Ca sĩ nổi nhờ báo,báo nổi nhờ Scandal của "sao"
- Văn hóa - Giải trí
- 13:37 - 23/06/2015
Ta vẫn gọi đài là báo nói, tivi là báo hình. Có lẽ 2 “tờ báo” này là nơi truyền đi những thông tin âm nhạc quan trọng và hiệu quả bậc nhất. Ở bài viết này, tôi chỉ muốn đề cập đến một góc nhìn về âm nhạc, đó là ca nhạc truyền hình.
1. Nghe ca nhạc qua radio có cái thú là chỉ nghe nhạc, âm nhạc cứ rót vào ta, giọng hát cứ rót vào ta, ta không bị chi phối bởi bất cứ thứ gì khác ngoài âm nhạc. Một thứ âm nhạc thuần khiết đến nỗi ta có cảm giác là âm nhạc đang chung sống cùng cơ thể, nghĩa là nó có cùng đời sống của bản thân ta, làm cho ta bỗng dưng giàu có, bỗng dưng hưng phấn khác thường.
Âm nhạc truyền hình thì khác. Ta vừa nghe nhạc, vừa được xem trình diễn. Hơn thế nữa, những hình ảnh “minh họa” cho tác phẩm âm nhạc vô cùng phong phú giúp ta tưởng tượng rằng, âm nhạc không chỉ có âm thanh mà còn có màu sắc, hình hài. Ta có cảm giác như mình đang tham dự vào cuộc trình diễn của nghệ sĩ, thậm chí cùng họ phiêu du qua những vùng thế giới thực hư, yêu thương hay khổ đau mà ta chưa từng biết tới. Và khi truyền hình số xuất hiện, thì ca nhạc truyền hình có một sức mạnh ngoài tưởng tượng của con người.
2. Từ khi có truyền hình là có ca nhạc truyền hình. Kể từ khi đó, ta bỗng quên dần thói quen đi xem ca nhạc. Đấy không phải là một điều hoàn toàn tốt. Nếu là hoàn toàn tốt thì việc gì người ta phải bỏ ra cả trăm nghìn đồng để xem ca nhạc trong nhà hát, trong khi xem ca nhạc truyền hình chỉ tốn mấy đồng. Xem “ca nhạc sống” thú vị như đến sân vận động xem bóng đá. Nhưng ta làm gì có đủ điều kiện để đến tất cả các sân bóng đá cũng như tất cả các sân khấu ca nhạc? Và thế là truyền hình đã giúp ta giải quyết ngay nỗi sầu muộn đó. Ta chán xem ca nhạc kênh A thì chuyển sang ca nhạc kênh B. Chán kênh B thì chuyển kênh C... Lại có loại tivi đời mới còn lưu trên màn hình mấy kênh cùng lúc. Ta ngồi trước tivi nhà mình mà xem ca nhạc toàn thế giới. Cầu truyền hình thật tiện lợi. Hà Nội – Huế – Sài Gòn đã đành. Lũng Cú – Cà Mau – Trường Sa cùng hát. Xem ca nhạc truyền hình trực tiếp vô cùng hứng thú. Ta như kẻ phân thân mà rốt cuộc vẫn chỉ một trái tim đang rung lên cùng âm nhạc...
3. Nhờ có âm nhạc truyền hình mà ta nhận biết được thịnh suy của đời sống âm nhạc toàn cầu. Ta biết nhạc cổ điển vẫn còn sống trong các nhà hát giao hưởng thính phòng hay những ngày kỷ niệm các bậc thiên tài âm nhạc. Ta biết nhạc dân gian vẫn hồi sinh trong những kỳ liên hoan, hội diễn hay lễ hội vùng miền. Ta biết nhạc trẻ ngập tràn và có sức kích động dây chuyền lôi cuốn tuổi trẻ khắp năm châu như không bao giờ ngừng nghỉ. Những thần tượng A, những ngôi sao B, C, D... liên tục thay đổi ngôi thứ như những cuộc maraton tưởng đến kiệt sức. Những ca sĩ xuất hiện bừng sáng rồi lụi tàn. Những nhóm nhạc mọc lên như nấm sau mưa. Những nhạc sĩ khởi nghiệp hay tổng kết sự nghiệp âm nhạc đều mang đến cho ta niềm vui hay nỗi buồn khó tả. Ta được gặp ở đây những người từ lâu vắng bóng. Ta cũng được gặp ở đây những người hàng ngày vẫn cười nói cạnh mình. Họ đã làm ta bất ngờ vì những cống hiến mà nhờ truyền hình ta mới được sẻ chia. Truyền hình đã mang đến cho ta một toàn cảnh âm nhạc. Bạn có bao giờ nghĩ vậy không?
4. Nhiều người than phiền ca nhạc truyền hình “ăn xổi”. Nhiều tác phẩm nhạt nhẽo, vô bổ. Nhiều “giọng hát karaoke”. Nhiều phong cách nhí nhố rẻ tiền. Nhiều chương trình lăng xê để quảng cáo hơn là để giới thiệu nghệ thuật. Nhiều thời trang ca sĩ hở hang phản cảm. Nhiều góc máy phóng đại những hình ảnh cần giấu đi hơn là phô bày trước mắt bàn dân thiên hạ... Nội hay ngoại, đông hay tây đều chạy theo thị hiếu, và không tránh khỏi những dục vọng rẻ tiền. Mà không chỉ trên truyền hình, nhiều chương trình ca nhạc không truyền hình cũng đua đòi nhằm chiêu dụ công chúng vào cái bẫy của họ giăng ra. Để thu tiền. Để tạo “ép phê”. Để nổi danh bằng mọi cách. Rốt cuộc, vô tình họ đã xô đẩy hàng loạt trẻ vị thành niên lao vào các ổ “lắc nhảy” điên loạn, xa hoa trụy lạc. Đấy là dấu hiệu của sự suy đồi đạo đức mà xã hội đã rung chuông lên án.
5.Vâng, ta có thể xem truyền hình và cũng có thể không. Nhưng thử hỏi trên thế giới này có mấy ai không xem truyền hình? Và hơn nữa là ca nhạc truyền hình? Từ trẻ con đến người lớn đều có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, đặc biệt là ca nhạc. Khi vui hát lên. Khi buồn cũng hát lên. Khi lao động hát lên. Khi đánh giặc cũng hát lên. Ca nhạc mang sẵn trong nó một sức mạnh và một sức quyến rũ đến ghê gớm. Vì thế mà có kênh ca nhạc truyền hình riêng, không bao giờ sợ lỗ. Nhu cầu âm nhạc như là một nhu cầu tự thân của mỗi con người, không phải ai ép buộc. Bởi thế mà các chương trình âm nhạc truyền hình luôn được khán giả “khai thác” để thưởng thức. Đấy là một lợi thế đặc biệt của những người làm ca nhạc truyền hình. Những nhà biên kịch, những nhà đạo diễn, những nhà quay phim, những nhà sản xuất ca nhạc truyền hình càng ngày càng được trân trọng, ngưỡng mộ. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ nhờ ca nhạc truyền hình mà danh nổi như cồn. Và khi đã được hâm mộ, có nghĩa là người ta có thể hái ra tiền bằng chính nghề nghiệp và tài năng của họ. Ngược lại, những người làm truyền hình cũng được vinh danh.
Ta là người yêu âm nhạc hay chỉ là hơi yêu âm nhạc thôi, thì ta vẫn phải cảm ơn họ – những người tham gia vào chương trình ca nhạc truyền hình, dù họ xuất hiện hay không xuất hiện trên màn hình. Cảm ơn và hy vọng. Sẽ có nhiều hơn nữa những chương trình ca nhạc truyền hình sinh động, sâu sắc và đẹp lộng lẫy...