Chọn gà cúng Giao thừa và bày trên ban thờ
- Văn hóa - Giải trí
- 23:58 - 14/02/2015
Chọn gà cúng Giao thừa
Chọn gà trống choai mào phải đỏ tươi nhú cao đều nhau, lông mượt, nhanh nhẹn.
Để có một con gà cúng đẹp, cần chọn gà rất kỹ. Con gà trống choai mào phải đỏ tươi nhú cao đều nhau, lông mượt, nhanh nhẹn, da căng vàng ức đầy, chân nhỏ (gà ri) gà nặng từ 1,2 kg – 1,4 kg là vừa, gà to quá bày không đẹp, thịt kém ngọt nhiều xương. Khi gà mua về cắt dây trói chân, thả vào chuồng hoặc vào lồng 2-3 giờ để gà đi lại cho máu không tụ ở chân, sau đó mới cắt tiết.
Nếu chúng ta mua gà làm sẵn của người quen, cũng cần lưu ý họ rõ những yêu cầu của mình.
Cách luộc và trình bày đĩa gà cúng Giao thừa
Theo chị Nguyễn Thị Thảo (Trưởng bộ phận bếp, khách sạn Gondola, Hà Nội), để có con gà cúng đẹp, người ta cần mổ moi, làm sạch sẽ bổ miệng, cứa khớp để hai chân quặp vào bụng phía sau (khéo cứa chân để gà không bị co về phía trước – là tư thế gà bực tức, co chân chuẩn bị đá song phi). Khi luộc cần lật đều hai bên để gà không bị vẹo. Muốn gà cúng ngon, đẹp làm gà xong cần rửa sạch tiết để nước không bị đục.
Luộc gà phải chọn nồi sâu lòng, cho nước vào nồi ước lượng đủ ngập gà, đặt lên bếp nóng khoảng 50 độ C (để hạn chế nước trong thịt gà không bị tiết ra nước, giữ độ ngọt của thịt gà), cho một ít muối gia vị, gừng và hành đập dập, rồi cho gà vào luộc. Đặt gà nằm sấp khi chín mới đẹp. Đậy vung đun lửa vừa, khi bắt đầu sôi, vặn nhỏ lửa để nước sôi lăn tăn, cho tiết lòng vào luộc. Khi gà nổi lên, nước có nhiều váng béo, lấy thìa hớt bớt bọt và nước béo, dùng tăm xiên thử vào đùi gà, thấy nước tiết ra không đỏ là gà đã chín. (Hoặc khi gà sôi được một lúc, tắt lửa, để gà ngâm trong nước 5 phút). Khi vớt ra, nhúng gà vào nước nguội để da gà được giòn. Sau khi gà ráo nước thì xoa một chút mỡ gà lên da để trông con gà béo vàng mọng (để lâu da không bị co và nhăn nheo).
Đặt gà cúng Giao thừa thế nào cho đúng?
Khi bày trên mâm cỗ cúng Giao thừa nên đặt đầu gà quay ra phía ngoài.
Cách đặt gà cúng trên ban thờ
Gà cúng trên ban thờ nên đặt quay đầu vào trong bát hương.
Theo ông Hà Thanh (Trung tâm Nghiên cứu cổ học Phương Đông – Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam): Riêng gà đặt cúng trên ban thờ, quan niệm chung thường là đặt gà quay đầu vào trong bát hương với tư thế há miệng, chân quỳ, cánh duỗi tự nhiên. Tư thế này được coi là “con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu”. Không đặt gà quay đầu ra, vì cho đó là gà “không chịu chầu”. Bày gà cúng nếu đặt đầu quay ra phía ngoài sẽ đẹp mắt hơn, còn quay đầu vào trong thì phao câu chổng ra ngoài, không đẹp mắt. Nhưng đó chỉ là hình thức đẹp, chứ không có ý nghĩa gì”.
Cũng theo ông Hà Thanh, khi cúng lễ thì nên để nguyên cả con gà trống vừa đẹp mắt, vừa nghiêm cẩn. Với gà mái, có thể chặt miếng, nhưng khi bày đĩa không được đẹp mắt và giảm bớt phần nghiêm cẩn. Nếu chặt miếng, phải để gà nguội thịt mới chặt để miếng thịt gà gọn mắt. Không nên chặt khi thịt gà còn nóng vì vừa bị bắn bẩn xung quanh, thịt gà lại bị nát nhũn, méo mó. Không nên dùng thịt gà quay, rán, ninh, om vì cả hình thức và màu sắc đều không đẹp, mất cân đối và không nghiêm cẩn.