THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:30

Các tỉnh miền Tây kiến nghị tạm ngưng cho người dân về quê

Chiều tối 3/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị chỉ đạo siết chặt, kiểm soát khu vực TP HCM và các tỉnh lân cận, để không cho người dân tự ý về miền Tây.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, khi TP HCM và nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, công dân ở nhiều tỉnh, thành phía Nam tự ý chạy xe máy về khu vực ĐBSCL một cách ồ ạt, gây quá tải nghiêm trọng, trực tiếp uy hiếp về an ninh của các tỉnh, đặc biệt là an toàn phòng chống dịch Covd-19.

Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị Thủ tướng, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, công an chỉ đạo lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương, đặc biệt là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm soát nghiêm ngặt, ngăn chặn không cho người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa bàn trong 15 ngày.

Các chốt thực hiện test nhanh cho người dân về quê

Các chốt thực hiện test nhanh cho người dân về quê

Theo ông Phạm Văn Thiều cho rằng 2 ngày qua Bạc Liêu đã tiếp nhận trên 10.000 công dân của tỉnh này chạy xe máy về quê. Nếu người dân tiếp tục tự ý về quê sẽ gây nguy cơ "vỡ trận" hàng loạt tại các tỉnh, nhất là Bạc Liêu - nơi có các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, kinh phí và điều kiện đảm bảo y tế rất thiếu thốn.

 

Cùng ngày, ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết ông cùng lãnh đạo 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đề nghị tạm ngưng cho người dân tự về quê.

"Thời gian tạm ngưng tiếp nhận 15 ngày. Trong thời gian này, các địa phương chuẩn bị mọi mặt và lo chu đáo cho số bà con đã về. Sau khi ổn định, tỉnh sẽ xin ý kiến tiếp", ông Lâu nói.

Ông Lâu cho biết những ngày qua, người dân từ các tỉnh, thành phố đổ về quê quá đông. Riêng đêm 2/10, có khoảng 20.000 người tự về quê, đông nghẹt một đoạn quốc lộ 1. "Như vậy chỉ trong vài ngày, đã có gần 30.000 người tự về quê. Năng lực tiếp nhận của Sóc Trăng chỉ khoảng chừng này, nếu bà con về thêm nữa, sẽ vỡ trận", ông Lâu nói.

Những người tự về khi vào địa phận Sóc Trăng sẽ có lực lượng chức năng dẫn đường đưa vào Khu văn hóa Hồ nước ngọt để khám sàng lọc. Sau đó, người dân ở địa phương nào sẽ được đoàn dẫn đường đưa về địa phương đó cách ly tập trung.

"Trước mắt, tỉnh tận dụng trường học làm cơ sở cách ly tập trung. Khẩn trương xây dựng nhà vệ sinh, lo chỗ nghỉ ngơi cho người dân. Ngoài ngân sách, tỉnh vận động xã hội hóa, kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm cùng chung sức lo bữa ăn cho ngời dân được tươm tất", ông Lâu cho biết.

Tuyên truyền người dân nên trật tự và ổn định để lực lượng y tế thực hiện test nhanh

Tuyên truyền người dân nên trật tự và ổn định để lực lượng y tế thực hiện test nhanh

"Nếu TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An không siết chặt quản lý người dân thì các tỉnh ĐBSCL sẽ không thể kiểm soát được dịch bệnh. Rất mong Thủ tướng, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 quan tâm chỉ đạo giúp cho các tỉnh ĐBSCL" - văn bản của tỉnh Sóc Trăng nêu.

Ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết trong đêm 2/10, người dân về quê trên 10.000 người. Đến 8h30 ngày 3/10, số người về tỉnh An Giang đã lên trên 15.000 người. Các huyện đã tổ chức đón về 5.221 người. Hiện còn lại 9.966 người chưa bố trí cho các huyện.

"Chúng tôi tạm thời bố trí tất cả bà con tại các trường học hay nhà thi đấu đa năng của TP Long Xuyên để làm nơi tiếp nhận. Sau đó, tỉnh sẽ giao lại cho các huyện, thị, thành phố. Bà con về quê tự phát làm tỉnh quá tải sức chứa. Hầu như các trường học trong tỉnh đều trở thành khu cách ly", ông Bình nói.

Sở GD-ĐT tỉnh An Giang đã đồng ý cho 700 điểm trường học ở tỉnh làm nơi cách ly tập trung hoặc tiếp nhận công dân về quê.

Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho rằng hiện nay, tình hình dịch bệnh trong tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp, các ca mắc trong cộng đồng tiếp tục tăng, đặc biệt các ổ dịch mới phát sinh trong thời gian gần đây tại các huyện cù lao Phú Tân, Tân Châu và Chợ Mới. 

