Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các Công ước quốc tế có liên quan đến đối thoại tại nơi làm việc
- Bài thuốc hay
- 20:38 - 08/12/2017
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đại diện Vụ QHQT, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Đối thoại tại nơi làm việc là nội dung được qui định trong Bộ luật Lao động của Việt Nam. Đối thoại tại nơi làm việc là việc làm nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần giảm tranh chấp lao động tập thể trong từng doanh nghiệp. Hội thảo được tổ chức với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật thông tin của các đối tác ba bên và doanh nghiệp về việc triển khai các tiêu chuẩn lao động quốc tế và pháp luật Việt Nam về thương lượng tập thể và đối thoại tại nơi làm việc việc.
Chia sẻ về các tiêu chuẩn lao động quốc tế liên quan đến đối thoại tại nơi làm việc và nội luật hóa tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, về các tiêu chuẩn quốc tế tại nơi làm việc của ILO chia thành 2 loại: Tiêu chuẩn kỹ thuật trực tiếp và Tiêu chuẩn liên quan. Về Tiêu chuẩn kỹ thuật trực tiếp thì không có tiêu chuẩn kỹ thuật trực tiếp dưới hình thức các tiêu chuẩn bắt buộc (các công ước). Chỉ có tiêu chuẩn dưới hình thực khuyến nghị, như Khuyến nghị số 94 (1952) về tham vấn và hợp tác tại nơi làm việc giữa người lao động - người sử dụng lao động Về Tiêu chuẩn có liên quan: có Công ước 135 (1971) và Khuyến nghị số 143 (1971) về những bảo vệ và điều kiện, phương tiện cho đại diện người lao động tại nơi làm việc.
Có khoảng 30 doanh nghiệp giày da và dệt may tham gia hội thảo
Kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới cho thấy, ví dụ như ở Áo liên quan đến vấn đề đối thoại tại nơi làm việc, các doanh nghiệp có 5 lao động trở lên phải thành lập Hội đồng. Hội đồng là cơ quan đại diện cho tất cả người lao động trong doanh nghiệp, có nhiệm kỳ 4 năm. Hội đồng lao động có quyền được thông tin, tham vấn và cùng ra quyết định. Người sử dụng lao động phải tổ chức thảo luận thường xuyên với Hội đồng và thông báo cho Hội đồng những vấn đề quan trọng đối với người lao động... Còn đối với Hàn Quốc, Hội đồng - Quản lý được thành lập ở doanh nghiệp có trên 30 lao động. Thành phần của Hội đồng gồm 2 bên, bên đại diện người lao động do người lao động bầu, người sử dụng lao động không được can thiệp vào quá trình bầu cử, nhiệm kỳ của Hội đồng là 3 năm. Hội đồng họp định kỳ 3tháng/lần và họp đột xuất khi cần thiết. Thành viên đại diện người lao động tham gia hội đồng được bảo vệ và tạo điều kiện hoạt động...
Kinh nghiệm trong việc thúc đẩy đối thoại tại nơi làm việc từ Better Word, bà Phạm Thị Hồng Liên, Trưởng nhóm tư vấn Chương trình Better Word Viêt Nam cho biết, Better Work là chương trình hợp tác giữa ILO và Công ty tài chính quốc tế (IFC) với mục tiêu cải thiện môi trường làm việc an toàn, công bằng, hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngày dệt may và da giày. Khảo sát của Better Work Việt Nam về tình hình thực hiện đối thoại và thương lượng tập thể tại trên 300 doanh nghiệp thuộc ngành da giày và dệt may, đánh giá chung cho thấy các điểm mà có tỷ lệ không tuân thủ cao nhất là là: chủ sử dụng lao động không tham vấn với công đoàn theo yêu cầu của luật định; thỏa ước tập thể không được ít nhất 50% người lao động thông qua hay thỏa ước tập thể không được tuyên truyền phổ biến cho người lao động. Đối với can thiệp và phân biệt đối xử thì có tới 37% ban quản lý tham gia vào hoạt động công đoàn (bao gồm cả việc tham gia vào ban chấp hành công đoàn và quá trình ra quyết định hay các hoạt động công đoàn). Điều này khiến cho tình hình thực hiện đối thoại và thương lượng tập thể có phần không hiệu quả.
Toàn cảnh hội thảo
Khảo sát của Bộ LĐTB&XH gần đây tại 139 DN cho thấy, hầu hết các DN đều triển khai thực hiện đối thoại tại nơi làm việc, tập trung nhiều nhất là tình hình sản xuất kinh doanh, tiền lương, tiền thưởng, chế độ phúc lợi cho NLĐ, chế độ an toàn vệ sinh lao động, đào tạo, việc làm… Trong số các DN tổ chức đối thoại có 30% DN tổ chức đối thoại định kỳ 1 tháng/lần, 52% DN tổ chức đối thoại định kỳ 3 tháng/lần, 4% tổ chức 6 tháng/lần và 14 DN tổ chức 1 năm/lần. Đáng chú ý là nhiều DN FDI đã quan tâm đến hoạt động đối thoại tại nơi làm việc như Cty TNHH Giày Annora, Cty TNHH giàu Sun Jade Việt Nam, Cty TNHH Kefico Việt Nam (Hải Dương), Cty Mabuchi Motor (Đồng Nai)…
Cả nước có khoảng 60,18% DN có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị NLĐ, trong đó DN có 50% vốn NN trở lên đạt 92%, DN dân doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 56%. Ngoài ra, phần lớn các DN áp dụng các hình thức thực hiện dân chủ khác, phát huy quyền dân chủ các các bên trong quan hệ lao động, nhiều DN đã thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về lao động tiền lương: trên 90% lao động đã ký kết hợp đồng lao động, 60-70% DN xây dựng thang, bảng lương; 60% DN có tổ chức công đoàn đã thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể.