THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:32

Bảo quản thực phẩm ngày Tết không cần tủ lạnh

Bánh chưng:

Bánh chưng để ở ngoài được 10 ngày sau khi luộc.

Bánh chưng sau khi đã luộc chín, chúng ta vớt bánh ra cho vào nước lạnh, rửa sạch lá cho hết nhớt, xếp bánh ra rổ để ráo nước.  Sau đó xếp bánh thành nhiều lớp, dùng những vật nặng đè lên để ép bánh cho ra nước, chắc mịn và phẳng đều trong vài giờ. Khi ép xong,  bánh được buộc lạt lại rồi treo nơi khô ráo trong nhà để bảo quản. Nên  treo bánh ở nơi thoáng mát, không bụi bặm, ẩm thấp để tránh bị mốc và ôi thiu. Lưu ý: Bánh còn mới, không nên cất vào tủ lạnh, vì sẽ bị lại gạo (bánh sống trở lại). Thông thường bánh chưng ngày Tết để ở ngoài được 10 ngày sau khi luộc.

 Các loại mứt:

Các loại mứt và trái cây khô thường chứa nhiều đường nên rất dễ chảy nước, làm mất ngon và dễ bị mốc. Muốn bảo quản được lâu, cần để vào lọ nhựa hoặc lọ thủy tinh, đậy kín nắp. Mỗi lần chỉ lấy ra ít một để ăn hết, phần còn dư, không cất trở lại vào lọ. Những thực phẩm này không nên cất vào tủ lạnh vì khi bỏ ra ngoài rất dễ hút ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển.

 Dưa hành, củ kiệu:

Mua hành, kiệu về làm muối dưa, chúng ta không nên cắt quá sâu vào phần củ. Sau khi rửa để củ thật ráo nước, nếu không sẽ dễ bị hỏng. Nước đun sôi để nguội, cho củ vào ngâm. Không nên muối nhạt quá, như vậy củ hành, kiệu để được lâu, không bị chua nổi váng trên bề mặt. Nếu thời tiết có nắng, mở nắp mang cả hũ ra phơi, dưa sẽ giòn và để được lâu hơn.

 Giò chả, nem chua:

Bịt đầu cắt của miếng giò bằng lá chuối hoặc lá dong.

Là những loại thực phẩm rất dễ bị hỏng và thiu nếu nhà không có tủ lạnh, chúng ta bảo quản bằng cách lột hết lớp vỏ gói bên ngoài để thức ăn không đổ mồ hôi. Sau đó đậy bằng rổ hoặc lồng bàn, nhưng phải có nhiều lỗ thoáng nhỏ và tránh để nơi có hơi gió. Lưu ý: Sau khi cắt giò chả ra ăn nhưng chưa dùng hết, chúng ta nên lấy một miếng lá chuối, hoặc lá dong sạch bọc kín mặt cắt của miếng giò, chả cho đỡ bị khô và bị thâm cho những lần ăn sau.

 Thịt kho, cá kho:

Nấu chín, khi nhấc xuống bếp nên để ở một nơi cố định, tránh lắc mạnh. Có thể cho nồi nước khác lớn hơn, mức nước cách miệng nồi thịt, cá kho khoảng 10 - 15 cm để tránh nước tràn vào, đậy bằng vung đất nung. Nước trong nồi lớn sẽ bốc hơi lên vung, làm tỏa hơi mát xuống nồi thức ăn bên dưới. Như vậy sẽ bảo quản được thịt, cá kho lâu hơn.

Hoa Hạ (sưu tầm)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh