CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:33

Các doanh nghiệp ở TP.HCM nỗ lực vượt khó trước làn sóng Covid-19 lần thứ 4

Sự trở lại của chủng Covid - 19 mới đang khiến hoạt động sản xuất của các ngành nghề bị xáo trộn, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự trong mỗi ca sản xuất để đảm bảo chi phí đồng thời tuân thủ lệnh giãn cách xã hội.

Doanh nghiệp lay lắt trong mùa dịch

Trước khi thực hiện giãn cách xã hội toàn TP.HCM, mỗi ca làm việc của Công ty TNHH Việt Thắng Jean là 2.000 công nhân thì nay chỉ còn 1.300 công nhân duy trì công việc để đảm bảo giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của UBND TP.HCM.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ: "Hiện tại công ty nhận nhiều đơn hàng để sản xuất đến hết quý II/2021. Việc giãn ca mỗi ngày khiến lượng điện tiêu thụ gấp 2, 3 lần thời gian trước, công nhân chưa kịp thích nghi thời gian làm việc nên năng suất bị sụt giảm. Theo tôi tính toán chi phí sản xuất cho mỗi sản phẩm tăng lên từ 30%, đồng nghĩa lợi nhuận của công ty bị sụt giảm".

Các doanh nghiệp ở TP.HCM nỗ lực vượt khó trước làn sóng Covid lần thứ 4 - Ảnh 1.

Doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự trong mỗi ca sản xuất để đảm bảo chi phí đồng thời tuân thủ lệnh giãn cách xã hội.

Tương tự là công ty Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM), việc chia thành 2 ca sản xuất vì phải tuân theo quyết định của UBND TP.HCM khiến năng suất lao động của công nhân sụt giảm đến 10%. Trước đó chỉ với 1 ca sản xuất từ 8h đến 5h, nay việc giãn làm 2 ca khiến giờ làm việc bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc 21h. Chính điều này làm phát sinh thêm như tiền điện, nước... do thời gian hoạt động của nhà xưởng kéo dài hơn bình thường.

Các doanh nghiệp da giày cũng phải đối mặt với rủi ro phá sản. Nếu các doanh nghiệp này ngưng làm việc trong 14 đến 21 ngày theo lệnh giãn cách xã hội để tránh rủi ro lây lan dịch Covid-19, khách hàng nước ngoài sẽ hủy hết đơn hàng, dẫn đến doanh nghiệp phá sản, số lượng lớn lao động trong ngành mất việc làm.

Các doanh nghiệp ở TP.HCM nỗ lực vượt khó trước làn sóng Covid lần thứ 4 - Ảnh 2.

Người lao động vừa phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất.

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT công ty giày Gia Định cho biết: "Từ đầu năm đến nay công ty chúng tôi trong bước đà phục hồi tốt, hiện đã ký nhiều đơn hàng đủ sản xuất cho đến hết quý III/2021. Nhưng việc giãn cách xã hội lần này công ty phải giãn ca để có thể kịp tiến độ đơn hàng. Nếu tình trạng giãn cách xã hội kéo dài, chúng tôi lo rằng thời gian hoàn thành đơn hàng sẽ rất khó khăn và các doanh nghiệp giày da phải đối mặt với bài toán khó trong thời gian tới".

Giải pháp cấp bách trước tình trạng báo động

Đối mặt với những thách thức lớn, nhiều doanh nghiệp đã đề ra cho mình nhiều phương án để thích nghi. Đơn cử với công ty TCM, đơn vị này vạch sẵn trường hợp có thể xảy ra và phương án đối phó. Cụ thể, nếu công ty có trường hợp F0 sẽ lập tức ngưng sản xuất tại nơi có ca bệnh, lập hàng rào cách ly và đặt biển cảnh báo, không cho phép người không phận sự ra vào vùng cách ly.

Trường hợp có nhân viên F1, công ty sẽ báo cho cơ sở ý tế địa phương và người bị F1 phải cách ly tập trung theo hướng dẫn của ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở địa phương đó. Hiện tại, công ty cũng đã bố trí giãn ca làm việc nhằm tuân thủ chỉ thị của UBND thành phố trong việc phòng chống dịch Covid-19 và để kịp tiến độ giao hàng.

Với công ty TNHH Việt Thắng Jean, doanh nghiệp thông báo từng công nhân viên tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nêu cao ý thức và trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng và cá nhân, tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra như: thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, đặt các bình nước rửa tay ở mỗi tổ sản xuất, phun sát khuẩn tại nơi làm việc.

Các doanh nghiệp ở TP.HCM nỗ lực vượt khó trước làn sóng Covid lần thứ 4 - Ảnh 3.

Doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực sản xuất.

Trước việc làn sóng Covid-19 mới đang ập đến, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết: "Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may trong làn sóng dịch lần này, Hiệp hội đã gửi những văn bản kiến nghị nhà nước có những chính sách tạo điều kiện để các nhà máy trong ngành này hoạt động bình thường nhằm kịp tiến độ hoàn thành các đơn hàng cho đối tác trong thời gian tới đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành tiếp cận với nguồn Vắc xin tiêm cho người lao động".

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến với các Sở/ngành, quận/huyện về tình hình dịch bệnh Covid -19 trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: "Sẽ triển khai gói hỗ trợ thứ 2 cho doanh nghiệp và người lao động bị mất việc làm trên địa bàn TP.HCM gặp khó khăn vì Covid-19 để duy trì thực hiện 'Mục tiêu kép' và chính sách an sinh xã hội hiệu quả".

Theo đó, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đang thống kê những trường hợp người lao động phải ngừng việc từ 1 tháng trở lên vì dịch Covid-19, từ đó đề xuất TP.HCM có chính sách hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Khoảng thời gian tính hỗ trợ từ tháng 6 đến tháng 12/2021, người lao động mất việc tháng nào, TP.HCM sẽ xem xét, hỗ trợ tháng đó.

Các đối tượng được đề xuất lần này là lao động thuộc 7 công việc sau: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ trên đường phố có địa chỉ cố định; Thu gom rác, phế liệu; Bốc vác, vận chuyển hàng hóa; Lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; Bán lẻ vé số lưu động; Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); Làm công việc thuộc các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Văn bản số 1749/UBND-VX ngày 30/5/2021.

THUÝ QUYÊN
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh