Cá sủ vàng quý hiếm lọt vào tay “cần thủ” Sài Gòn
- Huyệt vị
- 18:38 - 18/04/2017
Tối ngày 17/4, nghe tin anh Quân (trú phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức) câu được cá lớn, được cho là cá sủ vàng quý hiếm, nhiều người dân trong vùng đã tìm đến để được tận mắt chứng kiến loài cá hiếm này.
Anh Quân cho biết, chiều ngày 17/4, anh cùng người chú đã thuê ghe ra tận cửa sông Đồng Nai để giăng cần. Khi cá mắc câu anh cũng không biết đó là cá sủ vàng nhưng người chú đi cùng đã khẳng định đây là loài cá sủ vàng quý, rất ít gặp nên đã thu cần vừa đưa con cá về nhà một cách nhanh nhất.
Con cá này có miệng rộng, bên trong miệng cá màu vàng ươm.
“Khi con cá mắc câu, nó vùng vẫy khá mạnh, vì sợ cá tuột lưỡi câu nên tôi đã phải mất 15 phút mới kéo được cá về gần phía mình. Nhìn qua lớp da óng anh, lúc đầu tôi nghĩ là cá chép nhưng người chú đã nói với tôi rằng có thể đó là cá sủ vàng rất có giá trị. Lúc ấy tôi vội thu cần vào bờ, thuê taxi để mang cá về nhà”, anh Quân kể lại.
Trong những năm gần đây, nhiều ngư dân trong vùng cũng đã từng câu được loại cá này và bán với giá rất cao.
Về mặt giá trị dinh dưỡng, cá sủ vàng được đánh giá bồi bổ gan thận rất cao. Thịt cá sủ vàng tươi, có mùi vị thơm ngon. Những phụ nữ có thai hoặc sau khi sinh ăn cá sủ vàng sẽ bổ sung nhiều dưỡng chất thiết yếu.
Tuy nhiên, thứ đắt nhất để tạo nên giá trị tiền tỷ của con cá sủ vàng không nằm ở thịt, vẩy vàng mà nằm ở bong bóng của cá. Bởi bóng cá sủ vàng phơi khô được cho là có giá trị dinh dưỡng ngang với nhân sâm.
Mới khoảng hơn 1 tháng trước, tại TX Cửa Lò (tỉnh Nghệ An), một ngư dân trẻ tuổi đã bắt được con cá sủi vàng nặng gần 8kg và bán với giá hơn 1 tỷ.
Cá sủ vàng có tên khoa học là Otolithoides biauritus, rất quý hiếm, đặc biệt giá trị lớn trong lĩnh vực y học. Bong bóng cá được sử dụng làm nguyên liệu hữu cơ sản xuất chỉ tự tiêu, có khả năng tự hủy sau khi phẫu thuật, không gây tổn thương đối với mô, giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm nên giá cao.
Loài này sinh sống ở biển, đến mùa đẻ (tháng 1 - 4 và 9 - 10 âm lịch hàng năm) sẽ vào các vùng cửa sông nước lợ cặp đôi và đẻ. Cá con ngược lên vùng nước ngọt sâu trong đất liền sống, sau một, hai năm sẽ dần tìm ra biển (khi đã đạt trọng lượng lớn hơn 10 kg).