THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:19

Các địa phương cần phân công người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã

 

Để công tác bảo vệ trẻ em ngày càng tốt hơn, các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện nghiêm các quy định về quy trình, thủ tục lập và thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại theo Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em và Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

 

Tập huấn kiến thức bảo vệ trẻ em cho đội ngũ cộng tác viên trẻ em.

 

Đồng thời, xây dựng và thực hiện các quy định, hướng dẫn về quy trình, thủ tục phối hợp đặc biệt giữa các cơ quan tư pháp và giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em nhằm tăng cường hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án xâm hại trẻ em và người chưa thành niên, nhất là các vụ án xâm hại tình dục. Xây dựng và thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành, liên cấp về phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực, xâm hại tình dục, bóc lột trẻ em; thực hiện các giải pháp ứng phó và ngăn chặn các vấn đề về xâm hại trẻ em đang phát sinh; Tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, điều hành và tổ giúp việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp nhằm thực hiện tốt việc phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Các cơ quan có thẩm quyền và UBND các cấp kiên quyết xử lý ở mức cao nhất của khung xử phạt đối với hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Kiên quyết xử lý các hành vi bao che, không tố cáo, không phối hợp, không thực hiện, thực hiện không kịp thời trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục đối với các vụ việc bạo  lực, xâm hại trẻ em, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp và các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em của UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục.

UBND cấp tỉnh và cấp xã xác định, phân công người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã; củng cố, phát triển đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ trẻ em ở cộng đồng dân cư. Bảo đảm đến cuối năm 2019 tất cả các xã, phường, thị trấn có người làm công tác bảo vệ trẻ em hoạt động theo quy định của Luật trẻ em. Đồng thời, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, tư pháp thân thiện với người chưa thành niên và trẻ em, kỹ năng làm việc với trẻ em cho đội ngũ cán bộ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em.

Tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một Trung tâm công tác xã hội làm đầu mối chủ trì, phối hợp việc cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, kết nối với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Đặc biệt, chú trọng tăng cường truyền thông, giáo dục về vai trò, trách nhiệm và trang bị kiến thức, kỹ năng cho các thành viên gia đình, bao gồm kỹ năng làm cha mẹ, và cho trẻ em trong việc bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, xử trí các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Tận dụng ưu thế của mạng xã hội trong việc cung cấp, chia sẻ các thông tin, sản phẩm truyền thông về phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Trong thời gian tới, Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường giám sát việc thực hiện Luật trẻ em và pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; việc bố trí nhân lực và ngân sách ở địa phương để thực hiện công tác bảo vệ trẻ em; trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các bộ, ban, ngành trung ương; việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) liên quan đến bảo vệ trẻ em như trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị trừng phạt bằng hình thức bạo lực, kết hôn sớm, lao động trẻ em. Quyết định dành tỷ lệ ngân sách hằng năm phù hợp cho việc thực hiện các Chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em; cho công tác bảo vệ trẻ em nói chung, bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia về trẻ em yêu cầu và kiểm tra việc xác định các nội dung, mục tiêu và chỉ tiêu bảo vệ trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương; bố trí và sử dụng ngân sách hằng năm của bộ, ngành, địa phương để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em thuộc trách nhiệm được Luật trẻ em quy định; bổ sung các chỉ tiêu liên quan đến phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong SDGs vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia để theo dõi, đánh giá tình hình bảo vệ trẻ em.

Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh hướng dẫn việc bố trí và ưu tiên bố trí kinh phí để duy trì, phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; phát triển nghề công tác xã hội và nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp; thực hiện các chính sách hỗ trợ và vận động xã hội hỗ trợ cho trẻ em dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng kinh tế - xã hội khó khăn.

Ủy ban Quốc gia về trẻ em đôn đốc việc bổ sung, hoàn thiện chính sách về bảo vệ trẻ em và chính sách cho các nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh; xây dựng và thực hiện kế hoạch liên ngành, liên cấp phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Ủy ban định kỳ kiểm tra và chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra liên ngành việc thực hiện trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức, địa phương trong công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh