng phải để lại ít nhất 3 – 5 – 7 – 9 cây. Chân hương đã tỉa ra, cần đốt và thả tro xuống sông, suối hoặc bón cây, không nên đổ lung tung.
Theo quan niệm mới hiện nay, các gia đình có thể tiến hành lau dọn ban thờ sạch sẽ và tỉa chân hương gọn gàng cho nơi thờ cúng được trang nghiêm, thanh tịnh mà không nhất thiết phải chờ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch như dân gian. Điều quan trọng là chúng ta phải làm việc này một cách thành tâm, nghiêm túc để thể hiện lòng thành kính với người trên.