Các giải pháp, chính sách đã đề ra phải được xem xét, điều chỉnh hợp lý hơn
- Tây Y
- 00:02 - 24/10/2017
Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Về cơ bản, các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được kiên trì thực thi đúng hướng và phù hợp diễn biến thị trường, nền kinh tế duy trì được ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, dần thiết lập nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, việc thực hiện nội dung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, giải quyết yếu kém của một số doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện; chất lượng cuộc sống người dân có cải thiện nhưng chưa rõ ràng.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, chính phủ cần đẩy mạnh thực hiện các chính sách với tầm nhìn trung và dài hạn
Nhận định về kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu của Chính phủ, Ủy ban kinh tế cho rằng, về với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước thực hiện đạt 6,7%: Nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn là thách thức lớn do những nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2017 gồm tiêu dùng của người dân, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo hiện không còn nhiều dư địa, tăng trưởng của ngành nông nghiệp tiềm ẩn rủi ro, các yếu tố khác như khai khoáng, giải ngân vốn đầu tư công dự báo giảm so với năm 2016. Do vậy, Chính phủ cần rà soát, đánh giá các khó khăn và phân tích rõ hơn các yếu tố, nguồn lực để bảo đảm đạt được mức tăng trưởng 6,7%.
Về tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội lên tới 33,42% GDP: Đây là mức cao, một mặt thể hiện tính tích cực nhưng mặt khác thể hiện công tác dự báo khi xây dựng kế hoạch cũng chưa chính xác làm hạn chế trong việc cân đối nguồn lực. Trong khi số chuyển nguồn năm 2016 sang 2017 khá lớn; nguồn vốn đầu tư công giải ngân chậm nhưng tăng trưởng GDP vẫn đạt kế hoạch thì cần phải giám sát chặt chẽ việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong những tháng còn lại nhằm bảo đảm việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước cũng như chất lượng dự án, công trình, tránh việc dồn vốn, co kéo giải ngân hết theo kế hoạch năm nhưng không đạt chất lượng, không bảo đảm hiệu quả.
Về một số chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực lao động, giải quyết việc làm, y tế và môi trường: nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm đối với lao động trẻ, có chuyên môn kỹ thuật. Chưa giải quyết dứt điểm tình trạng chủ sở hữu doanh nghiệp bỏ trốn, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, tiền lương của người lao động; một số địa phương lo vỡ quỹ bảo hiểm y tế do chi trả vượt kế hoạch...
Đối với những tháng còn lại của năm 2017, đa số ý kiến cho rằng, một loạt các giải pháp, chính sách đã đề ra phải được xem xét, điều chỉnh hợp lý hơn. Đây là cơ hội để đẩy mạnh thực hiện các chính sách với tầm nhìn trung và dài hạn. Bên cạnh đó, các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn cần được quan tâm, đánh giá rõ hơn về chất lượng, tránh những rủi ro phát sinh tiêu cực như “bong bóng” trên thị trường chứng khoán, bất động sản và khả năng kiểm soát lạm phát trong các năm tiếp theo...