Các nội dung về công tác thanh tra năm 2023 của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội
- Bài thuốc hay
- 14:15 - 21/04/2023
1. Công tác thanh tra
Tại văn bản số 4388/LĐTBXH-TTr, ngày 01 tháng 11 năm 2022 của Bộ LĐTBXH hướng dẫn công tác thanh tra năm 2023 đối với Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Sở) và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất nội dung thanh tra, kiểm tra năm 2023 theo các nội dung:
1.1. Thanh tra hành chính
Thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, công vụ của tổ chức và cá nhân; công tác quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
1.2. Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành
1.2.1. Lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Năm 2023, toàn quốc tập trung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; thanh tra toàn bộ doanh nghiệp/đơn vị nợ đọng, trốn đóng, chậm đóng, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với 100% doanh nghiệp/đơn vị có hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý.
1.2.2. Lĩnh vực lao động, an toàn, vệ sinh lao động
- Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nhiều nguy cơ mất an toàn lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tập trung lĩnh vực sản xuất thép; hóa chất; xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; sử dụng nhiều máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; lĩnh vực có nguy cơ phát sinh bệnh nghề nghiệp, yếu tố gây nguy hiểm cho người lao động; sử dụng nhiều lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Tiếp tục triển khai, hướng dẫn tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động trên trang thông tin điện tử http://tukiemtraphapluatlaodong.gov.vn theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BLĐTBXH ngày 17/10/2018 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH; tổng hợp tình hình tự kiểm tra tại các cơ sở lao động đóng trên địa bàn báo cáo Thanh tra Bộ LĐTBXH.
1.2.3. Lĩnh vực người có công
Thanh tra việc xét duyệt, xác nhận hồ sơ bệnh binh, hồ sơ thương binh xác lập theo Thông tư liên tịch số 20/2000/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 20/9/2000; việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí ưu đãi người có công với cách mạng; thanh tra việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; công tác mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí ưu đãi người có công với cách mạng.
1.2.4. Lĩnh vực trẻ em
Thanh tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; việc chấp hành các quy định của pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội; kiểm tra, xác minh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực kinh tế phi chính thức có sử dụng lao động chưa thành niên.
1.2.5. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
1.2.6. Các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành LĐTBXH (phòng chống tệ nạn xã hội, bảo trợ xã hội, quản lý cai nghiện ma túy, giảm nghèo…): kịp thời theo dõi, lựa chọn những vấn đề, nội dung gây bức xúc, được dư luận quan tâm để xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2023.
2. Công tác tiếp công dân và giải quyết đơn, khiếu nại, tố cáo
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động đối thoại, kịp thời tháo gỡ bức xúc của công dân nhằm đảm bảo hoạt động tiếp công dân hiệu quả, thực chất; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân, chú trọng lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp và xử lý phản ánh, kiến nghị của công dân. Giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
3. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
- Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là việc rà soát, nhận diện các vị trí việc làm có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, từ đó đưa ra giải pháp phòng ngừa hiệu quả, phù hợp với thực tiễn; điều chuyển, luân chuyển vị trí việc làm theo quy định của pháp luật và yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
- Thực hiện xác minh tài sản, thu nhập hàng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai theo quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng.
4. Công tác giám sát, xử lý sau thanh tra
Thực hiện giám sát hoạt động của tất cả các đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ quyết định thanh tra, quyết định xử lý, xử phạt vi phạm hành chính, kết luận thanh tra.
5. Công tác xây dựng lực lượng
Cử công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, qua đó tăng cường hiệu quả, chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra; hướng tới xây dựng đội ngũ thanh tra chuyên nghiệp; giữ vững kỷ cương, liêm chính, đạo đức nghề nghiệp trong công tác thanh tra.
6. Công tác thông tin, báo cáo
- Thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác thanh tra, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các nội dung có liên quan về Bộ LĐTBXH (qua Thanh tra Bộ LĐTBXH); nội dung báo cáo, thông tin đảm bảo chất lượng, theo biểu mẫu quy định.
- Bảo đảm yêu cầu công tác quản lý nhà nước của Sở và tình hình thực tế của địa phương, đồng thời tránh chồng chéo, trùng lặp trong công tác thanh tra, kiểm tra theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.