CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:01

Cách chuẩn bị mâm cúng rằm tháng 7 sao cho đúng

 

Rằm tháng 7 Âm lịch là ngày lễ Vu Lan, đây là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Theo tín ngưỡng dân gian, ngày rằm tháng 7 còn là ngày mở cửa ngục, các vong nhân được xá tội nên có lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa, gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh.

Trong ngày này, các gia đình thường chuẩn bị 4 lễ: cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên và cúng chúng sinh (cúng thí thực cô hồn).

Mâm cúng cô hồn. 

Mâm cỗ chay cúng Phật

Đối với những gia đình theo đạo Phật thì rằm tháng 7 là một ngày lễ lớn. Theo giáo lý nhà Phật, lễ cúng không quan trọng ở mâm cao cỗ đầy mà cốt ở lòng thành của mỗi người.

Bàn thờ tổ tiên của người Việt thường có ba bát hương: ở giữa thờ Phật, bên phải thờ thần linh thổ công và bên trái thờ gia tiên. Lễ cúng Phật cần được đặt ở nơi cao nhất trên bàn thờ.

Để chuẩn bị một mâm cúng Phật, bạn chỉ cần sắp một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả để cúng Phật rồi thụ lộc tại nhà. Nếu dùng hoa tươi thì nên chọn hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… tránh dùng các loại hoa tạp, hoa dại.

 

Mâm cúng thần linh và gia tiên

Mâm cúng thần linh và gia tiên thường là mâm cỗ mặn hoặc chay, kèm theo tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi Âm làm bằng giấy tượng trưng từ những vật truyền thống (giống như đồ thật) như quần áo, giày dép, đến những vật hiện đại như xe cộ, điện thoại...

Mâm cúng gia tiên trong các gia đình thường bao gồm gà luộc, đĩa xào, canh, nem, xôi.... Ngoài ra, mọi người có thể làm thêm món nộm hoa chuối hoặc nộm rau thập cẩm.

 

Mâm cúng chúng sinh rằm tháng 7

Cúng chúng sinh tháng cô hồn là tục lệ của người dân Việt, đây là mâm cúng dành cho những linh hồn còn vương vấn bụi trần, không nơi nương tựa, chịu oan trái ở kiếp trước...

Lưu ý đầu tiên khi chuẩn bị đồ cúng cô hồn ngày Rằm tháng 7 đó là mâm cúng này cần được thực hiện ngoài trời hoặc trước cửa chính ngôi nhà. Lễ cúng chúng sinh được tổ chức vào buổi chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7 (âm lịch)

Một nghi thức cúng cô hồn đúng bao gồm:

- Muối gạo (1 đĩa).

- Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ), hay là cơm vắt: 3 vắt.

- 12 cục đường thẻ.

- Giấy áo, giấy tiền vàng bạc. Trong đó, tiền vàng từ 15 lễ trở lên, quần áo chúng sinh từ 20 đến 50 bộ.

- Bắp rang, khoai lang, ngô, sắn luộc...

- Mía (để nguyên vỏ và chặt tùng khúc nhỏ độ 15 cm).

- Bánh, kẹo, tiền mặt (tiền thật, các loại mệnh giá).

- Nước: 3 ly nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ.

Muối và gạo sau khi cúng xong phải rải xuống đường mang ý nghĩa tiễn cô hồn đi.

Ngoài ra, vào dịp lễ Vu Lan, Rằm tháng 7, mỗi gia đình có thể phóng sinh chim, cá, tôm, cua... Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình, khi phóng sinh có suy nghĩ vô tư, trong sáng, thành tâm làm phúc.

Việc cúng cô hồn thể tiến hành từ mùng 1 – 15/7 Âm lịch. Tuy nhiên nhiều gia đình thường tiến hành vào ngày Rằm tháng 7, trùng với lễ Vu Lan, xá tội vong nhân, với lý do hôm đó các vong hồn mới được thả ra.

KHÁNH VÂN (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh