Mưa lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đề phòng lũ quét, lở đất
- Tây Y
- 22:23 - 14/08/2017
Theo tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ ngày 13/8 đến hết ngày 16/8 ở các tỉnh vùng núi phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm.
Từ ngày 14-17/8, trên thượng lưu sông Hồng có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ từ 1,5-3,5m, đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng đạt mức báo động 1 đến báo động 2, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt các tại các tỉnh: Lai Châu, Sơn la, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao bằng Bắc Kạn. Hiện nay các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện đã tích đầy nước nên nguy cơ cao rủi ro về an toàn công trình và hạ du khi gặp những trận mưa lớn.
Đợt mưa lũ đầu tháng 8 đã gây hậu quả nghiêm trọng ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc.
Đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, mùa lũ năm 2017 đến sớm và lớn hơn trung bình nhiều năm. Hiện mực nước cao nhất ngày 12/8, trên sông tiền tại Tân Châu 3,22m, trên sông Hậu tại Châu Đốc 2,72m, trong những ngày tới mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục biến đổi chậm, đến ngày 16/8, mực nước cao nhất tại Tân Châu 3,2m; tại Châu Đốc 2,6m.
Ngày 13/8/2017 Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai có Công điện số 36 và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn - Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai có Công điện số 37 gửi các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và một số Bộ, ngành liên quan chỉ đạo công tác ứng phó với diễn biến của mưa lũ, lũ sớm, lũ lớn.
Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ, lũ sớm, lũ lớn, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Cục Cứu hộ - Cứu nạn đề nghị:
Đối với Bộ Tham mưu Quân khu 1, 2, 3; Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng:
Chỉ đạo các đơn vị vùng núi phía Bắc, thường xuyên cập nhật, nắm chắc diễn biến tình hình mưa lũ, đặc biệt là các tỉnh đã bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua, nay có thể tiếp tục bị lũ quét, sạt lở đất do đợt mưa lũ mới gây ra để tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và các khu vực thường xuyên bị lũ chia cắt nhất là vùng sâu, vùng xa; các hồ chứa bảo đảm vận hành an toàn, các công trình đang thi công không để xảy sự cố. Tiếp tục sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhất là các hộ ở ven sông suối, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, tránh tư tưởng chủ quan, bất cẩn dẫn tới thiệt hại về người.
Các đơn vị tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương giúp dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu, phục hồi sản xuất và đời sống;
Duy trì nghiêm túc chế độ trực; sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống và cứu hộ, cứu nạn. Bảo đảm an toàn khi sử dụng lực lượng, phương tiện.
Bộ Tham mưu Quân khu 7, 79:
Chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các đơn vị, theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ sớm, lũ lớn; tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương thông tin, cảnh báo đến với người dân nhất là vùng thấp, trũng ven sông để chủ động các biện pháp phòng tránh;
Chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng kiểm tra các đê bao, bờ bao, hệ thống kênh rạch có diễn biến sạt lở, bảo đảm an toàn hệ thống kho tàng, doanh trại của đơn vị. Sẵn sàng điều động lực lượng giúp dân thu hoạch diện tích lúa hè thu sớm khi địa phương có yêu cầu.
Các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo về Bộ Tổng Tham mưu (qua Cục Cứu hộ - Cứu nạn) để Bộ theo dõi, chỉ đạo.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
4 tháng trước
Tin nên đọc