Phát nước và lương thực cho người dân

Phát nước và lương thực cho người dân

"Qua xét nghiệm, sàng lọc trong ngày 1/10 đã có trên chục trường hợp dương tính COVID-19. Việc về ồ ạt, tập trung như hiện nay rất nguy hiểm trong công tác kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Nếu không khéo, cả vùng ĐBSCL sẽ trở thành vùng đỏ do dịch lây lan", ông Bình nói thêm.

Còn ông Phạm Thiện Nghĩa - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho hay đến sáng nay ông vẫn đang ở chốt cửa ngõ Đồng Tháp. Trong đêm 2-10, có trên 15.000 người dân đổ về quê. Tính từ ngày 1-10 đến nay, Đồng Tháp đã tiếp nhận trên 20.000 người về quê.

"Hiện tại chúng tôi đã đưa bà con vào các điểm trường học tạm thời. Sau đó người dân ở huyện nào đưa về huyện đó để sàng lọc, phân loại. Hiện tại chúng tôi đang vận động cơm, nước, bánh mì và tiền xăng cho bà con về nhà. Nếu tình trạng này tiếp tục, có thể sẽ không đủ lực lượng kiểm soát và phòng chống dịch", ông Nghĩa nói thêm.

Ngày 3/10, tỉnh Kiên Giang tiếp tục đón khoảng hơn 1.300 công nhân tự phát về quê bằng phương tiện xe gắn máy tại điểm giáp ranh với tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ. Sau khi tiếp nhận và làm các xét nghiệm có kết quả âm tính, lực lượng Công an dẫn đoàn công nhân đưa về đến địa điểm giáp ranh của các huyện, thành phố để địa phương tiếp nhận, đưa về cách ly y tế tại hộ gia đình.

Trước đó, từ chiều 1/10 và ngày 2/10, hơn 1.700 người dân tự phát về Kiên Giang bằng xe máy được Công an TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang dẫn đoàn đến địa bàn giáp ranh tỉnh Kiên Giang để bàn giao.

Công nhân lao động về quê với số lượng lớn khiến nhiều tuyến đường kẹt cứng

Công nhân lao động về quê với số lượng lớn khiến nhiều tuyến đường kẹt cứng

Tại điểm kiểm soát thuộc huyện Tân Hiệp, lực lượng làm nhiệm vụ đã bố trí thức ăn nhanh, nước uống để bà con dùng tạm sau hành trình dài. Sau khi tiếp nhận, người dân Kiên Giang sẽ được phân theo từng địa bàn để bố trí nơi nghỉ tạm thời. Lực lượng y tế ngay sau đó tiến hành xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2, khi có kết quả âm tính thì có xe của lực lượng chức năng dẫn đường đưa về ở địa bàn giáp ranh để các địa phương tiếp nhận. Đối với các trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2, lực lượng chức năng sẽ đưa về khu thu dung, điều trị của tỉnh tại Bệnh viện đa khoa cũ để tiến hành xét nghiệm RT-PCR.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng tỉnh An Giang, từ ngày 1-10 đến 5 giờ 55 phút ngày 3-10, tỉnh An Giang đã tiếp nhận hơn 11.200 công dân di chuyển bằng xe máy tự phát về quê. Lực lượng chức năng tỉnh đã hướng dẫn người dân vào các điểm tập trung tạm thời trên địa bàn TP Long Xuyên để sàng lọc, bố trí cách ly hợp lý. Đồng thời, tổ chức test nhanh cho những công dân này, các trường hợp âm tính với SARS-CoV-2 sẽ được các huyện, thị xã, thành phố theo địa chỉ thường trú đón về và thực hiện cách ly theo quy định.

Nhiều tỉnh kêu gọi người dân ngưng về quê

Nhiều tỉnh kêu gọi người dân ngưng về quê

Theo UBND tỉnh Bến Tre, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam yêu cầu ngành chức năng tỉnh kiểm soát chặt chẽ người dân về tỉnh, kể cả người dân được đưa đón theo kế hoạch hay tự phát; tiếp tục trưng dụng các trường học làm điểm cách ly; mỗi huyện đảm bảo ít nhất 500 chỗ cách ly.

Tỉnh Bến Tre sẽ chọn 3 điểm cách ly tập trung, gồm: Trung đoàn 895, Trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi - Khu Đồng Gò, Trường Cao Đẳng Bến Tre, với khoảng 1.000 chỗ cách ly. Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện cách ly tại nhà một số trường hợp như người già có bệnh, phụ nữ sắp sinh và trẻ em, giao ngành y tế địa phương theo dõi thật sát các trường hợp cách ly tại nhà. Theo quy định, hiện tỉnh áp dụng cách ly tập trung 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày đối với các trường hợp công dân về tỉnh.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính từ ngày 1/10 đến ngày 3/10, các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng có trên 60.000 người tự phát đi xe máy từ TPHCM và các tỉnh thành lân cận trở về. Dự kiến, trong vài ngày tới, con số này sẽ tiếp tục tăng cao.

PHA LÊ (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh