THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 04:49

Các doanh nghiệp, và nền kinh tế nói chung đang “bơi trong dòng xoáy"

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Diễn đàn

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Diễn đàn

Chiều ngày 8/8, Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023) lần đầu tiên do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức tại Hà Nội.

Chủ đề của diễn đàn là “Bơi trong dòng xoáy”, gồm hai phiên thảo luận chuyên sâu, trong đó các diễn giả tham dự diễn đàn cùng phân tích, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về kinh tế toàn cầu, cũng như kinh tế vĩ mô Việt Nam, đặc biệt là thị trường tài chính, tiền tệ.

Tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra

Các nội dung thảo luận tập trung phân tích những thách thức và cơ hội, các triển vọng trong tương lai, từ đó đưa ra giải pháp nhằm phát triển các thị trường này. Những góc nhìn này kỳ vọng hỗ trợ hệ thống tài chính - ngân hàng, các công ty chứng khoán, cộng đồng doanh nghiệp nói chung… vượt thách thức, đón bắt cơ hội, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc, phát triển.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhìn nhận, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp. Trong khi hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn kéo dài; thì xung đột Nga - Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt… Tất cả khiến kinh tế toàn cầu đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: Lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ bị thắt chặt, lãi suất tăng cao và kéo dài, dẫn đến suy giảm tăng trưởng và cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia, đối tác lớn của Việt Nam, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Trong bối cảnh như vậy, tăng trưởng đầu tư và thương mại toàn cầu thấp; nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, 52 quốc gia đang đối mặt khủng hoảng nợ, thậm chí đứng trước nguy cơ vỡ nợ; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế và nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực… ngày càng gia tăng. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… tiếp tục gây hậu quả nặng nề tại một số quốc gia, khu vực.

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, nhưng khả năng thích ứng, sức chống chịu đối với các cú sốc bên ngoài, cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới.

Chúng ta đã chịu “tác động kép”, không chỉ từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài, mà còn từ những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm qua. Đó là tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài; các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp, dự án thua lỗ, chậm tiến độ dù đang được xử lý nhưng chưa thực sự dứt điểm và hiệu quả; các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều bất cập...

"Bởi thế, dù rất nỗ lực và đã có những tín hiệu khả quan hơn, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm mới ước đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Điều này đặt áp lực nặng nề lên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay...", Thứ trưởng trăn trở.

Các thách thức lớn hiện nay là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chào bán chứng khoán còn khó khăn… Dư nợ tín dụng đến hết tháng 6 chỉ tăng 4,28%, thấp hơn so với con số 9,44% của cùng kỳ năm 2022.

"Có thể nói, các doanh nghiệp nói riêng, cả nền kinh tế nói chung, đang phải 'bơi trong dòng xoáy khó khăn'. Thị trường tài chính Việt Nam cũng vậy. Không chỉ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà còn cả thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… đang đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có.", Thứ trưởng nhìn nhận.

Xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn

Ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, một môi trường đầu tư kinh doanh với rất nhiều biến số cần giải mã cả ở phạm vi toàn cầu và quy mô địa phương, từ cấp độ vĩ mô đến vi mô là điều quan sát được tại các nền kinh tể trên thế giới cũng như những gì mà cộng đồng doanh nghiệp đang được nếm trải.

Chỉ trong vòng một năm, khoảng thời gian khá ngắn ngủi với một chu kỳ kinh tế, chúng ta đã được tiếp nhận sự đảo chiều liên tục của những dòng chảy thông tin, dự báo và sự kiện. Những lo sợ về cơn bão lạm phát và bóng ma suy thoái ở các nền kinh tế lớn vẫn còn hiện hữu, nhưng bắt đầu được đan xen bằng những dòng chảy lạc quan, tích cực với sự hậu thuẫn của những dữ liệu thống kê cho thấy thực tế đang “không xấu như dự kiến”.

"Theo tính toán của chúng tôi, ngay cả khi năm nay đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thì bình quân hai năm 2024-2025, tăng trưởng GDP phải đạt 7,76%/năm, mới có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5%, cận dưới mục tiêu 5 năm 6,5-7%, theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Còn nếu tăng trưởng năm 2023 chỉ là 6%, thì bình quân hai năm 2024-2025, phải tăng trưởng 8%/năm", ông Phương nói.

"Đây là những mức tăng trưởng rất cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn quá nhiều yếu tố bất định, còn kinh tế trong nước thì vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay. Rất khó để đạt được các con số này, nếu như không có thêm những cơ chế, chính sách đột phá...", Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.

Cũng theo Thứ trưởng, vì vậy, bên cạnh việc thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, chủ động, kịp thời và hiệu quả, cũng như các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là với các dự án trọng điểm, tăng cường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng, thu hút đầu tư nước ngoài…, chúng tôi đã tham mưu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị về việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất - kinh doanh và đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Phương, điểm tích cực là xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn. Các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công… đều cho thấy điều đó.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 đã tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước… Tính chung 7 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài đã lần đầu tiên trong năm tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 16,24 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 195,4 tỷ USD, vẫn giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất siêu trên 16,5 tỷ USD…

Dự báo, trong những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ cả tình hình thế giới, khu vực biến động khó lường và những hạn chế, khó khăn trong nội tại của nền kinh tế. Để kinh tế Việt Nam có thể trụ vững, tiếp tục tăng trưởng và phát triển, để khu vực doanh nghiệp được tiếp sức vượt qua khó khăn, sự vững mạnh của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có ý nghĩa rất quan trọng.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh