Cả nước có 9,79% hộ nghèo
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 18:10 - 15/07/2016
Ngày 12/7, Bộ LĐ-TB&XH có công văn gửi Bộ Tài chính về việc thống nhất đối tượng, cách xác định đối tượng thụ hưởng các chính sách giảm nghèo và an sinh xã họi theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Theo Bộ LĐ-TB&XH, chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 với mục đích bước đầu thực hiện chuyển đổi phương pháp đo lường nghèo ở Việt Nam từ phương thức đo lường đơn chiều về thu nhập sang tiếp cận phương pháp đo lường đa chiều. Bao gồm việc ước lượng thu nhập và thu thập thông tin về mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của các hộ gia đình để làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2016-2020. Do hiện nay việc thực hiện chuẩn nghèo đa chiều mới chỉ ở bước tiếp cận, chủ yếu vẫn dựa trên việc đo lường thu nhập, đo đó Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thống nhất cách xác định đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội là toàn bộ các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phê duyệt của các địa phương.
Hộ nghèo cần được hỗ trợ để tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Trả lời về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn nghèo chính sách nhưng thấp hơn chuẩn mức sống tối thiểu và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với các địa phương hoàn tất công tác nghiệm thu phiếu thu thập thông tin đặc điểm và điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn quốc. Trên cơ sở phân tích hệ thống cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, đánh giá chi tiết về mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản ở các địa phương, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, xây dựng phương án hỗ trợ cho các đối tượng theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện tăng cường khả năng tiếp cận của các hộ gia đình đối với những chiều thiếu hụt. Đồng thời, vẫn duy trì hỗ trợ thực hiện một số chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội chung cho đối tượng hộ nghèo trên toàn quốc như các chính sách hỗ trợ tạo sinh kế, vay vốn tín dụng ưu đãi… để các hộ gia đình có điều kiện đảm bảo cuộc sống, nâng cao thu nhập, từ đó tự nâng cao khả năng tiếp cận của các hộ gia đình với các dịch vụ xã hội cơ bản.
Hiện đã có 61 tỉnh, thành phố phê duyệt kết quả điều tra hộ nghèo năm 2015 theo chuẩn đa chiều (tỉnh Sóc Trăng và Bình Phước chưa có báo cáo chính thức). Theo đó, cả nước có 9,79% hộ nghèo và 5,27% hộ cận nghèo. Kết quả điều tra cho thấy, khu vực Đông Nam bộ có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước, chỉ ở mức 1,23% và 0,92% hộ cận nghèo. Trong đó, tỉnh Bình Dương dẫn đầu cả nước không có hộ nghèo và hộ cận nghèo. TP Hồ Chí Minh cũng chỉ có 0,02 hộ nghèo và 0,2 hộ cận nghèo. Tỉnh Bình Phước có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất Đông Nam Bộ ở mức 6,15%.
Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ hộ nghèo thấp thứ 2 cả nước, ở mức 4,76%. Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 9,19% và 5,11% hộ cận nghèo. Duyên hải miền Trung có 11,4% hộ nghèo và 7,34% hộ cận nghèo. Các tỉnh Bắc Trung bộ có 12,5% hộ nghèo và 9,32% hộ cận nghèo. Khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên có 17,14% hộ nghèo và 6,9% hộ cận nghèo.
Các tỉnh miền núi Đông Bắc và miền núi Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Theo đó, khu vực Đông Bắc có tới 20,74% hộ nghèo và 8,53% hộ cận nghèo. Trong đó, tỉnh Hà Giang có tỷ lệ nghèo cao nhất khu vực và cao thứ 2 cả nước với 43,65%. Tỉnh Cao Bằng có 42,53% hộ nghèo. 5 tỉnh miền núi Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo lên đến 34,53% và 9,87% hộ cận nghèo. Trong đó, tỉnh Điện Biên có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước với 48,14% và 7,69% hộ cận nghèo. Tỉnh Lai Châu tỷ lệ hộ nghèo ở mức 40,4%.
Kết quả điều tra hộ nghèo là cơ sở để Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, xây dựng phương án hỗ trợ cho các đối tượng theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện tăng cường khả năng tiếp cân của các hộ gia đình đối với những chiều thiếu hụt.