THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:06

Các tỉnh miền Trung tăng cường kết nối online, đưa lao động trở lại thị trường việc làm

Người lao động tham gia phỏng vấn việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng

Người lao động tham gia phỏng vấn việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng

Theo các cơ quan chức năng, lao động khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhiều năm nay nổi lên vấn đề là những người trong độ tuổi lao động đều đổ xô về các thành phố lớn, khu công nghiệp để lập nghiệp. Điều này khiến số người trong độ tuổi lao động ở lại địa phương rất thấp.

Trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã có hàng nghìn người lao động ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... trở về quê hương, trong đó chủ yếu là các lao động của miền Trung - Tây Nguyên. Bên cạnh số lao động tại địa phương bị mất việc làm do dịch Covid-19 cùng với làn sóng người từ vùng dịch trở về vô hình trung đã gây ra áp lực lớn cho các địa phương trong công tác giải quyết chính sách về lao động, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Các địa phương có đông người lao động trở về trong dịp này như: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đã gặp nhiều sức ép về tạo việc làm trong thời gian vừa qua cũng như trong giai đoạn hậu Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, sự trở về của nhiều lao động từ phía Nam lần này có thể sẽ tạo ra nguồn nhân lực đáng kể, nhất là những lao động có tay nghề cao cho các địa phương. Vì vậy, nhiều địa phương sau khi đón người dân về quê đang có kế hoạch để đào tạo chuyển đổi nghề, nâng cao tay nghề, qua đó tạo việc làm ổn định ngay tại địa phương cho người lao động. 

Với vai trò là đầu mối về giải quyết việc làm, đào tạo nghề, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thời gian qua, các Trung tâm Dịch vụ việc làm khu vực miền Trung đã tăng cường kết nối để hỗ trợ người lao động. Đặc biệt, các Trung tâm Dịch vụ việc làm đã thường xuyên liên kết tổ chức các sàn giao dịch việc làm online để hỗ trợ người lao động nói chung, lao động thuộc diện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, lao động từ miền Nam trở về địa phương do chịu tác động của đại dịch Covid-19, sớm quay lại thị trường lao động.

Các tỉnh miền Trung tăng cường kết nối để đưa lao động thất nghiệp, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 quay lại thị trường việc làm. Ảnh minh hoạ

Các tỉnh miền Trung tăng cường kết nối để đưa lao động thất nghiệp, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 quay lại thị trường việc làm. Ảnh minh hoạ

Đơn cử như tại Thừa Thiên Huế, tính đến tháng 10/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận hơn 7.000 lao động bị mất việc làm đến giải quyết chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, qua thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 72.800 người trở về từ vùng dịch, trong đó khoảng 16.190 lao động có nhu cầu giới thiệu việc làm, học nghề và vay vốn để làm ăn.

Hàng tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức các hoạt động tư vấn chuyên sâu về việc làm và học nghề cho những trường hợp lao động nói trên để họ sớm quay lại thị trường lao động.

Trong 10 tháng năm 2021, Trung tâm đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho gần 500 lao động; riêng từ thời điểm làn sóng dịch thứ 4 (đầu tháng 5) bùng phát, đã có 307 lao động tham gia học nghề chuyển đổi nghề tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên Huế. Các ngành nghề thu hút người lao động tham gia học chủ yếu, như: May công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn và vệc sinh an toàn thực phẩm, pha chế đồ uống, lái xe, thương mại điện tử, tin học ứng dụng… Trung tâm cũng đã tổ chức kết nối người lao động với doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận thông qua các phiên giao dịch định kỳ hàng tháng, các hoạt động tư vấn, phỏng vấn online,… Đồng thời, tổ chức các hoạt động truyền thông, cung cấp thông tin thị trường lao động bằng nhiều hình thức, như: Trên kênh phát thanh truyền hình tỉnh, qua trang thông tin điện tử của đơn vị, khai thác các ứng dụng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội,…

Trong khi đó, tại TP Đà Nẵng, trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung, địa phương này cũng đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động với nhiều hình thức đa dạng; mở rộng các hình thức hỗ trợ đào tạo nghề, liên kết với các cơ sở dạy nghề có uy tín và chất lượng tổ chức hỗ trợ học nghề cho người lao động; tư vấn cho lao động thất nghiệp đủ điều kiện, sức khỏe, học vấn tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… Qua đó, đã giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mất việc, giúp họ nhanh chóng tìm được việc làm, nâng cao thu nhập để ổn định cuộc sống.

Đặc biệt, trong tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khiến nhiều lao động có tâm lý e dè trong vấn đề tìm việc làm. Thời gian qua, để giải quyết việc làm cho người lao động cũng như tình trạng thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp sau giãn cách, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng đã tăng cường mời gọi doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng. Bên cạnh đó, phối hợp với phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện tổ chức hội nghị chuyên đề tư vấn giới thiệu việc làm học nghề cho người lao động, đem việc làm xuống tận cơ sở. Mỗi phiên giao dịch việc làm tại trung tâm luôn có khoảng 60-70 doanh nghiệp đăng ký tham gia với 3.000-4.000 vị trí.

Để giải quyết việc làm cho lao động, từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh thuộc khu vực miền Trung như: Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi đã tăng cường các phiên giao dịch việc làm kết nối trực tuyến. Từ những phiên giao dịch kết nối này, đã có rất nhiều lao động, trong đó có lao động thuộc diện hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, lao động chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 tham gia thị trường việc làm trở lại.

Nhiều lao động tại khu vực miền Trung đã sớm quay lại thị trường lao động. Ảnh minh hoạ

Nhiều lao động tại khu vực miền Trung đã sớm quay lại thị trường lao động. Ảnh minh hoạ

Có thể nói, cùng với việc triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo các Nghị quyết 68, Nghị quyết 116, Quyết định số 23 và 28,… của Trung ương cũng như các chính sách hỗ trợ cấp tỉnh, việc thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp mà các Trung tâm Dịch vụ việc làm khu vực miền Trung thực hiện đã góp phần giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhiều lao động đã được chuyển đổi nghề, tham gia trở lại thị trường lao động và có việc làm, thu nhập ổn định bảo đảm đời sống.      

CT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh