Các hãng thời trang lớn chạy đua sản xuất "bộ giáp" phòng hộ từ đầu đến chân
- Bài thuốc hay
- 03:40 - 11/04/2020
Ngay sau khi toàn dân thực hiện giãn cách xã hội, các thương hiệu thời trang lớn nhỏ đều đồng loạt đóng cửa chuyển sang hình thức bán online nhưng doanh số không khả quan.
Theo chia sẻ từ một số chủ và quản lý cửa hàng quần áo tại phố Chùa Bộc, trung bình một ngày cửa hàng chỉ bán được 2 – 3 đơn hàng đặt online.
"Cửa hàng tôi đã phải cắt giảm gần hết nhân viên, chỉ để lại 1 – 2 người làm công việc chốt đơn và đăng bài bán hàng online vì cửa hàng vẫn phải đi thuê nên không thể "đóng băng" hoàn toàn được", chị Hân, quản lý cửa hàng quần áo tại Chùa Bộc nói.
Chính vì tình trạng ế ẩm như vậy, một số thương hiệu thời trang như IVY moda, Format, May 10 hay Tokyo Life cũng đã bắt đầu chuyển sang sản xuất và bán đồ phòng dịch Covid-19.
Thương hiệu thời trang IVY moda tung ra thị trường đồ bảo hộ phòng dịch Covid-19.
Mới đây, IVY moda đã tung ra bộ sản phẩm bộ bảo hộ phòng dịch người lớn được hãng này tự sản xuất với 2 màu xanh, trắng và sử dụng 1 lần bao gồm áo mũ liền quần, bao chân. Ngoài ra, hãng thời trang này cũng sản xuất thêm cả khẩu trang.
"Đồ bảo hộ này được làm từ chất liệu PP Sunboned 40gsm thoáng khí, chống giọt bắn, không thấm nước và có thể dễ dàng phân hủy, không gây ô nhiễm môi trường", phía IVY cho biết.
Cũng giống IVY moda, Công ty May 10 cũng đã cho ra thị trường bộ bảo hộ phòng dịch với màu trắng và hồng nhạt. Ngoài ra còn kèm đồ bảo hộ cho cả vali kéo với những người hay di chuyển. Trước đó, công ty này cũng chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang để phục vụ người dân trong việc phòng dịch.
Hãng May 10 cũng bắt đầu chuyển sang bán đồ bảo hộ bên cạnh những chiếc khẩu trang kháng khuẩn trước đó.
Ngoài ra, thương hiệu thời trang Format và thương các cửa hàng TokyoLife cũng thông báo chuyển sang sản xuất và bán khẩu trang, kính chống giọt bắn....
Không chỉ có các thương hiệu thời trang và cửa hàng lớn, một số hàng kinh doanh thời trang nhỏ lẻ cũng đồng loạt bán các sản phẩm phòng chống dịch như khẩu trang, kính, mũ chống giọt bắn qua hình thức online.
Những người bán này cho biết, dù là mặt hàng bán thêm khi xảy ra dịch bệnh nhưng lại là nguồn thu lớn của cửa hàng trong thời điểm này.
"Do dịch bệnh kéo dài, từ Tết đến nay sinh viên và một số văn phòng cho phép nhân viên làm online nên mặt hàng quần áo rất ế ẩm. Vì vẫn phải thuê mặt bằng nên tôi phải chuyển sang bán đồ bảo hộ. Mỗi ngày tôi bán được 50 -100 bộ dù lãi không nhiều nhưng ít ra vẫn có nguồn thu", chị Trần Thị Hồng, chủ cửa hàng quần áo tại Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.
Format và TokyoLife cũng không đứng ngoài việc kinh doanh các sản phẩm bảo hộ trong dịch Covid-19.
Hiện tại, giá của những sản phẩm bảo hộ đến từ những hãng thời trang cũng như các cửa hàng nhỏ lẻ có sự chênh lệch nhau khá lớn. Đơn cử như bộ quần áo bảo hộ của IVY moda có giá 100.000 đồng đối với bộ người lớn và 80.000 đồng cho bộ trẻ em.
Giá đồ bảo hộ y tế của công ty May10 có giá 538.000 đồng và 100 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn là 700.000 đồng. Ngoài ra, giá của các sản phẩm được bán tại TokyoLife lại có giá "mềm" hơn, mũ kèm kính mềm bảo hộ 200.000 đồng, kính mặt chống giọt bắn cứng 45.000 đồng/chiếc.
Tại các cửa hàng nhỏ lẻ thì giá combo đồ phòng dịch bao gồm bộ đồ bảo hộ, bọc giày, kính, găng tay, khẩu trang là 175.000 đồng. Nếu mua lẻ đồ vô trùng có giá 100.000 đồng/bộ.
"Tôi vừa mua 4 bộ quần áo bảo hộ dùng 1 lần với giá 175.000 đồng/bộ để phòng khi có việc gấp phải ra đường để dùng. Dù biết đây chỉ là sản phẩm bảo hộ có tác dụng phòng chống nhưng cứ cẩn thận là tốt nhất", anh Hoàng Văn Tùng, sống tại Ba Đình, Hà Nội nói.