Các nhà khoa học Nga bị gấu Bắc cực bao vây
- Văn hóa - Giải trí
- 01:36 - 16/09/2016
Hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin, một nhóm chuyên gia thời tiết của nước này cho biết, trạm quan sát của họ ở Bắc Băng Dương bị những con gấu Bắc cực bao vây trong suốt 2 tuần.
5 nhà khí tượng học làm việc tại trạm quan sát trên đảo Troynoy thuộc vùng cực Bắc. Họ nói có khoảng 10 con gấu trưởng thành và vài con gấu con. Trong đó, có một con gấu cái ban đêm lại đến ở ngay cạnh cửa sổ của trạm quan sát, khiến các nhà khoa học không dám ra ngoài.
Họ cũng cho biết, họ bị mắc kẹt vì hết đồ phát sáng thường dùng để xua đuổi gấu Bắc cực. Hai con chó sống tại trạm quan sát cũng bị bầy gấu ăn thịt.
Gấu Bắc cực phải đi xa hơn để tìm thức ăn do biến đổi khí hậu. Ảnh: Hurtigruten.
Sự xuất hiện của bầy gấu khiến công việc của các nhà khoa học gặp khó khăn. Luật của Nga cấm giết gấu Bắc cực, vì chúng là loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Chuyến tàu tiếp theo cung cấp đồ phát sáng và chó bảo vệ cho trạm theo dự kiến phải một tháng nữa mới tới. Tuy nhiên, theo Guardian, một con tàu khác thuộc đội tàu thám hiểm của Nga tình cờ đi ngang qua và ghé lại hòn đảo.
Sau khi được cung cấp các vật dụng phòng thân, họ đã làm việc trở lại. Họ cũng được yêu cầu khi ra ngoài phải đi thành cặp để giữ an toàn.
Sự việc tương tự đã xảy ra vào năm ngoái. 5 con gấu Bắc cực bao vây một trạm khí tượng của Nga trên đảo Vaygach. "Khi bạn đi ra ngoài, đầu bạn luôn phải xoay 360 độ. 3 lần chúng tôi bắn dụng cụ phát sáng và bọn gấu thậm chí chẳng buồn sợ" - Một nhà khoa học kể lại câu chuyện trên đảo Vaygach.
Gấu Bắc cực thường không đến gần nơi ở của người. Tuy nhiên, hiện tượng này lại gia tăng gần đây, được cho là do biến đổi khí hậu. Băng tan và sự thiếu hụt nguồn thức ăn khiến gấu Bắc cực buộc phải đi xa hơn để tìm mồi.